Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, Thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra lo lắng khi tiếp cận thông tin: 'Lĩnh vực giao thông vận tải góp khoảng 13 triệu tấn trong tổng lượng phát thải khoảng 35 triệu tấn mỗi năm tại Thành phố Hồ Chí Minh'. Trăn trở của Tiến sĩ Lịch cũng được các diễn giả, nhà nghiên cứu đồng tình, đưa ra trao đổi tại Tọa đàm khoa học Tạo tín chỉ Carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải do Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 12/12.
Xe buýt điện thân thiện, hạn chế khí thải, lưu thông ở khu vực Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: QUÝ HIỀN)
Cùng với các giải pháp tạo lập tín chỉ carbon nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường nhiều ý kiến nêu ra tại Tọa đàm đều cho rằng, công việc trước mắt mà chính quyền thành phố cần ưu tiên thực hiện là sớm triển khai các chính sách, đề án chuyển đổi “xanh” trong hoạt động giao thông vận tải.
Theo Tiến sĩ Lịch, trên phạm vi cả nước khí thải lĩnh vực giao thông, chiếm khoảng 10-15% trên tổng lượng phát thải.
Riêng Thành phố Hồ Chí Minh con số thống kê lên đến 40-50%, tỷ lệ này quá cao. Như vậy, Thành phố xây dựng chương trình riêng để tạo lập tín chỉ carbon đối với lĩnh vực giao thông là hoàn toàn cần thiết.
“Tôi nghe con số công bố mà sợ, chắc không dám thở khi ra đường. Càng thở càng chết sớm.
Thực tế điều này dễ hiểu khi thành phố vào giờ tan tầm là nhích từng chút, khói bụi mù mịt, xe cộ rú còi vì kẹt cứng...
Chính vì vậy phải cấp bách, ưu tiên bảo vệ môi trường sống…”, Tiến sĩ Lịch cảnh báo, đồng thời đề xuất tám nhóm giải pháp đồng bộ làm cơ sở tạo lập tín chỉ carbon đối với Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, cần ưu tiên phát triển giao thông công cộng (như hệ thống Metro, xe buýt điện, xe đạp điện…) để không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Vấn đề cốt lõi là phải giảm phương tiện cá nhân, không giảm thì không giảm ô nhiễm được.
Ngoài ra, theo ông Lịch nhóm giải pháp cũng cực kỳ quan trọng mang tầm chính sách quốc gia như phát triển xe điện, xe ô tô điện thông qua chính sách giảm mạnh về thuế, trợ giá để chuyển đổi phương tiện. Ngoài ra, nhà nước cần ban hành các chính sách quy định những tiêu chí, tiêu chuẩn về khí thải trong sản xuất các phương tiện giao thông. Nhóm nữa là công tác giáo dục cộng đồng cũng phải được đề cao, vì ý thức người tham gia giao thông là vô cùng quan trọng.
Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế-Viện nghiên cứu phát triển Thành phố thông tin: Cùng với sự gia tăng nhanh chóng số lượng phương tiện, bao gồm hơn 7,6 triệu xe máy, đa phần là xe chạy bằng nhiên liệu diesel, đã góp phần đáng kể vào việc gia tăng mức độ ô nhiễm không khí ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, Thành phố đã đề ra chương trình giảm ô nhiễm cho giai đoạn 2020-2030, đặt mục tiêu giảm 90% lượng chất ô nhiễm không khí tăng thêm từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn- Đại học Việt Đức nhất trí với đề xuất mà Tiến sĩ Trần Du Lịch nêu ra. Nhất là thúc đẩy nhanh đề án chuyển đổi phương tiện, kiểm soát khí thải đến năm 2035. Thành phố cũng cần ưu tiên đến vấn đề tài chính để hỗ trợ triển khai.
Nhận định về việc tạo lập tín chỉ Carbon, ông Vũ Anh Tuấn phân tích: theo tính toán nếu Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đổi 2.600 xe buýt diesel sang xe buýt điện (giai đoạn 1) thì tiết kiệm được 18 tỷ đồng/năm từ bán được tín chỉ carbon. Chi phí này chỉ bằng 1,5% kinh phí Thành phố trợ giá cho xe buýt mỗi năm (1.200 tỷ đồng). Như vậy hiệu quả bán tín chỉ carbon mang lại không lớn nhưng việc đăng ký bán tín chỉ sẽ mất thời gian, thủ tục.
“Do đó, Thành phố nên tính toán ưu tiên giải pháp đầu tư chuyển đổi phương tiện vận tải công cộng hơn hơn là chỉ chú trọng vào việc tạo lập thị trường carbon. Thị trường carbon chỉ là “mồi”, không phải là đích đến nên Thành phố phải ưu tiên đầu tư chuyển đổi xanh, chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện điện như xe buýt điện, metro như vậy mới giảm ô nhiễm một cách hiệu quả và bền vững”, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn chia sẻ quan điểm.
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ, phần mua bán tín chỉ carbon chỉ chiếm tối đa 10%, còn phần thị trường lớn nhất vẫn là hạ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Nhìn chung, việc phát triển thị trường carbon có nhiều triển vọng, tiềm năng và cơ hội. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách phát triển thị trường carbon còn gặp nhiều khó khăn và thách thức, bao gồm chi phí, tính phức tạp trong áp dụng, nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, hỗ trợ của chính phủ, đối tác dịch vụ và công nghệ.