xuân

Năng lượng - Con 'át chủ bài' thầm lặng định hình cục diện thế giới

Trong bối cảnh thế giới chuyển mình sang năng lượng tái tạo, dầu mỏ và khí đốt vẫn nắm trong tay quyền lực rộng lớn, đủ sức định hình cấu trúc địa chính trị toàn cầu.

Năng lượng - Con 'át chủ bài' thầm lặng định hình cục diện thế giới
Dầu mỏ và khí đốt, trong vai trò vũ khí địa chính trị, vẫn góp phần định hình trật tự quyền lực toàn cầu. (Nguồn: Getty)

Suốt nhiều thập kỷ qua, năng lượng luôn giữ vai trò trung tâm trong quan hệ quốc tế và giao thương toàn cầu. Dầu mỏ và khí đốt đã trở thành những "quân bài mặc cả" về chính trị, ảnh hưởng đến chính sách liên minh và xung đột khu vực.

Từ việc Nga tận dụng nguồn cung khí đốt châu Âu làm công cụ chiến lược, đến những quyết định sản lượng từ Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và tham vọng tự chủ năng lượng của Mỹ, điểm hội tụ giữa năng lượng và ngoại giao dần trở nên mật thiết. Nói cách khác, dầu mỏ và khí đốt - trong vai trò vũ khí địa chính trị - đang góp phần định hình trật tự quyền lực toàn cầu.

Sức ảnh hưởng mạnh mẽ

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 với lệnh cấm vận từ OPEC cho thấy, năng lượng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết sách kinh tế và chính trị. Thời gian gần đây, Nga đã sử dụng xuất khẩu khí đốt như một đòn bẩy ảnh hưởng, đặc biệt tại châu Âu.

Trước khi xảy ra cuộc xung đột Ukraine, EU phụ thuộc khoảng 40% vào khí đốt Nga, khiến vấn đề an ninh năng lượng trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của khối. Khi Nga cắt giảm nguồn cung năm 2022, châu Âu buộc phải tìm kiếm các nguồn thay thế, làm thay đổi cục diện năng lượng khu vực.

Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), vốn tăng cường sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga, đã trở thành tâm điểm căng thẳng địa chính trị, dẫn đến các lệnh trừng phạt và đòn trả đũa. Tương tự, các quốc gia sản xuất dầu mỏ Trung Đông, đặc biệt là Saudi Arabia cũng có sức ảnh hưởng lớn thông qua OPEC. Mỗi động thái điều chỉnh sản lượng của tổ chức này đều tác động mạnh đến giá dầu toàn cầu, kéo theo hệ lụy đối với nhiều nền kinh tế.

Là quốc gia dẫn đầu về tiêu thụ và sản xuất dầu, Mỹ nhiều lần phản ứng với các quyết định của OPEC bằng cách giải phóng nguồn dự trữ dầu chiến lược và thúc đẩy các biện pháp ngoại giao nhằm ổn định thị trường.

Các tập đoàn năng lượng đa quốc gia của Washington như ExxonMobil, BP và Gazprom cũng đóng vai trò quan trọng trong định hình chính sách năng lượng toàn cầu thông qua quá trình vận động hành lang, hợp tác chiến lược và đầu tư vào công nghệ năng lượng mới.

Năng lượng - Con 'át chủ bài' thầm lặng định hình cục diện thế giới
OPEC là một trong những tổ chức quyền lực nhất trên thế giới vì sản xuất hơn một phần ba nguồn cung dầu toàn cầu. (Nguồn: Oil & Gas Middle East)

Công cụ quan trọng

Lệnh trừng phạt đối với những quốc gia sản xuất dầu mỏ đã trở thành công cụ quan trọng trong chính sách ngoại giao của các nước.

Mỹ từng áp đặt trừng phạt lên Iran và Venezuela nhằm hạn chế ảnh hưởng của các nước này, đồng thời cắt nguồn tài trợ về chính trị và quân sự. Tuy nhiên, các biện pháp này dẫn đến những hệ quả không lường trước, bao gồm việc tái cấu trúc thị trường dầu mỏ toàn cầu và hình thành các liên minh mới.

Tin liên quan
Lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng, đe dọa vượt ngưỡng 1,5°C của Hiệp định Paris Lượng khí thải CO2 toàn cầu tăng, đe dọa vượt ngưỡng 1,5°C của Hiệp định Paris

Bất chấp lệnh trừng phạt, Tehran tăng cường hợp tác năng lượng với Bắc Kinh, trong khi Venezuela tìm đến Nga và Trung Quốc để thay thế thị trường phương Tây. Những sự dịch chuyển này cho thấy chính sách năng lượng có thể định hình lại cán cân quyền lực toàn cầu.

Ngoài ra, các quốc gia bị trừng phạt cũng chủ động tìm kiếm giải pháp thích ứng.

Nga mở rộng xuất khẩu dầu sang Ấn Độ và Trung Quốc với mức giá ưu đãi nhằm duy trì thị phần, làm thay đổi dòng chảy thương mại truyền thống và tạo ra những mối quan hệ tài chính mới.

Động lực địa chính trị mới

Xe điện trưng bày tại một trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh ngày 3/11/2023. Ảnh: Reuters
Trung Quốc đang vươn lên trở thành cường quốc năng lượng tái tạo, thống trị các lĩnh vực như sản xuất pin mặt trời, pin lưu trữ và xe điện. (Nguồn: Reuters)

Khi thế giới hướng tới các nguồn năng lượng xanh hơn, cấu trúc quyền lực dựa trên dầu mỏ và khí đốt cũng dần thay đổi. Những quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch có thể mất đi lợi thế khi năng lượng tái tạo phát triển mạnh mẽ.

EU đang tích cực thúc đẩy chính sách năng lượng xanh nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và tăng cường tự chủ năng lượng. Trong khi đó, Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc năng lượng tái tạo, thống trị các lĩnh vực như sản xuất pin mặt trời, pin lưu trữ và xe điện.

Sự chuyển dịch này tạo ra những động lực địa chính trị mới, khi việc kiểm soát các khoáng sản quan trọng cho công nghệ năng lượng sạch – như lithium, cobalt và đất hiếm – ngày càng trở nên thiết yếu. Các quốc gia giàu tài nguyên, chẳng hạn như Australia, CHDC Congo và Chile, đang trở thành tâm điểm trong các cuộc đàm phán năng lượng toàn cầu.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ không diễn ra ngay lập tức, dầu mỏ cùng khí đốt vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong an ninh năng lượng thế giới trong tương lai gần. Các chính phủ phải cân bằng giữa nhu cầu năng lượng ngắn hạn với mục tiêu phát triển bền vững dài hạn, đòi hỏi những quyết sách thận trọng về kinh tế, an ninh và môi trường.

Một trong những thách thức lớn nhất của quá trình chuyển đổi là hạ tầng năng lượng. Nhiều quốc gia hiện chưa có đủ cơ sở hạ tầng lưu trữ và truyền tải năng lượng tái tạo. Việc đầu tư vào lưới điện thông minh, pin lưu trữ và công nghệ hydro sẽ là chìa khóa để đảm bảo an ninh năng lượng trong kỷ nguyên hậu nhiên liệu hóa thạch.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })