Tổng thống Vladimir Putin đã thay đổi cách thức thanh toán của các khách hàng nước ngoài mua khí đốt Nga. (Nguồn: bne IntelliNews) |
Kinh tế thế giới
OPEC lại hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) ngày 11/12 tiếp tục điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay và năm tới, đánh dấu đợt điều chỉnh giảm của tổ chức này trong tháng thứ 5 liên tiếp.
Trong báo cáo thị trường dầu tháng 12, OPEC dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,61 triệu thùng/ngày trong năm 2024, giảm khoảng 210.000 thùng/ngày so với mức tăng 1,82 triệu thùng/ngày dự báo vào tháng trước.
OPEC cho rằng việc điều chỉnh này là do dữ liệu cập nhật trong 3 quý đầu năm nay, đặc biệt là "dữ liệu bi quan" trong quý thứ 3.
Tuần trước, OPEC+ đã nhất trí tại một cuộc họp cấp bộ trưởng về việc duy trì mức cắt giảm sản lượng dầu hiện tại trong quý đầu tiên của năm 2025./.
Kinh tế Mỹ
* Nhà kinh tế Paul Mortimer-Lee thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh (NIESR) đã cảnh báo rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nếu ông thực hiện đúng những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Tin liên quan |
Một quốc gia Balkan bên bờ vực khủng hoảng năng lượng, Nga dùng ‘át chủ bài’ khí đốt, có thể ‘nhượng bộ’ để ép Ukraine làm điều này |
Ông Mortimer-Lee cho rằng sự kết hợp “thiếu cân nhắc, vội vàng và gây tổn hại” của việc tăng thuế quan, trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, cắt giảm thuế và cắt giảm chi tiêu có khả năng khiến kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Theo ông Mortimer-Lee, trong trường hợp xấu nhất, tăng trưởng GDP có thể giảm từ 2 điểm phần trăm đến 3 điểm phần trăm.
* Lạm phát tại Mỹ tăng nhẹ trong tháng 11/2024, chủ yếu do giá xe cũ, phòng khách sạn và bảo hiểm ô tô tăng, nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh hai năm trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11/2024 đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với mức 2,6% của tháng 10/2024. Lạm phát lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 3,3%, không đổi so với tháng trước. So với tháng 10, CPI tăng 0,3%, mức tăng lớn nhất tính theo tháng kể từ tháng 4/2024. Lạm phát lõi cũng tăng 0,3% trong tháng thứ tư liên tiếp.
Kinh tế Trung Quốc
* Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong 11 tháng của năm 2024, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của nước này đạt 39.790 tỷ Nhân dân tệ (5.550 tỷ USD), tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu là 23.040 tỷ Nhân dân tệ (3.213 tỷ USD), tăng 6,7%; nhập khẩu 16.750 tỷ Nhân dân tệ (2.336 tỷ USD), tăng 2,4%.
Vụ trưởng Vụ Phân tích thống kê Tổng cục Hải quan Trung Quốc Lữ Đại Lương cho biết, dưới tác động của lượng tồn kho và chính sách tăng lượng trong lĩnh vực ngoại thương, tình hình ngoại thương của Trung Quốc có kỳ vọng ổn định trong năm 2024, thực hiện mục tiêu tăng trưởng ổn định về chất lượng.
* Các dự án cơ sở hạ tầng đô thị trong những năm tới sẽ có giá trị hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ, thúc đẩy việc làm và ổn định nền kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc dự kiến chi hơn 4.000 tỷ Nhân dân tệ (551 tỷ USD) trong 5 năm tới nhằm nâng cấp đối với cơ sở hạ tầng đô thị đang xuống cấp của nước này.
Trong khi đó, các dự án tập trung vào công nghệ như trung tâm dữ liệu và những tiến bộ liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) nằm trong số các ngành công nghiệp hướng đến tương lai cũng có tiềm năng to lớn để tăng vốn đầu tư.
