Kỳ tích từ khiếm khuyết
U23 Việt Nam suốt kỳ SEA Games này không phải là một đội bóng hoàn hảo. Họ thậm chí còn rất nhiều khiếm khuyết và thường xuyên đặt người hâm mộ vào sự âu lo. Thế nhưng, trong mỗi thời khắc quyết định, thói quen chơi bóng với những cường quốc hàng đầu châu Á đều giúp thầy Park và các học trò có được kết quả như mong đợi.
Thầy Park bị coi là một nhà cầm quân không có lối đá tấn công, thì cũng đúng, trong số các đội lọt vào bán kết SEA Games, U23 Việt Nam ghi được ít bàn thắng nhất. Tất cả các trận đấu đã qua, kể cả với những đối thủ yếu như Timor Leste, chúng ta không bao giờ có bàn thắng trong hiệp 1.
Chúng ta cũng không có nhiều nhân sự để linh hoạt với các miếng ghép trên hàng công. Bên cạnh mũi nhọn Nguyễn Tiến Linh là vị trí bất biến, ông Park luôn phải loay hoay chọn người đá cặp, rồi thay ra thay vào bằng Nguyễn Văn Tùng, Nhâm Mạnh Dũng. Hồ Thanh Minh là tiền đạo thứ 4, nhưng thực chất không được tin dùng trong những trận quan trọng.
Ông Park mang đến sân chơi U23 cặp tiền vệ trung tâm có thể coi là trái tim của đội tuyển quốc gia: Đỗ Hùng Dũng - Nguyễn Hoàng Đức. Nhưng Quả bóng vàng mới thể hiện được năng lực cá nhân, mà chưa đóng góp thiết thực cho lối chơi chung, chỉ có người đội trưởng vừa trải qua chấn thương gãy chân khủng khiếp là ghi những dấu ấn then chốt, giúp đội nhọc nhằn vượt qua từng cửa ải.
Bước vào trận chung kết với U23 Thái Lan, nhà cầm quân Hàn Quốc cũng gần như triệt tiêu luôn vai trò kiến thiết của Hùng Dũng, biến Hùng Dũng, Hoàng Đức và Huỳnh Công Đến thành những vệ tinh tranh đoạt từng mét vuông trung tuyến. Đội chủ nhà chơi không có tiền đạo quá nửa thời gian, khi Tiến Linh - Văn Tùng trong đội hình 5-3-2 luôn phải lùi rất sâu và việc chính của họ là gây sức ép ngay với các trung vệ của người Thái.
Trong tay huấn luyện viên Mano Polking có nguyên một dàn tiền vệ 5 người kỹ thuật cá nhân đồng đều, có 2 trung vệ điều bóng dài chuẩn xác, bởi vậy, ông Park thận trọng không thừa khi hy sinh sức tấn công để phòng ngự từ xa. Với cách chơi áp sát của một đội “cửa dưới” hơi nhún nhường, khiêm tốn, U23 Việt Nam được tìm lại sở trường, tạo ra thế trận cài răng lược nhiều lớp và chủ động chờ đối phương sai sót.
Trong hiệp 1, U23 Thái Lan chuyền hỏng khá nhiều bên sân nhà của họ. Điều đó chứng tỏ triết lý bóng đá “gegen-pressing” mà ông Park học hỏi từ bậc thầy Ralf Rangnick là hiệu quả và phù hợp, ít nhất trong cuộc đối đầu cân não kiểu này.
Cũng như các trận đấu với U23 Myanmar, Malaysia, sự kiên nhẫn của ông Park và các học trò đều được đền đáp muộn màng, với những bàn thắng ghi được khi đối phương đã trở nên mệt mỏi. Xuyên suốt kỳ SEA Games này, cỗ máy U23 Việt Nam thường vận hành nặng nhọc, nhiều phen bế tắc, nhưng chính những bước đi chậm rãi và bền bỉ ấy đã đưa chúng ta lên đỉnh.
Và dấu ấn từ biển cả
Người ta vẫn quen gọi Đông Nam Á là cái “ao làng”. Trong 5 năm dưới tay ông Park, bóng đá Việt Nam đã liên tục có cơ hội vượt ra ngoài môi trường chật hẹp ấy, để được thử sức, được ganh đua và được thất bại ngoài châu lục. Chúng ta gọi đấy là bơi ngoài biển cả.
