xuân

Cuộc sống sau khi giải nghệ của nữ Quả bóng vàng 2015

Nhịp Sống Sài Gòn

Chia tay sự nghiệp thi đấu đỉnh cao vào năm 2016, cựu tiền đạo Minh Nguyệt vẫn chọn cho mình hướng đi mới gắn liền với trái bóng.

Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã có 12 năm thi đấu bóng đá với nhiều thành tích đem về cho quốc gia, đặc biệt chị đã được vinh danh với giải thưởng Quả bóng đồng Việt Nam 2014, Quả bóng vàng Việt Nam 2015.

Các cầu thủ nữ theo nghiệp bóng đá vốn dĩ đã khó khăn, nhưng lại thường không nhận được nhiều sự chú ý. Từng có nhiều trường hợp cầu thủ nữ sau giải nghệ trở về làm công nhân, bán bánh mỳ. Bắt đầu sự nghiệp quần đùi áo số với tiền trợ cấp 50.000 đồng/tháng, chấn thương, lớn tuổi, cuộc sống của cựu tiền đạo sinh năm 1986 hiện tại là điều ít người biết.

Dành cả thanh xuân để theo đuổi trái bóng tròn

Nhận cuộc gọi của Hoàng Loan, Minh Nguyệt hào hứng chuẩn bị để cùng đàn em đi cổ vũ giải bóng đá nữ vô địch U19 quốc gia sau thời gian các giải đấu tạm ngừng vì dịch Covid-19. Đã giải nghệ 4 năm, nhưng cô và hậu bối vẫn giữ liên lạc thân thiết. Hải Yến, Hoàng Loan, Huỳnh Như, những cô gái vàng SEA Games 2019 đều là đàn em cùng Minh Nguyệt ăn ngủ, tập luyện suốt nhiều năm ròng.

Sân liên đoàn bóng đá Việt Nam sục sôi trong buổi chiều 4/6 bởi trận đấu giữa U19 Hà Nội và U19 Than Khoáng Sản. Minh Nguyệt và Hoàng Loan đứng ở một góc sân để quan sát.

“Nhìn các cháu đá mà thương quá. Mình từng trải qua rồi. Mấy đứa đá máu lửa, ít ai biết được khó khăn, thiếu thốn của chúng”, chị quay qua nói với đồng đội cũ.

Thi thoảng chị lại reo lên “Cố lên cháu ơi” hay “Cháu ơi có đau lắm không, chịu khó nhé” mỗi lần thấy những cầu thủ trẻ chấn thương.

 

Khác với những trận đấu hàng nghìn khán giả của đội tuyển bóng đá nam, khi U19 đá hầu hết khán giả là người nhà và các đội nữ đang tập luyện ở liên đoàn theo dõi.

Vừa gặp Nguyệt, thầy Chung nói ngay: Ngồi trên góc ban công nhỏ chỉ để vừa chiếc ghế theo chiều ngang, huấn luyện viên Mai Đức Chung ngồi lặng lẽ theo dõi trận đấu. Minh Nguyệt nhìn thấy thầy bên trên, nhân lúc nghỉ giữa hiệp chạy lên chào hỏi. “Mới cách đó 2 ngày, bác Chung với mình gọi hỏi thăm sức khỏe đấy”, ánh mắt chị ánh lên niềm vui sướng khi lên tầng 2 gặp lại người thầy cũ.

 

- Nguyệt nay khác thế, xinh hơn hồi trước thi đấu nhiều.

- Chắc con mới sinh xong nên trắng hơn ạ.

Nữ cầu thủ liền lấy điện thoại ra khoe với thầy. “Con trai con mê bóng lắm bác ạ, mới 10 tháng mà thích chơi trò sút, vào với mẹ rồi”. Cuộc trò chuyện chỉ ngắn ngủi 15 phút giữa giờ, Minh Nguyệt lo lắng khi thấy thầy đen đi nhiều. Cô biết huấn luyện viên Mai Đức Chung là người thích câu cá, từ đó bình tĩnh hơn trong trong việc đào tạo các cầu thủ, có lẽ vậy mà nước da thầy đen giòn.

Dưới thời huấn luyện viên Mai Đức Chung, Minh Nguyệt đã tham gia thi đấu và cùng đồng đội đoạt nhiều vinh quang cho nước nhà. 12 năm thi đấu, nữ tiền đạo cùng đồng đội đã mang về thành tích như: Vô địch SEA Games 2005 và 2009, Vô địch Đông Nam Á 2006 và 2012, huy chương bạc SEA Games 2007 và 2013.

Trong trận đấu cuối cùng của chị ở cấp đội tuyển quốc gia, huấn luyện viên Mai Đức Chung nói: "Tiền đạo đội trưởng Minh Nguyệt là biểu tượng của nghị lực, đam mê cho lứa cầu thủ trẻ mãi về sau”.

