xuân

Tổng thống Trump đã trở lại 'lợi hại hơn xưa', ngành năng lượng hóa thạch Mỹ sẽ lại bùng nổ?

Ngành công nghiệp dầu khí đã chi một khoản tiền kỷ lục để ủng hộ ông Trump và những người thuộc đảng Cộng hòa trở lại vị trí quyền lực nhất thế giới... Và đây chính là danh sách ưu tiên mà họ mong muốn được đáp đền. Liệu ngành năng lượng Mỹ sẽ đánh dấu sự đảo ngược đáng kể từ đây, cùng với nhiều chính sách về khí hậu và năng lượng?

Ông Trump đã trở lại 'lợi hại hơn xưa', ngành năng lượng hóa thạch Mỹ chính thức hồi sinh mạnh mẽ?
Tổng thống Trump đã trở lại 'lợi hại hơn xưa', ngành năng lượng hóa thạch Mỹ sẽ hồi sinh mạnh mẽ. (Nguồn: arabcenterdc.org)

Theo Nhóm giám sát tài chính độc lập Open Secrets, ngành dầu khí Mỹ đã trao nhiều tiền hơn cho các ứng cử viên và nhóm chính trị của Đảng Cộng hòa trong chu kỳ bầu cử năm 2024, hơn bất kỳ cuộc bầu cử nào trước đây.

Và khi những người được ông Donald Trump lựa chọn cho các vị trí đứng đầu ngành năng lượng Mỹ đối mặt với các phiên điều trần trước Quốc hội trong tuần này, Nhóm vận động hành lang hàng đầu của ngành dầu mỏ Mỹ đã không ngần ngại nêu chi tiết các khuyến nghị cho chính quyền sắp tới.

"Chiến thắng áp đảo" của nhiên liệu hóa thạch

Tin liên quan
Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump: Kỷ lục cao nhất mọi thời đại, mọi ‘kỳ thị tan biến Lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Trump: Kỷ lục cao nhất mọi thời đại, mọi ‘kỳ thị tan biến' chỉ còn lại háo hức và hân hoan

Viện Dầu khí Mỹ (API) đã đưa ra "lộ trình" năng lượng mới dành cho chính quyền Tổng thống Trump và Quốc hội do Đảng Cộng hòa kiểm soát.

Đứng đầu danh sách ưu tiên là mở rộng các khu vực khoan và đảo ngược các quy định của chính quyền Tổng thống Joe Biden về khí thải ô tô và xuất khẩu khí đốt tự nhiên.

"Tháng 11/2024, ngành năng lượng Mỹ đã "có mặt" trên lá phiếu và năng lượng Mỹ đã giành chiến thắng", Chủ tịch kiêm CEO của Viện Dầu khí Mỹ (API) Mike Sommers thông báo trong một cuộc họp báo và tiết lộ mục tiêu - cố gắng biến chiến thắng của Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng và Quốc hội thành một lộ trình tái phát triển nhiên liệu hóa thạch.

Dữ liệu của Open Secrets cho thấy, tổng chi tiêu của ngành dầu khí Mỹ cho chính trị, trong chu kỳ bầu cử năm 2024 là khoảng 239 triệu USD, tăng 60% so với chi tiêu cho chiến dịch của ngành này trong chu kỳ bầu cử năm 2020. Khoảng 89% khoản "đầu tư" của ngành này đã được chuyển cho các nhóm Cộng hòa hoặc bảo thủ, chủ yếu dưới hình thức được gọi là "chi phí mềm" hoặc chi tiêu bên ngoài.

Mặc dù sản lượng dầu khí vẫn tăng vọt trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden - Mỹ hiện sản xuất nhiều dầu thô hơn bất kỳ quốc gia nào từ trước đến nay. Nhưng ông Sommers vẫn cho rằng, Tổng thống Trump nên bắt đầu bằng cách đảo ngược lệnh cấm gần đây của người tiền nhiệm Joe Biden đối với các giấy phép khoan dầu khí ngoài khơi mới dọc theo bờ biển Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Vịnh Florida.

"Đã đến lúc khôi phục cách tiếp cận về năng lượng và gửi tín hiệu rằng, nước Mỹ đang mở cửa cho đầu tư năng lượng", theo CEO Sommers. Ông này cũng nói thêm rằng, API đã sẵn sàng tranh luận tại tòa rằng, Tổng thống Trump có thẩm quyền lật ngược các lệnh cấm của cựu Tổng thống Biden. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia luật môi trường cho rằng, một động thái như vậy sẽ còn phải đòi hỏi một quyết định từ Quốc hội.

