![]() |
Malaysia áp dụng chiến lược ngoại giao cân bằng - tận dụng BRICS để đạt được lợi ích kinh tế và chiến lược, đồng thời tích cực củng cố vị thế trung tâm của ASEAN. (Nguồn: Bernama) |
Khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN vào năm 2025, trùng với thời điểm Brazil giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), cả hai đã nhất trí tìm hiểu hợp tác và theo đuổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Theo phân tích của Hãng thông tấn Bernama (Malaysia), nguyện vọng gia nhập BRICS của Kuala Lumpur mang đến cả cơ hội và thách thức. Trong khi sự tham gia sâu hơn vào BRICS sẽ mở rộng quan hệ đối tác kinh tế và củng cố ảnh hưởng toàn cầu của Malaysia, thì điều này cũng có thể gây ra những vấn đề phức tạp về địa chính trị và thử thách sự thống nhất của ASEAN.
Tin liên quan |
![]() |
Nhu cầu nắm bắt cơ hội, xây dựng vị thế mới
Các thành viên BRICS thường theo đuổi các lợi ích quốc gia quyết đoán, điều này có thể không phải lúc nào cũng phù hợp cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận và cam kết của ASEAN đối với sự ổn định khu vực.
Một câu hỏi quan trọng được đặt ra là - liệu Malaysia có thể tăng cường quan hệ toàn cầu, mà không làm suy yếu sự gắn kết và thịnh vượng lâu dài của ASEAN hay không?
BRICS hiện chiếm hơn 40% dân số thế giới, khoảng 25% GDP toàn cầu và vẫn đang nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng, mang đến cho Malaysia những cơ hội thương mại mới, các cơ chế tài chính thay thế và cả các con đường để giảm thiểu biến động tiền tệ.
Bộ trưởng Kinh tế Rafizi Ramli khẳng định: “Việc Malaysia có kế hoạch gia nhập BRICS để tập trung xây dựng quan hệ đối tác kinh tế, tăng cường giao thương và mục tiêu là mở rộng tiềm năng tăng trưởng. Cho dù là ASEAN hay BRICS, thế giới quan của Malaysia đều có điểm chung”.
Ông cũng tuyên bố, Malaysia đang xây dựng một vị thế mới để đất nước đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2025.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra là, trong khi tư cách thành viên BRICS có thể nâng cao vị thế toàn cầu của Malaysia, thì nó cũng đặt ra những thách thức trong việc cân bằng các lợi ích kinh tế và chiến lược, với các nghĩa vụ của một thành viên đang đóng vai trò Chủ tịch của khối ASEAN.
Trên thực tế, các ưu tiên kinh tế và lợi ích địa chính trị của BRICS không phải lúc nào cũng phù hợp với các nguyên tắc của ASEAN về ổn định khu vực, sự trung lập và ra quyết định dựa trên sự đồng thuận.
Bernama bình luận, để "gỡ rối" trong vấn đề này, Malaysia phải áp dụng chiến lược ngoại giao cân bằng - tận dụng BRICS để đạt được lợi ích kinh tế và chiến lược, đồng thời tích cực củng cố vị thế trung tâm của ASEAN thông qua sự hợp tác liên tục, liên kết với các sáng kiến khu vực và cam kết vững chắc đối với các nguyên tắc của ASEAN.
Như vậy mới có thể thấy, với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, sự thống nhất trong khu vực vẫn là mục tiêu hàng đầu của Malaysia.
Các nhà lãnh đạo Malaysia sẽ tiếp tục ưu tiên vào sự thống nhất và thành công chung của ASEAN. "Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2025, Malaysia cam kết tăng cường sự thống nhất khu vực, trong khi đẩy mạnh hợp tác với các khối quyền lực mới nổi. Sự tham gia của chúng tôi vào BRICS bảo đảm ASEAN vẫn là trung tâm của đối thoại toàn cầu, bảo đảm một tương lai kiên cường cho tất cả mọi người", Bộ trưởng Ngoại giao Dato' Seri Utama Haji Mohamad bin Haji Hasan khẳng định.
Theo hãng tin trên, Kuala Lumpur tìm kiếm tư cách thành viên BRICS không chỉ vì tiềm năng hoạt động rộng lớn hơn trên toàn cầu, mà còn để hội nhập sâu hơn các nền kinh tế ASEAN và xây dựng khả năng phục hồi tốt hơn trong khu vực. Bằng cách kết nối các lợi ích kinh tế của ASEAN với các sáng kiến BRICS, Malaysia đặt mục tiêu tạo ra các cơ hội thương mại và đầu tư mới, tăng cường quan hệ giữa các khu vực khác, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mới đây, trong một cuộc nói chuyện ngoại giao có chủ đề "Từ BRICS đến ASEAN: Vai trò lãnh đạo toàn cầu của Brazil và Malaysia trong thời kỳ bất ổn" do Viện Chiến lược và lãnh đạo châu Á (ASLI) tổ chức, Đại sứ Brazil tại Malaysia Ary Quintella cho biết, hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm gia nhập BRICS.
Sự hấp dẫn ngày càng gia tăng của BRICS càng cho thấy tầm quan trọng của việc Malaysia gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu. Nhấn mạnh sự phát triển năng động của BRICS, Đại sứ Ary Quintella đồng thời cho rằng, việc gia nhập của Malaysia có thể định vị sự tham gia hiệu quả của ASEAN trong tầm ảnh hưởng ngày càng mở rộng của BRICS.