Hai thầy trò đã lâu không gặp lại nhau, nhưng vẫn thân thiết như người trong gia đình.

Tình yêu với bóng đá đã ngấm vào máu, sinh con xong 10 tháng Minh Nguyệt có những buổi đá bóng giao lưu cùng các thầy nơi chị đang làm việc. Cựu cầu thủ nhanh nhẹn vào sân trong chiếc áo số 8 in quốc kỳ. Đây cũng chính là số áo từng đem lại nhiều may mắn cho cô.

“Cô Nguyệt một mình đá chấp 2 người rồi, các thầy theo không nổi”, một giáo viên nam hài hước nói.

Những kỹ thuật dẫn bóng qua người, sút xa, phối hợp với đồng đội vẫn được cựu hàng công tuyển nữ VN thể hiện điêu luyện. Cướp được bóng sau một đường chuyền dài, Minh Nguyệt lách qua người các cầu thủ nam đội bạn, tung cú sút xa và ghi bàn trong sự ngỡ ngàng của đồng đội. Lưới rung lên bàn thắng đầu tiên của trận đấu với sự lập công của cô gái duy nhất trên sân.

Minh Nguyệt vui mừng khi ghi bàn thắng đầu tiên của trận đấu.

Nỗi lo lắng muộn con và hạnh phúc của quý cô tuổi Dần

Gặp ông xã trong khoá học cao học, Minh Nguyệt cùng chồng lên xe hoa tháng 4/2018. Bạn đời của chị, anh Huy Tài cũng là người có đam mê thể thao, từng là trọng tài quốc gia, hiện công tác trong ngành giáo dục. Cả hai đều thấu hiểu, chia sẻ cho nhau về những góc khuất, khó khăn trong nghề.

Kết hôn khi đã ngoài 30, chị lo lắng sẽ khó được đảm nhận thiên chức làm mẹ bởi sức khoẻ kém đi sau nhiều năm thi đấu. Trời không phụ lòng mong mỏi, sau 5 tháng kết hôn, con đã đến theo cách tự nhiên với gia đình trong niềm hạnh phúc vô bờ của chị.

Căn chung cư hơn 100 m2 tràn ngập tiếng cười trẻ thơ. Mỗi chiều về chị cùng chồng chăm sóc con. Ông xã nấu cơm cho cả nhà, chị cho bé Bun tắm và ăn cháo. Ở nhà cả ngày cùng bà ngoại, thấy bố mẹ về cậu nhóc 11 tháng tuổi liền bò ra cười toe toét khoe 4 chiếc răng cửa mới mọc.

Tên ở nhà của cậu bé Huy Đức là Bun. Cậu bé lém lỉnh, rất thích người lạ đến chơi.

Đồ chơi của Bun cũng đặc biệt hơn các bạn cùng trang lứa khi có thêm những tấm huy chương đầy sắc màu và cúp của mẹ. Bà ngoại hay đem những huy chương này ra để kể cho cậu bé nghe về thanh xuân rực rỡ của mẹ.

Bà kể ngay từ nhỏ Nguyệt đã đam mê thể thao, có cản cũng không được. Mái tóc ngắn, nhanh nhẹn nên nhiều lúc bị nhầm là con trai. Nhiều lúc bà cũng lo con gái sinh năm 1986, tuổi Dần sẽ vất vả, lận đận, nhưng rồi chị cũng yên bề gia thất. Nhờ có bà ngoại, Bun được chăm sóc kỹ lưỡng khi bố mẹ đi làm.

Khi lấy chồng, bà ngoại Bun cất riêng huy chương và cúp vào hộp để Minh Nguyệt mang theo, bởi đây chính là thứ chị đánh đổi cả tuổi trẻ mới có được.

Ồ ố ồ í a í a hê“Ồ ố ồ í a í a í a

Bun yêu bóng đá khi Bun còn đang bé thơ

Bun mơ trong giấc mơ những khung thành tan vỡ”

Dỗ dành con trai ăn, chị Nguyệt không bật tivi hay điện thoại mà có cách làm đặc biệt. Một quả bóng, một bài hát thể thao làm cậu bé ngoan ngoãn hợp tác ăn ngay.

“Có khi nào mẹ là tiền đạo, con là thủ môn không nhỉ?”, chị vui vẻ đăng hình ảnh hai mẹ con lên trang cá nhân. Khi được hỏi nếu con có mong muốn theo thể thao chuyên nghiệp, liệu có ủng hộ hay không, cựu cầu thủ nói chỉ mong con lớn lên khỏe mạnh, sẽ để con phát triển tương lai bằng đam mê của con. Theo chị, bố mẹ không thể sống thay cuộc đời của con, chỉ có thể đưa ra lời khuyên và giúp con trở thành người có ích cho xã hội. 

Bữa cơm tối kết thúc lúc 21h bởi sau khi cho con ăn Minh Nguyệt mới bắt đầu ăn uống.