Ông Sommers cũng muốn Tổng thống Trump dỡ bỏ lệnh tạm dừng cấp phép của ông Biden, cho các nhà ga mới để xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Châu Âu đã sớm trở thànhnguồn tiêu thụ lớn khí đốt Mỹ, được vận chuyển theo hình thức này, sau thời gian gián đoạn nhiên liệu do xung đột quân sự Nga-Ukraine gây ra.

Tuy nhiên, những người bảo vệ môi trường và khí hậu lập luận rằng, xuất khẩu LNG làm tăng lượng khí thải nhà kính và làm suy yếu sự phát triển của các nguồn năng lượng sạch hơn. Một số nhóm người tiêu dùng cũng bày tỏ lo ngại về cách xuất khẩu khí đốt của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến giá năng lượng trong nước.

Trong một nghiên cứu được công bố tháng trước, Bộ Năng lượng Mỹ (DoE) phát hiện ra rằng, một nhà ga xuất khẩu LNG rất lớn sẽ "tự nó sinh ra lượng khí thải nhà kính mỗi năm, nhiều hơn 141 quốc gia trên thế giới đã tạo ra trong năm 2023". Ngoài ra, DoE cảnh báo, việc mở rộng xuất khẩu LNG khiến người tiêu dùng Mỹ phải chịu mức giá cao hơn cho cả khí đốt tự nhiên và điện mà nó tạo ra.

Nhà lãnh đạo của API đã phản bác ý kiến trên bằng những kết quả từ một nghiên cứu mới của S&P Global rằng, ngành công nghiệp LNG đã đóng góp hơn 400 tỷ USD vào GDP của kinh tế Mỹ trong thập kỷ qua và hỗ trợ hàng trăm nghìn việc làm.

API cũng muốn chấm dứt các khoản phí thời cựu Tổng thống Biden đối với lượng khí thải metan dư thừa từ hoạt động khoan và truyền tải dầu khí. Metan - thành phần chính của khí đốt tự nhiên, là một loại khí nhà kính mạnh khi thải vào khí quyển từ các địa điểm khoan và đường ống bị rò rỉ.

Các công nghệ giám sát mới, đã tiết lộ các vụ rò rỉ góp phần làm tăng mức khí metan trong khí quyển trên toàn cầu. Việc giám sát trên không đối với sản lượng dầu khí của Mỹ vào mùa Hè năm ngoái đã phát hiện ra lượng khí thải metan cao gấp 8 lần so với mục tiêu mà ngành công nghiệp dầu mỏ nước này đã đồng ý đáp ứng. Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí trực tuyến Frontiers in Science hối tháng 7/2024 cho thấy, lượng khí metan trong khí quyển tăng "vượt quá tốc độ tăng trưởng dự kiến".

Dù vậy, theo ý kiến của CEO API Sommers, ngành công nghiệp dầu mỏ cam kết giảm lượng khí thải metan và thừa nhận "chính phủ cần đóng một vai trò nào đó", nhưng API vẫn quyết phản đối các khoản phí mà chính quyền ông Biden đã áp dụng.

Lý do được đưa ra là, "chúng tôi thực sự lo ngại rằng, theo thời gian, điều đó sẽ cắt giảm sản lượng đối với nguồn năng lượng này - nguồn năng lượng quan trọng cung cấp cho phần lớn nền kinh tế Mỹ", ông Sommers nói.

Ngoài ra, các khuyến nghị của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ còn mở rộng sang nguồn khách hàng chính của mình là ngành công nghiệp ô tô.

... Tương lai có khi không phụ thuộc vào sự hậu thuẫn

Ông Donald Trump thường không ngần ngại mà nêu rõ sở thích đặc biệt đối với nhiên liệu hóa thạch, một quan điểm được nhiều người trong ngành hưởng ứng. Việc ủng hộ tăng sản lượng dầu khí Mỹ cũng là một yếu tố chính trong chiến dịch tranh cử của ông.