Kinh tế châu Âu
* Liên doanh Tính toán hiệu suất cao châu Âu (EuroHPC) vừa công bố quyết định chọn 7 đề xuất để thiết lập và vận hành các nhà máy AI đầu tiên trên khắp châu lục. Đây là một bước tiến quan trọng đối với lục địa già trong việc xây dựng một hệ sinh thái thịnh vượng để tạo ra các mô hình AI tiên tiến và phát triển các giải pháp AI.
Với khoản đầu tư trị giá 1,5 tỷ euro (1,57 tỷ USD), châu Âu đang tiến gần hơn tới việc thực hiện cam kết của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen về việc thành lập các nhà máy AI đầu tiên.
* Một nghiên cứu mới đây của Cục Kế hoạch Bỉ đã tiết lộ rằng, nền kinh tế nước này phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ so với Trung Quốc trong việc nhập khẩu các sản phẩm chiến lược. Nghiên cứu kéo dài từ năm 2014 đến 2023, phân tích 9.170 mặt hàng được nhập khẩu vào Bỉ, trong đó 445 mặt hàng được xác định là có tính chiến lược.
Trong khi Trung Quốc thường bị xem là quốc gia thống trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nghiên cứu cho thấy Mỹ mới là nguồn cung chính các sản phẩm chiến lược của Bỉ. Cụ thể, Bỉ đã nhập khẩu 140 mặt hàng chiến lược từ Mỹ trong thập kỷ qua, so với 107 mặt hàng từ Trung Quốc.
* Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thay đổi cách thức thanh toán của các khách hàng nước ngoài mua khí đốt Nga. Động thái giúp giảm bớt lo ngại rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Gazprombank có thể dẫn đến việc ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu sớm.
Sắc lệnh từ Điện Kremlin đã khiến các giao dịch thanh toán khí đốt từ Nga trở nên khả thi đối với các khách hàng nước ngoài, bao gồm cả những khách hàng từ Liên minh châu Âu (EU), vì sắc lệnh này cho phép họ thực hiện thanh toán thông qua các bên thứ ba.
* Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch Đức đã có một lượng du khách kỷ lục trong năm 2024. Tăng trưởng du lịch thậm chí còn đạt mức cao hơn trước đại dịch là năm 2019.
Số liệu do Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) công bố ngày 11/12 cho thấy, khoảng 433 triệu lượt khách đã lưu trú qua đêm trong nước này trong khoảng thời gian từ tháng 1-10 năm nay.
Trong tháng 8, tháng du lịch phổ biến nhất trong năm tại châu Âu, có 59 triệu lượt khách lưu trú qua đêm, cao hơn cả mức kỷ lục năm 2019 là 58,8 triệu lượt và tăng 3,3% so với tháng 8/2023.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Kim ngạch nhập khẩu các dịch vụ liên quan đến kỹ thuật số của Nhật Bản đang trên đà vượt kim ngạch xuất khẩu hơn 6.000 tỷ Yen (39 tỷ USD) trong năm 2024. Đây là con số thâm hụt thương mại hằng năm cao kỷ lục, làm nổi bật nhu cầu các công ty Nhật Bản phải tạo ra nhiều giá trị hơn từ quá trình chuyển đổi số tốn kém.
Theo số liệu cán cân thương mại của Chính phủ, mức thâm hụt, bao gồm phí dịch vụ đám mây, phí cấp phép phát trực tuyến, quảng cáo trực tuyến và các mục tương tự đã tăng từ khoảng 2.000 tỷ Yen năm 2014 lên 5.300 tỷ Yen năm 2023. Tính đến tháng 10 năm nay, con số này đã đạt 5.400 tỷ Yen, và mỗi tháng tăng thêm khoảng 500 tỷ Yen vào tổng số.
* Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ Nippon Life Insurance Co. vừa cho biết sẽ mua lại tập đoàn Resolution Life Group Holdings Ltd. có trụ sở tại Bermuda với giá khoảng 8,2 tỷ USD. Đây là thương vụ thâu tóm lớn nhất từ trước đến nay của một công ty bảo hiểm Nhật Bản.
