Kích hoạt các biện pháp phòng dịch
Bác sĩ Trần Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội cho biết, công tác phòng chống dịch tại Trung tâm luôn được ưu tiên đặt lên hàng đầu, bởi các đối tượng được chăm sóc tại đây hầu hết có bệnh nền nên rất yếu. Cũng theo bác sĩ Hải, thực hiện Công văn số 555/SLĐTBXH-VP ngày 29/01/2021 của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội về công tác phòng chống dịch Covid-19, Chi ủy, Ban Giám đốc Trung tâm đã họp và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với mục tiêu: Kiên quyết không để dịch xâm nhập vào Trung tâm.
Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội gói bánh chưng chuẩn bị Tết cho các cụ già và trẻ em.
Theo đó, Trung tâm yêu cầu các phòng, ban, cơ sở trực thuộc thực hiện nghiêm các chỉ đạo về phòng chống dịch Covid-19. Tăng cường công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho CBNV và đối tượng của đơn vị. Chủ động chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống, kịch bản phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên và đối tượng đang quản lý.
Đồng thời, kích hoạt toàn bộ các biện pháp phòng dịch tại đơn vị, phòng, ban, cơ sở trực thuộc. Cán bộ, viên chức, người lao động chủ động theo dõi thông tin trên báo, đài và các kênh thông tin của Chính phủ. Thường xuyên theo dõi các vị trí, địa điểm được Bộ Y tế khuyến cáo trên trang thông tin về dịch bệnh để biết, chủ động, tự giác, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.
Khai báo kịp thời, trung thực những trường hợp cá nhân hoặc người thân dương tính hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh Covid-19. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: sử dụng nước rửa tay, nước sát khuẩn, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang nơi công cộng và tham gia giao thông, giữ khoảng cách khi tiếp xúc...
Phòng Y tế chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Khám bệnh hàng ngày cho đối tượng để chủ động phát hiện và điều trị bệnh. Duy trì phun hóa chất phòng dịch, bổ sung dung dịch khử khuẩn tay tại các khu nhà, nhà ăn, phòng làm việc, công ra vào... Tiếp tục tuyên truyền đối với các cụ, các cháu thông điệp "5K". Chuẩn bị đầy đủ vật tư 2 phòng cách ly tách rời khu nhà ở đổi tượng.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chế người ra vào cơ quan. Thông báo đối với người thân của đối tượng hạn chế tối đa thăm gặp, trường hợp đặc biệt phải có ý kiến của Giám đốc Trung tâm. Khách đến liên hệ công tác tiên hành đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, khai báo y tế và yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng dịch, bố trí phòng tiếp khách riêng. Dừng tất cả các hoạt động, giao lưu đông người trong thời gian có dịch. Rà soát toàn bộ nắm bắt tình hình sức khỏe của cán bộ nhân viên và các đối tượng quản lý để theo dõi sức khỏe.
Lo Tết ấm áp cho người già và trẻ em
Bà Hải cho biết: "Song song với nhiệm vụ phòng chống dịch, Trung tâm thu xếp để tổ chức Tết sum vầy cho các cụ già và trẻ em đang nuôi dưỡng tại đây. Những ngày này, Trung tâm tổ chức gói bánh chưng để tất các đối tượng đang sống ở đây có được không khí chào đón năm mới ấm áp. Do điều kiện giãn cách xã hội nên không tụ tập đông người nhưng vẫn lo Tết đầy đủ cho các đối tượng".
Bà Nguyễn Thị Nhung (76 tuổi) đã có gần chục năm sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội không giấu được niềm vui khi kể về cuộc sống của các cụ già và em nhỏ nơi đây. "Cả cuộc đời tôi làm công nhân nay đây, mai đó và không xây dựng gia đình, nay anh chị em không còn ai, nhà cửa cũng không có nên được vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội đối với tôi, không hạnh phúc nào bằng. Tết đến, Trung tâm tổ chức lo cho chúng tôi được đón Tết đầy đủ, từ cái áo, tấm quà cho đến những món ăn mang đậm hương vị truyền thống cũng như sự quan tâm, ân cần của các nhân viên làm việc nơi đây", bà Nhung xúc động kể.
Bà Lê Thị Quý (80 tuổi) có 18 năm sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội cảm nhận: "Niềm vui lớn nhất của tôi khi đến ở tại đây là nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các nhân viên. Tôi không có gia đình, người thân nay cũng không còn; với tôi các nhân viên ở Trung tâm như chính con cháu của mình. Các cô chăm sóc cho từng bữa ăn, giấc ngủ, ốm đau có bác sĩ thăm khám phát thuốc. Đặc biệt, Tết năm nào Trung tâm cũng tổ chức sum vầy, quây quần bên nhau. Sớm Mùng 1 Tết, tôi vừa ngủ dậy, Ban Giám đốc cùng nhân viên đến từng phòng chúc Tết, mừng tuổi. Món quà nhỏ nhưng đó là nguồn động viên tinh thần cho những hoàn cảnh già neo đơn. Nói thật, đón Tết ở Trung tâm vui hơn hồi trước tôi ở nhà vì trước đây tôi sống vò võ một mình…".
Mỗi người đến Trung tâm Bảo trợ xã hội có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều thiếu thốn, khao khát tình thân. Những ngày này, Trung tâm vừa tập trung phòng dịch, vừa lo Tết ấm áp cho người già và trẻ em.
VÂN KHÁNH/Báo Dân Sinh