Nhân sự kiện năm học mới mục “Đừng im lặng” có đăng hai bài viết Chủ quan khi triển khai đại trà VNEN và bài Kính thưa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi hai bài viết đăng lên có rất nhiều bình luận, góp ý đa chiều của bạn đọc về mô hình học VNEN, những đổi mới về tuyển sinh THPT quốc gia năm 2017 gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mô hình VNEN người khen kẻ chê
Trong bài Kính thưa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có viết: "Ngày 18/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 4068/BGDĐT - GDTrH gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai VNEN năm học 2016-2017.
Bộ trưởng Bộ GDĐT để nghị các địa phương triển khai VNEN trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, Bộ GDĐT không hướng dẫn việc thực hiện nguyên tắc tự nguyện".
|
Học sinh cuối cấp muốn bỏ học vì... cải cách!
|
Sau khi đọc xong bạn Đỗ Quang Đán viết: “Nhỡn tiền là giáo dục kiểu VNEN chưa hợp với xứ ta. Nhưng bộ GDĐT cứ cố áp đặt thành ra nên sự. Hãy nhìn thẳng vào sự thật chứ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không thể tung ra lời tự nguyện.
Liệu VNEN các vị khen hay mà sao giáo viên và phụ huynh kêu giời? Chỉ đạo của bộ chủ quản kiểu này thì giáo dục đi về đâu?
Chúng ta có cách học, cách dạy Việt Nam, chứ không thể bê nguyên xi cách làm của thế giới về áp vào. Hãy nhìn thẳng vào thực trạng, chứ không thể tư duy đổi mới nửa vời, giở trăng giở đèn là giáo dục càng tụt dốc đó”.
Bạn cũng dẫn chứng thêm: “Hãy nhìn từ cấp phổ thông đi xuống, đào tạo cử nhân cho đến thạc sĩ, tiến sĩ quá lãng phí vì các trường ĐH có coi trọng chất lượng đâu? Ông Bộ trưởng cần nhìn lại tư duy các cục, vụ, viện, các chuyên gia giáo dục của bộ đang như đứng trên giời xanh nhìn xuống trần gian xa thực tế lắm.
Nhiệm kỳ 5 năm vèo trôi không tư duy giáo dục cho tử tế thì sẽ làm khổ tương lai con cháu, giáo dục không thể là cái lò đốt tiền dân, tiền nhà nước được”.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến bạn đọc đồng tình với mô hình học VNEN. Bạn Lê Nga viết: “Tôi thấy mô hình VNEN rất hay, tất cả vì học, tránh sa vào lối dạy - học giáo điều, cứng nhắc. Giáo viên có tâm, năng lực, yêu nghề mến trẻ sẽ thực hiện tốt, giúp học trở thành con người chủ động, tự giác.
Số phản đối chủ yếu là giáo viên lười, thiếu kỹ năng, trình độ, chưa tâm huyết, một số phụ huynh nghe giáo viên bàn lùi, hù dọa, họ lại chưa hiểu mô tê gì. Hơn nữa người Việt hay có tính bảo thủ, cố chấp, a dua…
Mô hình này sau hàng chục năm nghiên cứu mới triển khai một cách từ từ chứ không phải đồng loạt ngay tức khắc. Bộ GD&ĐT nếu nhụt chí, 'đẽo cày giữa đường' thì giáo dục không thể thay đổi, đất nước mãi giẫm chân tại chỗ như lâu nay”.
Bên cạnh đó, bạn đọc LinhDuong cũng góp ý nên học các nước đã thành công về mô hình học này. Bạn viết: “Hãy nhìn Hàn Quốc, Singapore mà học cách cải tiến. Tôi cho rằng mình vẫn loay hoay trong cái vòng rất lẩn quẩn, đừng biến cả một thế hệ là chuột bạch một điều thật nguy hiểm thưa các nô bộc của dân”.