Nippon Life cho biết họ sẽ biến Resolution Life thành một chi nhánh do công ty sở hữu hoàn toàn vào nửa cuối năm 2025 thông qua việc mua nốt số cổ phần còn lại của Resolution Life.
* Tình hình bất ổn tại Hàn Quốc đang khiến các dự luật kinh tế quan trọng bị đình trệ, gây lo ngại cho tương lai nhiều ngành công nghiệp then chốt. Đạo luật đặc biệt về tăng cường năng lực cạnh tranh ngành bán dẫn, Đạo luật AI và việc bãi bỏ luật giảm chi phí liên lạc đều bị trì hoãn.
Việc trì hoãn Đạo luật Chip đặc biệt, vốn nhằm hỗ trợ ngành bán dẫn cạnh tranh với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt đáng quan ngại. Đạo luật AI, được coi là thiết yếu cho chủ quyền AI của Hàn Quốc, cũng bị ảnh hưởng.
* Thị trường lao động Hàn Quốc tháng 11 tăng trưởng chậm lại, chỉ tạo thêm 123.000 việc làm, nâng tổng số lao động lên 28,82 triệu người. Mức tăng này thấp hơn so với các tháng trước đó và chủ yếu là việc làm cho người trên 60 tuổi (tăng 298.000 việc làm). Các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, xây dựng và sản xuất đều ghi nhận việc làm giảm, lần lượt là 89.000, 96.000 và 95.000 việc làm.
Ngành sản xuất chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong 18 tháng, đặc biệt trong lĩnh vực linh kiện điện tử, quần áo và sản phẩm giấy. Ngược lại, lĩnh vực y tế công cộng và phúc lợi xã hội, cùng với dịch vụ khoa học và công nghệ, có thêm việc làm. Việc làm cho nhóm tuổi 20-40 giảm mạnh, lần lượt là 170.000 và 91.000, do dân số trong các nhóm tuổi này giảm.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 10/12, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati dự báo, tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2024 sẽ đạt 5,01%. Con số này cao hơn mức thực hiện của quý trước là 4,95% nhưng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (đạt 5,04%).
Bà Sri Mulyani cho biết, từ năm 2022 đến năm 2024, nền kinh tế Indonesia ước tính tăng trưởng ở mức 5% dù phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ và xung đột địa chính trị khiến giá cả hàng hóa biến động.
Chính phủ sẽ đảm bảo nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trên 5% trong năm nay và năm tới. Nỗ lực duy trì đà tăng trưởng được thực hiện bằng cách duy trì sự ổn định giá cả thông qua việc giữ lạm phát ở mức thấp.
* Malaysia đang trên đà trở thành trung tâm công nghệ y tế toàn cầu thông qua việc tăng cường thu hút đầu tư và triển khai các chính sách như Kế hoạch Tổng thể công nghiệp mới 2030 (NIMP 2030).
Theo NIMP 2030, Malaysia đặt mục tiêu củng cố vị thế của Malaysia như một trung tâm công nghệ y tế nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, góp phần vào sự tăng trưởng chung của ASEAN, cũng như hỗ trợ lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
* Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) nhắm mục tiêu vào 4 thị trường ngách cho năm tới, bao gồm chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm xa xỉ, du lịch thể thao và du lịch trăng mật. Cụ thể, cơ quan này đang phát triển các sự kiện độc quyền mới cho Thái Lan để đáp ứng xu hướng du lịch xa xỉ và chi tiêu cao.
Bà Chiravadee Khunsub, Tổng cục phó TAT phụ trách sản phẩm và kinh doanh du lịch, cho biết khách du lịch đang tìm kiếm những trải nghiệm du lịch có giá trị tại Thái Lan và các thị trường ngách đã thu hút sự chú ý của các nhà điều hành dựa trên sức mua cao của du khách.
Dẫn số liệu của công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research, bà Chiravadee cho biết giá trị của 4 thị trường này vào khoảng 31 tỷ Baht (916,67 triệu USD) trên toàn cầu vào năm 2019 và ước tính sẽ đạt 390 tỷ baht vào năm 2027.