xuân

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine tại Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Ngày 25/12, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo đối thoại chính sách với chủ đề "Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vắc-xin tại Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp".

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine tại Việt Nam- Ảnh 1.

Các diễn giả tham luận tại tọa đàm đều cho rằng để chuyển giao công nghệ hiệu quả, Việt Nam cần bổ sung các chính sách ưu đãi xuyên suốt quá trình chuyển giao công nghệ. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của bên chuyển giao và nhận công nghệ - Ảnh: VGP/MT

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình "Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống Y tế" (PHSSR) giữa Viện và AstraZeneca Việt Nam.

Hội thảo đã làm rõ vai trò của chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine; đánh giá phân tích thực trạng và cơ hội, thách thức của chuyển giao công nghệ tại Việt Nam; chia sẻ các bài học thành công trên thế giới; từ đó đề xuất các giải pháp chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine tại Việt Nam.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm tham gia của các lãnh đạo, chuyên gia trong ngành y tế; bộ Khoa học và Công nghệ; Uỷ ban dược phẩm thuộc Phòng Thương mại châu Âu (PharmaGroup); Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam (VNPCA) và một số doanh nghiệp dược phẩm trong nước và nước ngoài đang thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và vaccine tại Việt Nam.

Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (ban hành kèm theo Quyết định 1165/QĐ-TTg) đã đặt mục tiêu phát triển ngành Dược Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN. Đến năm 2030, phấn đấu thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng và 70% giá trị thị trường; tiếp nhận chuyển giao công nghệ ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm.

Chuyển giao công nghệ không chỉ là động lực quan trọng để phát triển ngành dược phẩm Việt Nam mà còn mang lại giá trị kinh tế và xã hội toàn diện, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Cụ thể, chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất của ngành công nghiệp dược, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu chiến lược đã đặt ra; đồng thời, cho phép Việt Nam nhanh chóng tiếp cận công nghệ hiện đại, giảm chi phí nghiên cứu và phát triển, đồng thời sản xuất các loại thuốc công nghệ cao, đảm bảo an ninh y tế và chủ động nguồn cung. Bên cạnh đó, ngành dược sẽ gia tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư quốc tế, và mở rộng xuất khẩu, qua đó khẳng định vị thế trên thị trường khu vực.

Ngoài ra, quá trình này tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, làm chủ công nghệ hiện đại, và tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo trong dài hạn. Đối với xã hội, chuyển giao công nghệ giúp người dân tiếp cận thuốc với giá hợp lý, giảm chi phí điều trị, và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe. Ngành dược phát triển không chỉ đóng góp vào tăng trưởng GDP, nguồn thu thuế và cán cân thương mại, mà còn tạo thêm việc làm, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Thúc đẩy chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, vaccine tại Việt Nam- Ảnh 2.

Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam cho biết, AstraZeneca mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để đạt được những mục tiêu chung trong nỗ lực chuyển giao công nghệ xuyên biên giới - Ảnh: VGP/MT

Các chuyên gia và diễn giả đều cho rằng, để thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiệu quả, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện và đồng bộ các chính sách liên quan. Trước hết, cần bổ sung các chính sách ưu đãi xuyên suốt quá trình chuyển giao công nghệ. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của bên chuyển giao và nhận công nghệ.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể cũng rất cần thiết để triển khai các chính sách ưu đãi hiện có, bao gồm giữ giá thuốc, mua sắm và đấu thầu, ưu đãi đầu tư như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, miễn hoặc giảm tiền thuê đất, cùng các hỗ trợ tài chính từ các quỹ khoa học công nghệ và đầu tư. Ngoài ra, cần giải quyết các khó khăn trong việc triển khai, như tăng mức độ giảm giá hợp lý trong đàm phán giá và đảm bảo thời gian cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đúng theo cam kết ưu đãi.

Bên cạnh đó, việc đầu tư đào tạo, nâng cao năng lực ngành công nghiệp dược để tiếp nhận và làm chủ công nghệ là yếu tố then chốt. Cuối cùng, cần tăng cường giám sát và đánh giá việc thực hiện các chính sách để đảm bảo hiệu quả, đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy ngành công nghiệp dược Việt Nam phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho rằng: "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy thành công của chuyển giao công nghệ phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của chính phủ, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thu hút đầu tư từ các công ty đa quốc gia vào các dự án chuyển giao công nghệ."

Ông Atul Tandon, Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam, chia sẻ: "Hành trình chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực dược phẩm mà AstraZeneca và các đối tác của chúng tôi đang thực hiện là một hành trình phức tạp, với nhiều rủi ro và thách thức. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan để đạt được những mục tiêu chung trong nỗ lực chuyển giao công nghệ xuyên biên giới. Tin rằng với sự hợp tác từ nhiều cấp và đối tượng khác nhau trong xã hội, chúng ta sẽ vượt qua những thách thức này một cách hiệu quả, đảm bảo rằng các nỗ lực của chúng tôi phù hợp với các ưu tiên y tế tại Việt Nam và xa hơn là mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam."

Chương trình "Hợp tác vì tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống Y tế" (PHSSR) là chương trình hợp tác dài hạn giữa Viện Chiến lược và Chính sách Y tế - Bộ Y tế và AstraZeneca giai đoạn 2022-2025 nhằm hướng tới một hệ thống y tế công bằng, hiệu quả, chất lượng và bền vững.

Chương trình bao gồm các hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến nghị các giải pháp chính sách theo ba mục tiêu chính, trong đó bao gồm củng cố tính bền vững của tài chính y tế; đảm bảo khả năng tự chủ cung ứng thuốc và vắc xin của Việt Nam; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm tại các cơ sở y tế.

MT