Sự kiện do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Hệ thống Giáo dục Victoria School tổ chức, nhằm tạo ra một không gian đối thoại và hợp tác giữa các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, giáo viên, học sinh, sinh viên và những người quan tâm đến các vấn đề về giáo dục biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, hướng đến sự phát triển bền vững.
Diễn đàn bao gồm 3 phiên: Tổng quan về biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo; Báo cáo nghiên cứu về giáo dục năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu; Thảo luận bàn tròn về giáo dục năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu.
PGS. TS Nguyễn Đình Thọ Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tổng quan về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu
Những “báo động” về biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu ngày càng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến các nguồn tài nguyên và con người gặp rủi ro nghiêm trọng. Hàng tỷ người có nguy cơ đối mặt với đói nghèo và bệnh tật trong khi các hệ sinh thái trên trái đất và môi trường bị tổn hại bởi hiện tượng nóng lên của trái đất, hạn hán, lũ lụt, phá rừng, đặc biệt các hiện tượng bất thường của thời tiết.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn và phức tạp từ biến đổi khí hậu như lũ lụt, nước biển dâng gây xâm lấn ngập mặn, hạn hán… Những hiện tượng này không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, mà còn gây áp lực lớn lên nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Cơn bão Yagi gây thiệt hại nặng nề về người và của trong thời gian gần đây là một ví dụ điển hình.
Chính lẽ đó, một trong những mục tiêu của thỏa thuận Paris tại Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc năm 2015 là giảm mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ. Theo các nhà khoa học, để hạn chế mức tăng nhiệt độ ở mức 1,5 độ, chúng ta phải giảm 45% lượng khí thải so với mức năm 2010 vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các quốc gia đang phát triển cần huy động thêm nhiều nguồn lực và tài chính mỗi năm cho các giải pháp và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Lê Anh Lan Chuyên gia Giáo dục Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) chia sẻ tại diễn đàn
Giáo dục về năng lượng tái tạo - Giải pháp vì sự phát triển bền vững
Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian qua, cộng đồng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ và giải pháp thiết thực như giảm phát thải nhà kính, phát triển vùng cây xanh, nạo vét hồ, hạn chế rác thải, giải quyết ngập úng…
Tại trường học, các chương trình giáo dục về năng lượng tái tạo như “Giáo dục về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu” cũng được lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu mà còn là nền tảng đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.
Diễn đàn “Giáo dục về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu” được tổ chức thu hút 120 người tham dự đến từ Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo và các em học sinh. Những giải pháp bền vững cho các hoạt động giáo dục ở trường học, đặc biệt là bậc trung học cơ sở. Diễn đàn dành thời gian thảo luận về vai trò của giáo dục trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm cho thế hệ trẻ để họ có thể ứng phó một cách hiệu quả với những thách thức toàn cầu.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, thầy cô giáo sẽ thảo luận các vấn đề liên quan thực trạng giáo dục về biến đổi khí hậu và năng lượng tái tạo và tiếp cận tích hợp các chủ đề về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu vào chương trình giảng dạy tại trường học. Bằng cách truyền tải thông điệp môi trường thông qua giáo dục, các trường học có thể góp phần xây dựng thế hệ công dân toàn cầu ý thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, quốc gia, trái đất môi trường sống của chúng ta.
GS. TS Lê Anh Vinh Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn
GS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn chia sẻ: “Ngành giáo dục có vai trò quan trọng trong tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo không chỉ trong khuôn khổ nhà trường mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực về nhận thức trong xã hội. Diễn đàn lần này được tổ chức thảo luận các vấn về giáo dục biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo từ chính sách đến cấp độ tích hợp, lồng ghép ở cấp độ nhà trường. Để thực hiện thành công điều này chúng ta cần sự chung tay từ các bên liên quan để cùng lập kế hoạch giáo dục, triển khai những sáng kiến khả thi”.
Diễn đàn không chỉ tạo ra một không gian khoa học trao đổi kiến thức mà còn là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan, từ đó cùng nhau tìm ra những giải pháp để thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững. Đây cũng là dịp để các em học sinh, thầy cô giáo được đối thoại cùng các chuyên gia, từ đó nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm với môi trường, thiên nhiên và tạo ra những sáng kiến có ích cho cộng đồng.
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Hệ thống giáo dục Victoria School ký kết hợp tác
Trong khuôn khổ diễn đàn, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Hệ thống giáo dục Victoria School đã ký kết hợp tác để tổ chức cuộc thi STEAM For Girls – STEAM Xanh cho Nữ sinh định kỳ hằng năm, tạo sân chơi sáng tạo và giàu trải nghiệm cho các em học sinh nữ về lĩnh vực STEAM.
Diễn đàn “Giáo dục về năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu” là hoạt động tiếp nối sau Vòng chung kết cuộc thi STEAM For Girls – STEAM Xanh cho Nữ sinh 2024 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Hệ thống Giáo dục Victoria School tổ chức. Diễn đàn với sự góp mặt của các chuyên gia, diễn giả:
Thông tin chi tiết về diễn đàn xin vui lòng tham khảo tại link:https://drive.google.com/drive/mobile/folders/11vHxiU5MobrH-Cr9dOuCiumJTIO2teL2?usp=sharing&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo |
N.Anh