Trên thực tế, để hiện thực hóa kế hoạch của mình, Tổng thống Donald Trump đã lựa chọn hàng loạt vị trí trong nội các là các nhân vật ủng hộ ngành công nghiệp dầu mỏ truyền thống. Chẳng hạn Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright, không chỉ là một CEO doanh nhiệp dầu khí, ông còn là người phủ nhận khủng hoảng khí hậu và cam kết ủng hộ kế hoạch của ông Trump nhằm tối đa hóa sản lượng dầu khí Mỹ.

Hay người được Tổng thống Trump đề cử cho vị trí Bộ trưởng Nội vụ - Thống đốc North Dakota từng cho rằng, "chính quyền ông Biden cần thay đổi 180 độ về chính sách năng lượng", bởi việc tăng trưởng liên tục các loại hình sản xuất năng lượng truyền thống là vấn đề an ninh quốc gia. Theo ông, khí thải nhà kính thì có thể được giảm thiểu bằng công nghệ thu giữ carbon, nhưng năng lượng tái tạo nếu được trợ cấp quá nhiều sẽ gây ra các vấn đề khác.

Liệu sự hậu thuẫn trong ngoài đối với ngành dầu mỏ Mỹ sẽ đánh dấu sự đảo ngược đáng kể từ đây? Và những người bạn sản xuất dầu của Mỹ ở Trung Đông có thể tiếp nhận các ưu tiên về thị trường dầu mỏ và ngoại giao của chính quyền Tổng thống Trump như thế nào?

Một trong những chính sách đã được dự báo khá chắc chắn của chính quyền Tổng thống Trump 2.0 là sự ủng hộ nhiệt tình - tăng sản lượng dầu khí Mỹ như một mặt hàng chủ lực. Tuy nhiên, theo giới phân tích, thiện chí tăng sản lượng của các công ty dầu khí Mỹ còn phụ thuộc nhiều hơn vào các tín hiệu của thị trường, hơn là từ các tín hiệu "bật đèn xanh" từ Tổng thống hay chính phủ liên bang.

Trên thực tế, người đứng đầu chính phủ có thể thuyết phục bãi bỏ hay giảm quy định, nới lỏng việc cấp phép và tiếp cận khoan trên đất công và vùng nước, đảo ngược lệnh tạm dừng cấp phép xuất khẩu LNG của chính quyền tiền nhiệm. Ông Trump cũng có thể kết hợp việc thúc đẩy xuất khẩu LNG với chiến dịch gây sức ép buộc các đồng minh của Mỹ mua LNG của Mỹ. Thậm chí, với sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa tại Quốc hội, họ còn có thể thay đổi cả luật.

Nhưng nếu các chỉ số thị trường chỉ ra hướng ngược lại, hầu hết các giám đốc điều hành của doanh nghiệp dầu mỏ sẽ tìm cách phớt lờ chính phủ liên bang. Với sản lượng dầu Mỹ đạt mức cao kỷ lục trong năm nay, dưới thời Tổng thống Joe Biden, các nhà đầu tư dầu mỏ Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ kỷ luật vốn, hơn là tăng sản lượng như một chiến lược mới.

Tình hình khiến cho các lựa chọn của Tổng thống Trump trở nên khó khăn hơn, khi sự chia rẽ khá đồng đều giữa các lợi ích kinh tế được hưởng lợi từ giá dầu cao và giá thấp hơn. Ngành dầu mỏ và các nhà cung cấp tài chính của ngành này được hưởng lợi khi giá cao, trong khi các ngành sản xuất và vận tải (và người tiêu dùng) được hưởng lợi khi giá thấp. Ngay cả các tiêu chuẩn về nhiên liệu của ô tô - một mục tiêu có khả năng bị đảo ngược với chính sách thắt chặt của ông Biden, cũng là "một con dao hai lưỡi" khác.

Các bài toán mới lại đặt ra những thách thức khác so với thời chính quyền Tổng thống Trump 1.0. Ngay cả các đối tác của Mỹ ở vùng Vịnh hiện cũng có vẻ ít nhiệt tình hơn với các chính sách cứng rắn của ông đối với ngành dầu khí truyền thống mà họ đã từng ủng hộ trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Giới quan sát bình luận, trong tình hình mới, phương pháp không chính thống và phong cách ngoại giao khó đoán của Tổng thống Donad Trump lại báo hiệu một giai đoạn đầy biến động khác đối với các chuẩn mực Mỹ và toàn cầu. Một lần nữa, các mối quan hệ quốc tế và lập trường truyền thống với mọi vấn đề sẽ bị thử thách.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })