xuân

Nghị quyết số 57-NQ/TW: Vững vàng, tự tin bước vào ‘thế trận’

Để đất nước bứt phá trong tương lai, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các yếu tố tiền đề, tiên quyết. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời đúng thời điểm đó.

Nghị quyết số 57-NQ/TW: Vững vàng, tự tin bước vào ‘thế trận’
TS. Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội.

Trong buổi trò chuyện với Báo Thế giới và Việt Nam nhân dịp đầu Năm mới Ất Tỵ, TS. Cù Văn Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và các vấn đề xã hội hào hứng và kỳ vọng nhiều về Nghị quyết trên.

Việt Nam đang “về đích” thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và bước sang kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Một trong bảy định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra là chuyển đổi số. Ông đánh giá thế nào về thành tựu chuyển đổi số của đất nước thời gian qua?

Có thể thấy rõ, chuyển đổi số thời gian qua ở Việt Nam đạt được rất nhiều thành tựu. Chúng ta đã có một cuộc vận động rộng khắp, “gõ cửa” từng bộ phận người dân. Chúng ta dần dần làm chủ nhiều mặt của nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Nhiều dữ liệu được đồng bộ, tập hợp, có giá trị trong khai thác, đối chiếu và vận hành vì mục tiêu phát triển đất nước. Tôi cho rằng, rất ít người nằm ngoài cuộc “trường chinh” này.

Con đường phát triển quốc gia dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số còn dài phía trước. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã dần bắt nhịp, có những bước chuyển đều đặn, chuyên nghiệp hơn trong con đường đó. Chuyển đổi số đã đi vào từng ngõ ngách của cuộc sống, từ người dân đến doanh nghiệp đều đang trực tiếp thụ hưởng những thành quả của chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Có thể khẳng định, thành quả đó là nhờ sự cố gắng, nỗ lực lớn lao của Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nhà nước và nhân dân cho một tiến trình không thể đảo ngược - tiến trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Kết quả thời gian qua trên các mặt, các phương diện của đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam chính là niềm tự hào mà chúng ta có thể hãnh diện.

Nghị quyết 57 ra đời đúng thời điểm Việt Nam cần một động lực, cần huy động sức mạnh của toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển vươn mình. Nghị quyết là sự “hạ xuống” của chính sách đến từng “nấc thang” của đời sống xã hội.

Ngày 22/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57)về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ông nhận định thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết này?

Nghị quyết 57 ra đời đúng thời điểm Việt Nam cần một động lực, cần huy động sức mạnh của toàn dân tộc, đưa đất nước phát triển vươn mình. Nghị quyết là sự “hạ xuống” của chính sách đến từng “nấc thang” của đời sống xã hội bởi Nghị quyết đúng và trúng với các yêu cầu của cuộc sống, chú trọng vào yếu tố con người.

Đây là một Nghị quyết có chất lượng văn học, văn hóa bởi vì nó ra đời trên cơ sở xuất phát từ nỗi niềm trăn trở vì con người, vì khát vọng phát triển đất nước của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chỉ khi có những suy tư trước các vướng mắc của thời cuộc, của hiện thực đất nước thì mới có một Nghị quyết làm xúc động nhân dân và gây được nhiều cảm tình với các nhà khoa học như thế!

Hiện nay, chúng ta vẫn đang vướng mắc về thể chế, về cơ chế, về chính sách và về vấn đề con người (nhân lực, nhân tài) trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ý thức được điều này, Đảng kêu gọi tất cả lực lượng trong toàn xã hội cùng chung tay vì mục tiêu phát triển thịnh vượng của dân tộc.

Để đất nước bứt phá trong tương lai, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một trong các yếu tố tiền đề, tiên quyết. Trong khi đó, muốn làm chủ và có thể vận hành trơn tru những vấn đề đó, con người phải là chủ thể. Nghị quyết 57 chính là sự bảo trợ chính trị to lớn, sự nâng đỡ trên tinh thần vì con người, vì sự phồn vinh của đất nước.

