Ngày 20/1, sau khi tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp liên quan tới một loạt lĩnh vực, qua đó hiện thực hóa các cam kết tranh cử của mình. (Nguồn: Nhà Trắng) |
Kinh tế thế giới
Giới CEO lạc quan
Hầu hết các giám đốc điều hành (CEO) dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ tăng tốc trong năm nay, bất chấp căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng và nguy cơ thuế quan cao hơn dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhận định trên được đưa ra trong khảo sát mới công bố hôm 20/1 của công ty kiểm toán PwC, theo đó gần 60% các nhà lãnh đạo công ty lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Tỷ lệ này tăng mạnh so với 38% một năm trước đó.
Báo cáo được đưa ra trùng với thời điểm tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ từ ngày 20-24/1.
Theo ông Mohamed Kande, Chủ tịch toàn cầu của PwC, tâm lý của các CEO đang tốt hơn so với nhiều năm trước. Sự cải thiện này là nhờ tâm lý lạc quan xung quanh các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh.
Ông Kande cho biết, lần gần nhất các quản lý hưng phấn như vậy là hơn 20 năm trước với Internet di động. Giờ đây, trọng tâm chú ý thị trường là AI. Theo ông, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang kỳ vọng rằng một kỷ nguyên sáng tạo mới đang đến.
PwC cho hay họ đã khảo sát 4.701 CEO trên 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn một nửa số CEO cho biết, công ty của họ đã trở nên hiệu quả hơn nhờ AI tạo sinh.
Cuộc khảo sát diễn ra từ ngày 1/10- 8/11/2024, có nghĩa là nhiều người tham gia có khả năng đã hoàn thành các câu trả lời trước khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Theo ông Kande, các CEO vẫn lạc quan sau chiến thắng của ông, vì kết quả mang lại sự chắc chắn và rõ ràng.
Kinh tế Mỹ
* Ngày 20/1, sau khi tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, ông Donald Trump đã ký gần 100 sắc lệnh hành pháp liên quan tới một loạt lĩnh vực, qua đó hiện thực hóa các cam kết tranh cử của mình.
Các sắc lệnh tập trung vào những vấn đề “nóng” trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vừa qua của ông Donald Trump như nhập cư, thuế quan, công nghệ và khai thác dầu.
Kinh tế Trung Quốc
* Ngày 22/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Trung Quốc sẽ bảo vệ "lợi ích quốc gia" sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết mức thuế 10% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể được áp dụng sớm nhất vào ngày 1/2 tới. Cũng theo người phát ngôn này, Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc với Washington nhằm giải quyết các khác biệt, mở rộng hợp tác cùng có lợi, cũng như thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững trong mối quan hệ giữa hai nước.
Tin liên quan |
EU còn lâu mới thoát được khí đốt Nga, ‘nước xa’ từ Mỹ và Qatar có cứu được ‘lửa gần’ đang bùng cháy ở châu Âu? |
* Số liệu chính thức do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 20/1 cho thấy, tình trạng thất nghiệp ở thanh niên tại các thành phố của Trung Quốc trong tháng 12/2024 đã giảm tháng thứ tư liên tiếp.
Theo số liệu từ NBS, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đối với nhóm tuổi từ 16 đến 24 (không bao gồm sinh viên) đã giảm từ mức 16,1% của tháng 11/2024 xuống 15,7% trong tháng 12/2024.
Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi từ 25 đến 29 cũng giảm nhẹ từ 6,7% xuống 6,6% trong cùng kỳ báo cáo. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi từ 30 đến 59 đã tăng lên 3,9% trong tháng 12/2024 so với mức 3,8% của tháng 11/2024.
Theo dữ liệu được NBS công bố vào ngày 17/1, tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc là 5,1% trong tháng 12/2024.
Kinh tế châu Âu
* Ông Robert Habeck, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế sắp mãn nhiệm của Đức, cho rằng Liên minh châu Âu (EU) và Đức phải thể hiện sự đoàn kết trước khả năng chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu.
