xuân

Thực trạng vấn đề sụt lún và ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế bền vững tại TP.HCM.

Nhịp Sống Sài Gòn

Ngày 08/11/2024 tại Hội trường A – Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã tổ chức Hội thảo "Thực trạng vấn đề sụt lún và ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế bền vững tại TP.HCM.

Buổi hội thảo có sự tham dự của TS. Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh; TS. Lâm Đạo Nguyên - Giám Đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Vũ trụ TP.HCM; Ông Phạm Quốc Phương - Giám đốc Trung tâm TT ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP.HCM cùng Quý đại biểu đến từ nhiều Sở ban ngành tại các địa phương, các trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp.

Về phía Nhà trường có sự tham gia của PGS.TS Vũ Xuân Cường – Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng, PCT Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Khoa học sự sống và môi trường; PGS.TS. Lê Hoàng Nghiêm – Phó Hiệu trưởng; cùng các giảng viên và học viên, sinh viên Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

466162679-548207161163600-1787202274208069014-n-1731136654.jpg

Sụt lún nhanh gấp 2 lần nước biển dâng

Hội thảo hướng đến việc đánh giá thực trạng và tác động của sụt lún đất tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ảnh hưởng của sụt lún đất đến sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường sống. Các đại biểu sẽ được nghe các bài tham luận và cùng trao đổi về vấn đề sụt lún và ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế bền vững tại TP.HCM. Đây là cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu và các bên liên quan cùng nhau thảo luận, chia sẻ giải pháp, nhằm đối phó và giảm thiểu tác động của sụt lún, hướng tới một thành phố phát triển an toàn và bền vững.

Đồng thời, kêu gọi sự hợp tác và cam kết thực hiện từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và cộng đồng nhằm thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho thành phố.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết: Theo khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tình trạng sụt lún đất nền ở TP.HCM diễn ra liên tục từ năm 1990, với độ lún tích lũy đến nay ước tính khoảng 100cm, tốc độ lún khoảng 2-5cm/năm. Riêng những khu vực tập trung các công trình thương mại tốc độ lún khoảng 7-8cm mỗi năm. Hiện tốc độ lún nền đất tại TP.HCM cao gấp 2 lần so với nước biển dâng (khoảng 1cm/năm).

“Sự kết hợp giữa sụt lún đất với triều cường và mực nước biển dâng đã làm cho nguy cơ TP.HCM ngày càng “chìm dần” và ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển lâu dài của TP.HCM trong bối cảnh thích nghi với biến đổi khí hậu. Đồng thời, sụt lún cũng gây nhiều thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân”, PGS.TS Huỳnh Quyền bày tỏ.

465890541-548207037830279-237136128539310158-n-1731136716.jpg

PGS.TS Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia sẻ thông tin tại hội thảo.

Trình bày báo cáo về thực trạng sụt lún đất tại TP.HCM, ThS Nguyễn Thanh Nhuận - Phòng Đo đạc, bản đồ và Viễn thám, Sở TN-MT TP.HCM cho biết, quan trắc biến dạng mặt đất khu vực TP.HCM trong năm 2019 cho thấy trên địa bàn tiếp tục có hiện tượng sụt lún bề mặt đất. Khu vực bị sụt lún lớn nhất đo được lên đến 31mm, trong đó, diện tích vùng lún nhanh với tốc độ trên 15mm/năm là hơn 14.000 ha, diện tích vùng lún tương đối nhanh từ 10-15mm/năm là hơn 22.000 ha.

So với giai đoạn từ năm 1996-2014, khu vực quận 8, huyện Bình Chánh, quận 12, quận 7 vẫn tiếp tục bị lún, khu vực quận 5, quận 10, quận 11 đã không còn xuất hiện các vùng lún. Bên cạnh đó, có nhiều vùng lún mới xuất hiện như: ở khu vực quận 9 (cũ), các huyện Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Sau năm 2014, Bộ TN-MT vẫn tiếp tục quan trắc, kết quả cho thấy điểm lún tại quận Bình Tân đã tăng lên 81,8cm, còn điểm ở huyện Bình Chánh tăng lên 48,8cm.