 

Viết tiếp tình yêu thể thao 


Trời tháng 6 nắng gắt, cô giáo Minh Nguyệt vào lớp muộn hơn thường lệ vì dành 15 phút đầu giờ cho học sinh nghỉ ngơi, uống nước. Chị chia sẻ hơn ai hết một giáo viên bộ môn thể dục như chị luôn muốn học sinh khỏe mạnh, nhưng không bao giờ ép buộc mà muốn các bạn tập đúng sức, vừa phải trong thời tiết này.

“Đánh tay từ sau ra trước, lao người về phía trước, các con chú ý kỹ thuật trước tiên”, cô giáo Nguyệt vừa vỗ tay vừa hô to làm nhịp cho học sinh.

Cựu tiền đạo đảm nhận giảng dạy môn giáo dục thể chất tại Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ - Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội. Môn giáo dục thể chất tại đây được xây dựng với mô hình các câu lạc bộ, đã được áp dụng tại nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, như ở châu Á có Nhật Bản và Hàn Quốc, giúp các em học sinh có thể có cảm giác thể dục không còn là một môn bắt buộc.

Minh Nguyệt từng đứt dây chằng chân trái, từng bị rắn cắn ngay trước thềm SEA Games, nhiều lần muốn bỏ sự nghiệp quần đùi áo số.

Biết trước sức khoẻ là hữu hạn, Minh Nguyệt có hướng đi cho riêng. Vừa thi đấu, chị vừa học tại trường ĐH Thể dục thể thao Bắc Ninh, vừa đi dạy các lớp thể thao để lấy thêm kinh nghiệm. Mẹ Minh Nguyệt là một giáo viên, mong mỏi con sẽ nối nghiệp chị nhưng vì đam mê trái bóng nên cựu tuyển thủ quyết tâm đi thi đấu. Từng nhiều lần cựu cầu thủ này muốn dừng con đường thi đấu chuyên nghiệp lại. Năm 2010, chân trái đứt dây chằng, việc hồi phục khó khăn. Tuy vậy lúc đã đi được, rồi chạy được, đam mê trỗi dậy, chị quyết tâm quay lại để chứng minh mình vẫn có thể đá bóng.

Dự định sẽ trở thành huấn luyện viên, vì cảm thấy yêu thích mô hình CLB ở trường THPT Chuyên ngoại ngữ nên sau khi nhận lời đề nghị của nhà trường, chị đã đồng ý gắn bó. Sau giờ học ở trường, chị nán lại chơi với CLB bóng rổ.

Nhận lời thách đấu của 5 chàng trai trong CLB của nhà trường, chị Nguyệt chiến thắng tuyệt đối cả 5 bạn khi thi ném bóng.

Ngoài việc dạy ở trường học, trung tâm bóng đá là nơi chị tiếp tục ươm mầm cho những đứa trẻ yêu thích môn thể thao vua. Một vài trong số đó có nguyện vọng theo đuổi con đường chuyên nghiệp nên lúc nào chị cũng chuẩn bị kỹ giáo án, dạy theo lộ trình để học trò có thể phát huy tối ưu.

“Cô Nguyệt ơi con tuột giây giầy, cô Nguyệt ơi con muốn ghép đôi với bạn này, cô Nguyệt ơi con muốn thi đấu luôn”, tiếng học trò tíu tít trên sân bóng mỗi chiều cuối tuần.

Các bạn nhỏ sẽ được hướng dẫn mỗi buổi một kỹ thuật trong bóng đá, tiếp đó áp dụng vào phần thi đấu giữa 2 đội.

Cuối buổi học, cô giáo Nguyệt cùng các học trò ngồi lại, phân tích kỹ thuật, tinh thần trong trận đấu. “Trong thể thao, việc thắng thua là tất yếu sẽ xảy ra. Nãy có một bạn vùng vằng với đồng đội khi bị đối phương ghi bàn, như vậy là không được”, chị nhận xét các cầu thủ nhí. Sau khi dạy xong phần kỹ thuật lừa bóng qua người, các bạn nhỏ được oẳn tù tỳ chia làm hai đội chơi. Trận bóng diễn ra với nhiều tình huống bất ngờ. Kết lại bằng loạt đá luân lưu, các em nhỏ vui sướng vì được chơi môn thể thao yêu thích.

Phần rút kinh nghiệm sau trận đấu được các bạn nhỏ chú ý lắng nghe, trong lớp có nhiều bạn muốn theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.

Cựu tiền đạo Nguyễn Thị Minh Nguyệt đã lựa chọn trở thành một giáo viên môn giáo dục thể chất, tiếp tục truyền tình yêu môn thể thao vua đến các thế hệ tương lai. Nhiều người gửi lời chúc đến chị khi đã tìm được bến đỗ bình yên, hạnh phúc bên gia đình nhỏ của mình sau khi giải nghệ.

 

Theo zingnews.vn