Bộ trưởng Robert Habeck nói rằng, Đức và EU phải tự cứu lấy mình bằng cách đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Ông Habeck, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Xanh cho chức Thủ tướng trong cuộc bầu cử liên bang sắp tới, cho biết: "Châu Âu đã có sự chuẩn bị, nếu Mỹ áp thuế", nhưng cũng nói thêm rằng ông hy vọng điều đó sẽ không xảy ra.
* Bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU cảnh báo không nên vội vàng trong việc ứng phó với các cảnh báo thuế quan của ông Donald Trump đối với hàng hóa của khối này sau khi ông trở lại Nhà Trắng.
Phát biểu trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng tài chính EU, Bộ trưởng Tài chính Đức Joerg Kukies kêu gọi châu Âu đối thoại một cách xây dựng với chính quyền mới của Mỹ, đồng thời cho biết thêm rằng vẫn chưa rõ ông Trump sẽ thực hiện những bước đi nào. Ông cũng thừa nhận rằng nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Đức là một trong những nền kinh tế dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nhất từ thuế quan thương mại.
Tương tự, Bộ trưởng Tài chính Ireland Jack Chambers cho rằng cần thận trọng để tránh rơi vào vòng xoáy đáp trả và chủ nghĩa bảo hộ, vì điều này sẽ làm tăng đáng kể các chi phí và gánh nặng.
Ủy viên Kinh tế châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết EU đang tiếp cận mối quan hệ EU-Mỹ trên tinh thần đối tác, nhưng tất nhiên cần xem xét những biện pháp cụ thể Mỹ sẽ công bố.
* Các nước Baltic như Latvia, Estonia và Lithania đã đưa ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về quyết định hạn chế xuất khẩu vi mạch trí tuệ nhân tạo (AI) của Mỹ. Ba nước trên cho rằng quyết định của Mỹ có nguy cơ tạo ra sự chia rẽ trong thị trường chung của EU và làm suy yếu sự phát triển của hệ sinh thái AI của ba nước.
* Ông Alexey Plugov, Tổng giám đốc điều hành Trung tâm phân tích, chuyên gia của doanh nghiệp nông nghiệp AB-Center cho biết, theo tính toán dựa trên dữ liệu sơ bộ từ Cơ quan Thống kê liên bang Rosstat, trong năm 2024, Nga thu hoạch 1,26 triệu tấn gạo, cao hơn năm trước đó 17,2% (185.000 tấn) và là mức kỷ lục trong lịch sử.
Trong 20 năm qua, sản lượng thu hoạch lúa ở Nga đã tăng 2,7 lần: năm 2004, sản lượng chỉ đạt 469.800 tấn. Theo ông, diện tích trồng lúa đã tăng từ 132.100 ha lên 208.900 ha trong thời gian này.
* Tuần trước, một công viên công nghệ đã được khởi công xây dựng tại Glazov, Cộng hòa Udmurtia, nơi sẽ trở thành địa điểm sản xuất nam châm đất hiếm vĩnh cửu quy mô lớn đầu tiên của Nga dựa trên hệ thống neodymium-sắt-bo. Dự án này được thực hiện với sự tham gia của tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Rosatom, nhằm tạo ra chu trình sản xuất hoàn chỉnh, giúp giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu.
