xuân

Tỷ phú Trần Đình Long lại bị 'đe dọa'

Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Cục Hải quan đề nghị tăng cường giám sát và kiểm tra kỹ lưỡng hoạt động nhập khẩu nhóm hàng thép HRC có khổ lớn hơn 1.880 mm, tránh tình trạng khai báo không chính xác hoặc lách luật.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, lượng thép khổ rộng nhập khẩu từ Trung Quốc đang tăng mạnh trong thời gian gần đây. Loại hàng hóa này không nằm trong phạm vi điều tra và áp thuế chống bán phá giá theo quyết định 460/QĐ-BCT ban hành tháng 2/2025.

Cụ thể, theo số liệu hải quan 6 tháng đầu năm 2025, lượng nhập khẩu thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc khổ rộng từ 1.880mm trở lên về Việt Nam tăng bất thường. Chỉ riêng tháng 6/2025, sản lượng nhập khẩu mặt hàng này lên tới 215.000 tấn, tăng 26 lần so với cùng kỳ 2024 (8.000 tấn).

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, lượng nhập khẩu các loại thép cán nóng khổ từ 1.880mm trở lên từ Trung Quốc về Việt Nam lên gần 650.000 tấn, cao gấp 15 lần so với 6 tháng đầu năm ngoái. Trong đó, loại thép khổ rộng 2.000mm chiếm 74% lượng nhập của 6 tháng đầu năm.

Tỷ phú Trần Đình Long lại bị 'đe dọa'- Ảnh 1.

Thép cán nóng khổ rộng (từ 1.900 - 2.000mm) nhập khẩu vào Việt Nam 6T2025 cao gấp 15 lần so với cùng kỳ. Ảnh: VOV

Giá nhập khẩu thép HRC khổ rộng trên 1.880mm của Trung Quốc trong tháng 6 bình quân là 502USD/tấn, giảm 13% so với tháng 6/2024 (576USD/tấn) và giảm 6% so với tháng 5/2025.

Nếu tính theo mức thuế chống bán phá giá với thép cán nóng Trung Quốc đang áp dụng (27,83%), sản lượng nhập khẩu HRC khổ từ 1900mm trở lên trong 6 tháng qua đã làm thất thu ước tính khoảng 90 triệu USD, tương đương 2.300 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Ngày 21/2/2025, Bộ Công Thương đã chính thức áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng từ Trung Quốc và Ấn Độ, với điều kiện hàng hóa có chiều rộng không quá 1.880 mm.

Ngay sau đó, vào tháng 3, thị trường ghi nhận xu hướng dịch chuyển mạnh sang nhập khẩu thép HRC có khổ từ 1.900mm đến 2.000 mm, tức vượt ranh giới áp thuế một cách vừa đủ để không bị điều chỉnh, nhưng vẫn giữ nguyên bản chất, mục đích sử dụng và kênh phân phối.

Vào ngày 04/07/2025, Bộ Công Thương đã chính thức phê duyệt việc áp thuế CBPG đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 06/07/2025 và kéo dài trong 5 năm.

Mức thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng Trung Quốc dao động từ 23,1% đến 27,8%, được áp dụng từ ngày 6/7 và kéo dài 5 năm, trừ khi được gia hạn, thay đổi hoặc hủy bỏ theo quy định

Cục Phòng vệ thương mại nhìn nhận việc nhập khẩu hàng hóa khổ rộng có sự chênh lệch nhỏ so với hàng hoá thuộc phạm vi điều tra, về bản chất không khác biệt đáng kể so với thép đang bị áp thuế về đặc tính kỹ thuật, mục đích sử dụng, kênh phân phối và hành vi này đã vi phạm Điều 73 và 78 Nghị định 10/2018/NĐ-CP cũng như quy định tại Nghị định 86/2025/NĐ-CP về hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiện, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Cục Hải quan đề nghị tăng cường giám sát và kiểm tra kỹ lưỡng hoạt động nhập khẩu nhóm hàng thép HRC có khổ lớn hơn 1.880 mm, tránh tình trạng khai báo không chính xác hoặc lách luật.

Nêu quan điểm trên Báo Thanh niên, chuyên gia về thép Phạm Chí Cường nhắc lại câu chuyện khoảng 12 - 13 năm trước, một lượng lớn thép Trung Quốc có chứa hợp kim Bo nhập khẩu ồ ạt vào VN khi thuế nhập khẩu thép hợp kim bằng 0%.

Ban đầu, một số doanh nghiệp Trung Quốc chỉ pha nguyên tố Bo vào sản phẩm thép cuộn, nhưng sau này họ còn pha vào các sản phẩm thép khác như thép cuộn cán nóng (HRC), thép tấm cán nóng và cả thép hình để được hưởng thuế suất 0% (trong khi các sản phẩm thép... hình, thép cuộn... lúc đó phải chịu thuế từ 5 - 10%).

Như vậy việc tăng bề rộng không đáng kể cho thép HRC ra ngoài quy định sản phẩm bị áp thuế CBPG cũng có khả năng là hành vi lẩn tránh biện pháp này. Điều đó không chỉ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước mà nguy cơ Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn trong bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới.

Theo CTCK Vietcap, việc áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc là tín hiệu tích cực nhất định cho các doanh nghiệp sản xuất HRC nội địa như Hòa Phát và Formosa Hà Tĩnh. Tuy nhiên, việc HRC khổ rộng (>1.880mm) không nằm trong phạm vi áp thuế vẫn sẽ là mối lo ngại trong ngắn hạn đối với Hòa Phát.

Nếu xu hướng này tiếp tục, sản lượng bán HRC của HPG có thể chịu áp lực cho đến khi thuế chống bán phá giá (CBPG) được áp dụng đối với HRC khổ rộng.

“Đầu tháng 7, Hòa Phát đã công bố giá bán HRC giao tháng 8, giảm khoảng 1,8% so với tháng trước. Chúng tôi cho là do yếu tố mùa vụ và lo ngại cạnh tranh từ HRC khổ rộng nhập khẩu giá rẻ” – Vietcap đánh giá.

Trong báo cáo mới nhất, Hòa Phát đã công bố kết quả tài chính sơ bộ quý 2/2025 với doanh thu 36,4 nghìn tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, tăng 30%. 6 tháng đầu năm 2025, Hòa Phát đạt doanh thu 74 nghìn tỷ đồng, tăng 5% và LNST 7,6 nghìn tỷ đồng, tăng 24%.

Mặc dù doanh thu giảm, sản lượng bán thép lại tăng, cho thấy giá bán trung bình giảm so với quý trước và so với cùng kỳ.