Hiện tượng biến dạng sụt lún bề mặt đất là loại tai biến địa chất phổ biến trên thế giới và gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở những vùng đô thị. Sụt lún đất thường diễn ra từ từ nhưng gây ra những tác hại rất lớn, không chỉ gây ảnh hưởng đến hạ tầng đô thị, gia tăng nguy cơ ngập lụt mà còn tác động sâu sắc đến đời sống người dân và sự phát triển bền vững của thành phố.

Lập kế hoạch giảm khai thác nước ngầm

Chia sẻ tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN-MT cho hay: Khi tốc độ đô thị hóa trên địa bàn TP.HCM ngày càng nhanh thì áp lực sụt lún lại càng lớn. Đặc biệt, hiện nay có nhiều khu dân cư mới mọc lên gây tác động, ảnh hưởng đến các đối tượng khu dân cư xung quanh. Trong đó, nhà xây sau có xu hướng xây cao hơn nhà xây trước cũng sẽ khiến nguy cơ sụt lún trở lên khó lường và diễn biến phức tạp

"Chúng tôi cũng mong rằng thông qua buổi hội thảo sẽ được lắng nghe thêm nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý cũng như toàn thể quý vị đại biểu tham dự về những chia sẻ, phương pháp, hiến kế giúp cho thành phố giải quyết vấn đề sụt lún trên địa bàn một cách hiệu quả nhất", - Phó Giám đốc Sở TN-MT bày tỏ.

465889161-548206974496952-3613985474987798-n-1731136811.jpg

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN-MT phát biểu tại hội thảo.

Đối với các nguyên nhân gây sụt lún tại TP.HCM, ThS. Nguyễn Thanh Nhuận cho hay, nền địa chất trên địa bàn thành phố có những vùng tốc độ lún cao trên 10 mm/năm là do những nơi này có nền địa chất yếu, đóng vai trò rất lớn trong việc làm biến dạng, gây lún đất. Kế đến, tác động của hoạt động giao thông, trong đó có nơi hoạt động giao thông tần suất lớn, tải trọng lớn, đã làm cho nền đất yếu bị hóa lỏng... gây sụt lún đất.

Tương tự, PGS.TS Thềm Quốc Tuấn - Phụ trách khoa Địa chất và Khoáng sản Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thông tin: Ngoài các nguyên nhân gây sụt lún tự nhiên như: Quá trình nén chặt tự nhiên của lớp trầm tích, sự hạ thấp mực nước dưới đất, quá trình tẩm ướt bởi nước mưa, triều cường đã làm thay đổi trạng thái của đất,… còn có nhóm nguyên nhân do con người tác động gây nên việc sụt lún như quá trình đô thị hóa tăng tải trọng trên nền đất yếu.

Đặc biệt là tác dộng của khai thác nước ngầm. Trước năm 2010 đây được cho là nguyên nhân gây lún chính ở vùng Gò Vấp, Tân Bình, quận 12, Củ Chi, Hóc Môn… Hiện nay TP.HCM đã hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm.

466409444-548206931163623-7093933663811626138-n-1731136974.jpg

Để hạn chế tình trạng sụt lún ở TP.HCM, các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, thành phố cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, việc đầu tiên là cần giảm mật độ xây dựng nhà cao tầng ở những vùng có nền đất yếu, song song với đó là lập kế hoạch, và giảm việc khai thác mực nước ngầm...

PGS.TS Thềm Quốc Tuấn đề xuất: Cầm giảm phụ thuộc vào nước dưới đất, tăng cường xây dựng các công trình cấp nước sạch từ các nguồn khác; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất nhằm giảm thiểu khả năng hạ thấp mực nước, thu gom nước mưa từ hệ thống mái nhà, sân bãi

Đặc biệt, thành phố cần đầu tư một hệ thống giám sát thường xuyên và dự báo về tình hình sụt lún nền đất trên địa bàn nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp với điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, dự báo biến dạng lún mặt đất, xác lập cơ sở xây dựng hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc biến dạng lún trên địa bàn thành phố để có thể ứng phó và hướng xử lý kịp thời.

A.Ngoc