Muốn bỏ học vì cải cách
Hai năm gần đây những quy chế trong kỳ thi THPT Quốc gia thay đổi khiến nhiều học sinh lớp 12 đứng ngồi không yên. Vừa qua tại cuộc họp báo đầu năm học 2016- 2017, bộ lại mới tiết lộ về những thông tin mới về tuyển sinh năm 2017, nhiều học sinh 12 lại thâp thỏm.
Bạn Minh Trương viết: “Năm nay con 12 thật sự con rất muốn bỏ học từ khi nghe những quyết định đổi mới. Thưa bộ, một ngày chúng con học từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều (học chính khóa), chúng con phải cặm cụi cho những môn chúng con không hề yêu thích.
Thật sự ba môn Toán, Văn, Anh là quá đủ để chiếm cả một ngày học của chúng con rồi. Bộ không biết hay cố tình không biết? sức ép của bộ xuống giáo viên, rồi giáo viên đè nặng đau đớn với học sinh như thế nào? Giá mà bộ làm, hoàn thành tất cả trong năm trước, công bố vào đầu năm nay thì chúng con sẽ biết đi theo hướng nào.
Một tuần rồi, con không học được gì cả, bộ cứ im lặng và chưa xác minh được những quyết sách đúng đắn của mình. Con mong bộ có thay đổi thế nào, hãy để chúng con được học và chọn ban mình yêu thích. Đừng bắt chúng con đang học xã hội mà ôn cả tự nhiên, như vậy thật sự chúng con không thiết học và sống nữa”.
Nhiều phụ huynh cũng mất ăn, mất ngủ vì phải chứng kiến cảnh thay đổi, cải cách đến chóng mặt. Bạn MinhDang viết: “Cầu xin Bộ GDĐT cải cách giáo dục ít thôi! Người dân chúng tôi đã vô cùng kinh sợ rồi.
Mỗi một lần các vị cải cách là một lần con em chúng tôi biến thành chuột bạch cho các vị làm thí nghiệm, mỗi lần các vị nổi hứng lên cải cách là một thế hệ của đất nước này 'đi tong'. Mà thật ra cái sự cải cách của các vị nào có mới mẻ, phát triển với tiến bộ gì đâu? nó vẫn thế nếu không nói là còn thêm tụt hậu.
Các vị hãy tự xem chất lượng tuyển sinh của ngành sư phạm (đầu vào của giáo viên), các vị hãy nhìn xem chất lượng 99% học sinh khá giỏi thì sẽ có bao nhiêu em đọc chưa thông, viết chưa thạo... Như thế đấy: thầy chẳng ra thầy thì mong muốn trò ra trò làm sao được? chỉ có thể nói: thầy nào, trò nấy mà thôi”.
Mặt khác, nhiều bạn đọc cũng chỉ ra vấn nạn bằng cấp hiện nay ở nước ta. Bạn Teuong viết: “Vắt kiệt sức ra học cũng chỉ vì thi đại học đấy. Ở Việt Nam, lúc nào cũng bằng đại học bằng này bằng kia. Đừng bảo là 'đại học không phải là cánh cửa duy nhất đến thành công'.
Câu nói đấy chỉ đúng với các nước phương Tây có nền giáo dục tiên tiến thôi, ở Việt Nam hiếm lắm. Từ hôm nghe tin kỳ thi tốt nghiệp năm nay có thể thi 7 môn thì bọn bạn cháu kinh hãi lắm Bộ trưởng.
Các vị cho rằng chỉ quan tâm đến các môn trọng tâm là học tủ, học sinh không chịu tư duy vậy sao các vị không tuy duy xem cải cách thế nào là hay thì làm một lần luôn đi. Học sinh bọn cháu đâu phải chuộc bạch thì nghiệm. Mong ngài đọc được dòng này”.
Bạn Nguyễn Thị Thu Hồng cũng bổ sung: “Đổi mới để tiến bộ thì rất tốt, nhưng phải trọng tâm trọng điểm và phải phù hợp với thể chất của con em nước ta”.
Theo Ngô Chuyên/Lao Động
(Zing đặt lại tiêu đề)