Bơi ngoài biển cả thì mất sức, đôi khi mất cả tinh thần. Chính thầy Park đã phải nhận quá nhiều sức ép khi vòng loại World Cup mang đến cơn mưa bàn thua, cơn bão chấn thương, trong khi lại lấy đi của đội tuyển Việt Nam AFF Cup.
Mất AFF Cup, ông Park mất chuỗi bất bại đáng nể trong khu vực, mất luôn thế thượng phong trước đồng nghiệp Mano Polking và bóng đá Việt Nam mỗi lần đối mặt Thái Lan lại nhớ đến những vết thương muôn thuở.
SEA Games ở sân nhà là một trong những vết thương như thế. Năm 2003, thầy trò cố huấn luyện viên Alfred Riedl gục ngã trước U23 Thái Lan ngay tại Mỹ Đình, dù chúng ta sở hữu một thế hệ tài danh: Phạm Văn Quyến, Lê Quốc Vượng, Nguyễn Minh Phương… Vô tình, những ám ảnh từ trước lại đè nặng lên vai ông Park và dàn cầu thủ hiện tại không có ngôi sao.
Có những thời điểm hiệp 2, khi U23 Thái Lan tăng tốc, khung thành của Nguyễn Văn Toản đã chao đảo dữ dội. Những dự cảm không lành cứ lẩn quất đâu đây, nhưng hàng thủ vốn đã quen chịu sức ép từ những Saudi Arabia, Nhật Bản, Australia bình tâm lại rất nhanh, để từ bàn đạp vững chắc ở hậu phương, những điều chỉnh phía trên âm thầm phát huy tác dụng.
Phải khẳng định một điều, hàng phòng ngự U23 Việt Nam ở một đẳng cấp khác tại SEA Games lần này. Chúng ta có thể không sắc bén trong tấn công, tuyến tiền vệ cũng ở mức tròn vai, nhưng các trung vệ thì xuất sắc.
Họ là Nguyễn Thanh Bình, người từng đánh đầu tung lưới Nhật Bản tại Saitama cách đây chưa lâu. Đó là Bùi Hoàng Việt Anh, tác giả bàn thắng từ giữa sân đẹp không kém gì David Beckham ghi vào lưới Wimbledon ở Ngoại hạng Anh.
Bộ đôi này đá chính trong trận cuối cùng của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup, đã bầm dập tơi tả nhưng vẫn giữ vững tỷ số hòa trên đất Nhật. Nên khi họ xuống đá ở lứa tuổi U23, họ chững chạc và lừng lững, họ làm chủ mọi không gian dù là bóng sệt hay không chiến, họ khiến ai đá cùng với họ, dù là Vũ Tiến Long hay Phan Tuấn Tài, đều có một sự vững tin. Chúng ta vô địch mà không hề thủng lưới, chiến thắng ấy là tuyệt đối.
Và cuối cùng, chúng ta phải nói về không chiến. Đấy là nỗi sợ hãi truyền kỳ với các thế hệ đàn anh, nhưng đến thời của lứa U23 hôm nay, nó lại là điểm mạnh bất ngờ, là vũ khí hiệu quả nhất từ khi thầy trò ông Park vào bán kết.
Chúng ta đánh bại U23 Malaysia nhờ quả đánh đầu ngược của Tiến Linh, sau hơn 110 phút liên tục sút vọt xà, chệch cột. Chúng ta bảo vệ thành công tấm Huy chương vàng từ một khoảnh khắc đánh đầu lái bóng không thể tin nổi của Nhâm Mạnh Dũng, sau 82 phút chịu trận.
Tạt bóng cho Mạnh Dũng là ai? Là Phan Tuấn Tài, rất có thể sẽ không đá chính nếu Lê Văn Xuân mang áo số 2 không bị đứt dây chằng. Đấy là một sự thay thế mà định mệnh gọi tên.
Nó trái ngược với năm 2003 tức tưởi, khi một số 2 khác là Lê Văn Trương của ông Riedl cũng không thể thi đấu, để rồi người đóng thế Lê Đức Tuấn mắc sai lầm dẫn đến bàn thua chung cuộc.
19 năm đã qua, kết quả đã đổi chiều, vị thế của bóng đá Việt Nam đã khác. Và lời chia tay lứa tuổi U23 của thầy Park như vậy là viên mãn, nó xứng đáng với tất cả những gì ông đã làm cho lịch sử bóng đá của chúng ta.
Theo Hà Nội Mới