Nghị quyết nhắc tới việc trân trọng từng nghiên cứu nhỏ nhất có ích cho xã hội của bất cứ cá nhân nào. Nghị quyết chấp nhận độ trễ, những sai số trong lĩnh vực này và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hay hàng loạt các vấn đề về nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Tôi cho rằng, đó là sự dung hợp rộng khắp để khai thác những ý tưởng sáng tạo, khơi dậy khát khao cống hiến của nhân dân, của những nhà khoa học trong và ngoài nước.

Từ bao đời nay, nhân dân chính là đối tượng, là chủ thể giúp đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng. Đảng ta một lần nữa ý thức rất sâu sắc về vai trò của nhân dân và cho ra đời một Nghị quyết 57 có ý nghĩa lớn lao.

Nghị quyết số 57-NQ/TW: Vững vàng, tự tin bước vào ‘thế trận’
Nghiên cứu khoa học tại Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh. (Nguồn: VnExpress)

Việc thực hiện Nghị quyết 57 sẽ gặp khó khăn gì, theo ông? Làm thế nào để hóa giải những khó khăn đó?

Tại Nghị quyết 57 đã nêu rõ ở phần đầu về những khó khăn của đất nước, đó chính là nhận thức chưa đồng bộ, chưa đồng đều ở các cấp, các ngành, ở chính quyền về chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, muốn Nghị quyết thành công, trước tiên, phải được quán triệt sâu rộng, phải truyên truyền mạnh mẽ đến từng chi bộ, từng ngóc ngách của đời sống xã hội nhằm tạo được làn sóng đồng thuận của toàn dân.

Điều đó sẽ giúp đất nước có tâm thế vững vàng, tự tin để bước vào “thế trận” mới của phát triển khoa học công nghệ. Ở “thế trận” này, đất nước ta dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phát triển, để tạo lập quan hệ sản xuất mới, đưa phương thức sản xuất tiên tiến vào đời sống kinh tế - xã hội, giúp chúng ta phát triển vượt bậc, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia phát triển.

Tiếp theo, Việt Nam hiện còn thiếu cơ sở vật chất, hạ tầng cơ sở quốc gia về chuyển đổi số và thiếu nhân lực chất lượng cao, thiếu nguồn lực tài chính.

Nghị quyết số 57-NQ/TW: Vững vàng, tự tin bước vào ‘thế trận’
Ảnh minh họa.

Có lẽ, nhận thấy khó khăn đó nên một trong những nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết số 57 là phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đối với yêu cầu này, các trường đại học, cơ sở đào tạo của Việt Nam cần chuyển mình thế nào, theo ông?

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không phải vấn đề có thể giải quyết “một sớm một chiều” vì vậy, các trường đại học cần phải tìm những giải pháp và xác định được những hướng đi riêng.

Việt Nam đang thiếu chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI), về đổi mới sáng tạo. Muốn có sự đột phá, cần có cơ chế đặc thù trong quy chế đào tạo, thu hút đội ngũ chuyên gia nước ngoài và người có chuyên môn trong lĩnh vực ấy đến Việt Nam công tác, cống hiến và đào tạo nhân lực cho đất nước.

Vậy đâu là từ khóa cho chuyển đổi số trong năm 2025?

Theo tôi, “sáng tạo để thành công” là từ khóa cho hành trình chuyển đổi số của Việt Nam năm nay. Nghị quyết 57 giống như một mảnh đất ươm mầm, làm nảy nở những sáng tạo, ý tưởng của con người.

Người Việt Nam sẽ có chất liệu, chất xúc tác và các kích thích về khía cạnh tinh thần để từ đó tìm tòi ra nhiều cách thức mới, phương pháp mới nhằm nâng cao hiệu suất lao động, hiệu quả trong công việc, tạo ra nhiều của cải trong xã hội, làm giàu cho bản thân và phát triển đất nước. Vì vậy, việc tận dụng tốt Nghị quyết 57 sẽ là cú hích đủ mạnh giúp đất nước vươn mình thành công.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })