xuân

10 tỉnh phía Nam: Xử lý mạnh việc đưa người xuất nhập cảnh khai thác thủy sản trái phép

(Chinhphu.vn) - Các hành vi đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài và ngắt kết nối hành trình đều có thể bị xử lý hình sự.

10 tỉnh phía Nam: Xử lý mạnh việc đưa người xuất nhập cảnh khai thác thủy sản trái phép- Ảnh 1.

Các lực lượng phối hợp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định về khai thác thuỷ sản

Với hơn 33.000 tàu cá, trong đó có khoảng 13.760 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên hoạt động vùng khơi, số đội tàu hiện nay trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố phía Nam gồm: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP. Hồ Chí Minh - chiếm khoảng 1/3 đội tàu cả nước. Do đó, công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) tại đây có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực chung nhằm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU của cả nước.

Đấu tranh, ngăn chặn đánh bắt thủy sản trái phép trong mùa nước nổi
 13/10/2024 17:24
Hỗ trợ ngư dân khai thác thủy sản an toàn mùa mưa bãoKhánh Hòa ứng dụng công nghệ quản lý tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sảnHướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác trái phép thủy sảnGỡ Hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán, vận chuyển trái phép thủy sảnHướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản
 12/06/2024 18:16

Ngày 15/9/2023, Công an 10 tỉnh, thành phố nói trên đã ký Kế hoạch phối hợp số 211, tăng cường đấu tranh với các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép để khai thác thuỷ sản trái phép tại vùng biển nước ngoài.

Sau hơn 1 năm ký kết và thực hiện Kế hoạch phối hợp số 211, đến nay, công tác đấu tranh, xử lý các vụ việc vi phạm, sai phạm trong lĩnh vực thủy sản của Công an 10 tỉnh, thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực. 

Lực lượng công an đã điều tra, khởi tố 12 vụ, 19 đối tượng vi phạm các quy định về chống khai thác IUU. Đồng thời, đang tiếp tục khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ hàng loạt các vụ án, vụ việc khác để đưa ra truy tố, xét xử.

Bên cạnh đó, việc áp dụng Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân (TAND) tối cao về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản trở thành một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm.

Đại tá Trần Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Nghị quyết số 04 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có những hướng dẫn rất cụ thể, từ đó đã tạo thuận lợi rất lớn đối với công tác xử lý các vụ việc vi phạm liên quan đến IUU. Hầu như các hành vi đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển nước ngoài và ngắt kết nối hành trình đều có thể bị xử lý hình sự.

Từ những kết quả nói trên, theo đánh giá tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện kế hoạch phối hợp, tình hình chấp hành các quy định về chống khai thác hải sản IUU có chuyển biến tích cực, công tác quản lý nghề cá, đội tàu được thực hiện chặt chẽ, đa số ngư dân tuân thủ các quy định về chống khai thác hải sản IUU.

Tuy nhiên, công tác chống khai thác IUU hiện nay vẫn còn tồn tại hạn chế, nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để, tình trạng tàu cá, ngư dân có vi phạm, sai phạm trong khai thác hải sản trên biển vẫn tiếp tục xảy ra.

Tại hội nghị này, các đại biểu đã tập trung thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay trong công tác triển khai các giải pháp nhằm chống khai thác IUU; kiểm soát thiết bị giám sát hành trình tàu cá và nguồn gốc thủy sản; trong áp dụng Nghị quyết số 04 để điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến hoạt động này và một số kiến nghị, biện pháp khắc phục hạn chế trong công tác quản lý, các giải pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp giữa Công an các tỉnh, thành phố trong trao đổi, xác minh thông tin, ngăn chặn từ xa, từ sớm các hành vi vi phạm.

Đa số các ý kiến cũng thống nhất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng Công an với các sở, ban, ngành, lực lượng chức năng để quản lý chặt chẽ số tàu cá, ngư dân có nguy cơ cao vi phạm chống khai thác IUU; tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân bằng nhiều hình thức cụ thể.

Theo bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, công tác phối hợp trong quản lý nhà nước về lĩnh vực thuỷ sản cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đồng thời, khi các quy định của pháp luật đang ngày càng được hoàn thiện, giữa hai bên cần có sự phối hợp chặt chẽ trong xử lý các hành vi vi phạm. Tất cả những thông tin từ cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ngành nông nghiệp có thể giúp cho cơ quan công an phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm. Và thực tế trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở NN&PTNT tỉnh đã và đang mang đến hiệu quả rất lớn.

Phát huy những kết quả đã đạt được qua 1 năm thực hiện Kế hoạch phối hợp, trong thời gian tới, lực lượng Công an 10 tỉnh, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn đối với hành vi vi phạm khai thác hải sản IUU, quyết tâm cùng với cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, vì một nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

Nhật Nam