Liên Xô từng chiếm vị trí hàng đầu trong sản xuất kim loại đất hiếm và các sản phẩm đất hiếm. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã thì ngành công nghiệp này không còn nữa. Hiện nay, Nga đang khôi phục toàn bộ chu trình, bao gồm khai thác, chế biến nguyên liệu thô và tạo ra sản phẩm cuối cùng.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ông Ayhan Kose, quan chức cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết, kinh tế Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng vững trong hai năm tới, khi việc tăng lương thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Theo ông Kose, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn còn dư địa để tăng lãi suất. Trong dự báo kinh tế được công bố hôm mới đây, WB dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Nhật Bản sẽ tăng 1,2% trong năm 2025 và 0,9% trong năm 2026.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Kose nhấn mạnh rằng khi tăng trưởng tiền lương vượt qua lạm phát trên thực tế, những người có thu nhập sẽ có điều kiện tốt hơn để chi tiêu. Điều đó có thể giúp tăng trưởng kinh tế cao hơn.
* Trang tin của Viện các vấn đề quốc tế Australia (AIIA) ngày 22/1 đăng bài viết cho biết Nhật Bản đang trải qua một sự bùng nổ du lịch chưa từng có.
Báo cáo của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) gần đây cho thấy năm 2024 là năm có số lượng du khách nước ngoài cao nhất trong lịch sử của “đất nước Mặt trời mọc”, với hơn 36,8 triệu lượt du khách đến Nhật Bản. Chỉ riêng tháng 12/2024, Nhật Bản đã đón hơn 3,4 triệu lượt du khách - một kỷ lục mới trong 1 tháng. Đây là một sự đảo ngược đáng kể so với chỉ vài năm trước.
* Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 22/1 đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này nhằm tóm tắt cho các nhà xuất khẩu về chính sách thương mại của Mỹ, bao gồm thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng, cùng với các cách ứng phó trong trường hợp bất trắc.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký một bản ghi nhớ về chính sách thương mại “Nước Mỹ trước tiên”, kêu gọi xem xét lại các hiệp định thương mại hiện có của Mỹ để tìm kiếm những nhượng bộ “có đi có lại và cùng có lợi” đối với các đối tác thương mại tự do.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum ngày 17/1 chính thức ban hành sắc lệnh cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, cũng như ma túy tổng hợp fentanyl và dẫn xuất của loại thuốc gây nghiện này. Sắc lệnh trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 18/1, nhằm đảm bảo quyền được bảo vệ sức khỏe của người dân. Sắc lệnh yêu cầu trong vòng 180 ngày kể từ ngày công bố, Quốc hội cần thực hiện việc cập nhật khung pháp lý phù hợp.
* KPPU - Ủy ban Giám sát cạnh tranh kinh doanh của Indonesia - đã phát hiện “gã khổng lồ” công nghệ Google của Mỹ có hành vi độc quyền trên kho dịch vụ Google Play Store và yêu cầu công ty này phải nộp phạt 202,5 tỷ rupiah (khoảng 12 triệu USD).
Theo quy định của Google, các nhà phát triển ứng dụng phân phối các ứng dụng của công ty này thông qua Google Play Store phải triển khai Hệ thống thanh toán Google Play (GPB). Nếu không tuân thủ quy định đó, ứng dụng của họ sẽ bị xóa khỏi kho dịch vụ này như một hình phạt. Ngoài ra, Google tính phí dịch vụ từ 15-30% đối các giao dịch được xử lý thông qua Hệ thống GPB.
* Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn, nền kinh tế Malaysia tiếp tục phục hồi vững chắc trong năm 2024, tạo động lực cho tăng trưởng trong năm 2025.
Theo số liệu Cục Thống kê Malaysia (DOSM) công bố ngày 17/1, tăng trưởng GDP của nước này năm 2024 là 5,1% đạt 1.647,2 tỷ RM (411 tỷ USD), tăng so với năm 2023 có tỷ lệ tăng trưởng 3,6% với 1.568 tỷ RM.
Riêng quý IV/2024, tăng trưởng là 4,8% đạt 429,8 tỷ RM - tăng đáng kể so với 2,9% đạt 419,2 tỷ RM cùng kỳ năm 2023 - nhờ động lực từ các lĩnh vực dịch vụ (đạt mức tăng trưởng 5,3%), sản xuất (4,2%) và xây dựng (17,2%).