Cân bằng, toàn diện và bền vững
Mặc dù lợi ích tiềm tàng của tư cách thành viên BRICS là rõ ràng, nhưng là một thành viên ASEAN, Malaysia sẽ phải giải quyết các mối quan ngại liên quan các rủi ro có thể xảy ra. Đặt trong bối cảnh tình hình địa chính trị phức tạp và xu hướng hình thành một trật tự thế giới mới như hiện nay, việc quá phụ thuộc vào các nền kinh tế BRICS có thể khiến ASEAN phải đối mặt với các cuộc cạnh tranh địa chính trị và cả vấn đề suy thoái kinh tế trong các quốc gia BRICS.
Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ với BRICS có thể tạo ra xung đột ngoại giao trong ASEAN, đặc biệt là giữa các thành viên cảnh giác với ảnh hưởng bên ngoài, dẫn đến việc có thể làm loãng lập trường chung của ASEAN trong các cuộc đàm phán quốc tế.
Để giảm thiểu những rủi ro này, hãng thông tấn Bernama đưa ra gợi ý - Malaysia nên ủng hộ một cuộc đối thoại ASEAN-BRICS có cấu trúc, bảo đảm rằng các thành viên ASEAN tham gia với BRICS một cách tập thể thay vì riêng lẻ. Cách tiếp cận này sẽ giúp duy trì sự thống nhất của ASEAN trong khi vẫn bảo đảm các lợi ích kinh tế của sự hợp tác sâu sắc hơn với BRICS.
Cách này tương tự như cách tiếp cận của các quốc gia BRICS. Chẳng hạn, chính sách không liên kết của Ấn Độ, cho phép quốc gia này duy trì mối quan hệ tích cực với cả các cường quốc phương Đông và phương Tây, trong khi vẫn bảo vệ được chủ quyền của mình.
Minh chứng thêm cho việc cân bằng các ưu tiên ngoại giao, hãng tin trên lấy ví dụ về việc dù có mối quan hệ chặt chẽ với các nước phương Tây, Malaysia vẫn luôn bảo vệ quyền của người Palestine, nhận được sự tôn trọng ở cả Trung Đông và cộng đồng quốc tế, đồng thời duy trì mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với các quốc gia như Mỹ.
Điều này cho thấy khả năng của Malaysia trong việc điều hướng các động lực địa chính trị phức tạp, trong khi vẫn trung thành với các giá trị và nguyên tắc cốt lõi của mình.
Các thành viên ASEAN khác, như Indonesia, Thái Lan cũng nhận ra tiềm năng của BRICS trong việc đóng góp vào phát triển kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống tài chính phương Tây, bằng chứng là sự tham gia của Indonesia vào Ngân hàng phát triển mới (NDB) cho các dự án cơ sở hạ tầng hay sự tham gia của Thái Lan vào các sáng kiến thương mại, đầu tư và du lịch của BRICS...
Mặc dù các quốc gia này coi "lời hứa" của BRICS là giải pháp thay thế cho sự thống trị của các thể chế phương Tây, nhưng vẫn còn đó một thách thức quan trọng trong việc liên kết các mục tiêu của BRICS với sự gắn kết trong cộng đồng ASEAN. Một số thành viên không khỏi lo ngại rằng, mối quan hệ chặt chẽ hơn với BRICS có thể làm phức tạp sự thống nhất trong nội bộ ASEAN và phá vỡ chiến lược chung của khu vực trong việc giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, Thủ tướng Datuk Seri Anwar Ibrahim đã giải quyết mối quan ngại này khi ông nhắc lại tầm quan trọng của sự thống nhất khu vực, tuyên bố rằng "ASEAN phải duy trì vai trò trung tâm đối với sự ổn định của khu vực, trong khi thích ứng với một thế giới đa cực".
Tuyên bố của Thủ tướng Ibrahim được cho là phản ánh tầm nhìn của Malaysia về tương lai của ASEAN – một tương lai cân bằng, toàn diện và bền vững, nơi sự thịnh vượng của khu vực phát triển thông qua hợp tác nội bộ và sự tham gia toàn cầu. Theo đó, vai trò lãnh đạo của Kuala Lumpur cần được xây dựng dựa trên thành công của việc cân bằng khéo léo giữa việc duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các cường quốc toàn cầu như Mỹ và Trung Quốc, trong khi vẫn thúc đẩy lợi ích chung của ASEAN.
Khả năng duy trì sự cân bằng này của Malaysia sẽ rất quan trọng khi quốc gia này đang trong vai trò Chủ tịch ASEAN, bảo đảm rằng, khu vực vẫn thống nhất bất chấp những biến động trong quyền lực toàn cầu.
Tiến sĩ Parag Khanna, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề thời sự quốc tế và châu Á, tác giả cuốn sách The Future is Asian, nhấn mạnh vai trò chiến lược của Đông Nam Á trong "bàn cờ" địa chính trị toàn cầu. Khẳng định Malaysia có vị thế tốt để dẫn dắt ASEAN vượt qua bối cảnh nhiều biến động như hiện nay, Tiến sĩ Khanna cũng cho rằng, trong tương lai, Kuala Lumpur cần thực hiện các bước chủ động để thể chế hóa cách tiếp cận của ASEAN với BRICS, ủng hộ các khuôn khổ rõ ràng phù hợp lợi ích chung của khối với các cơ hội mà BRICS mang lại.