xuân

Thừa Thiên Huế: Giảm nghèo là trọng tâm thực hiện các chương trình MTQG

(Chinhphu.vn) - Triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế lấy giảm nghèo làm trung tâm. Để đạt được mục tiêu, tỉnh sẵn sàng làm thay huyện, huyện sẵn sàng làm thay xã.

Chiều 21/7, Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, sau 2 năm triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, hạ tầng nông thôn đã được tăng cường đầu tư, diện mạo nông thôn có bước khởi sắc. 

Các mô hình ứng dụng công nghệ cao dần được hình thành và phát triển; công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn đã được quan tâm đầu tư; các sản phẩm OCOP đang dần được mở rộng; chương trình du lịch nông thôn và công tác chuyển đổi số hướng tới nông thôn mới thông minh được tỉnh quan tâm đầu tư và được các địa phương và người dân hưởng ứng.

Các nội dung về văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường từng bước được quan tâm, góp phần làm cho đời sống tinh thần của người dân nông thôn phát triển theo hướng lành mạnh hơn, văn minh hơn; hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường và củng cố; an ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn tiếp tục được giữ vững. Đời sống của nhân dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới, giảm tỉ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 3%, 4 xã và 3 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, 1 huyện thoát khỏi huyện nghèo, 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn lại 2-2,2%. 

Về giải ngân các nguồn vốn, đến thời điểm ngày 19/7/2023, tỉ lệ giải ngân của tỉnh Thừa Thiên Huế đạt 34,2%, thuộc tốp đầu của cả nước.

Bên cạnh kết quả trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, việc thực hiện 3 chương trình MTQG còn nhiều khó khăn, điển hình là tiến độ xây dựng, ban hành thể chế, chính sách, hướng dẫn quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG của Trung ương còn chưa kịp thời…

Thời gian tới, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ ban hành hệ thống văn bản quy định thống nhất, đồng bộ đối với quản lý, tổ chức thực hiện 3 chương trình MTQG. Trong đó, ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có tính kết nối, gắn với chuỗi giá trị, thực hiện theo cơ chế đặc thù, các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất... Chỉ đạo quyết liệt, đưa ra các tiến độ cụ thể; tập trung các giải pháp khắc phục những vướng mắc, khó khăn nhất là các thủ tục, hồ sơ thực hiện dự án đầu tư phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương phổ biến và tổ chức hướng dẫn, tập huấn để địa phương thực hiện đồng bộ tránh phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề nghị Trung ương sớm có giải pháp xử lý dứt điểm, ban hành văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện các nội dung còn vướng mắc trong áp dụng các thông tư, văn bản do cấp Bộ ban hành phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, không trái quy định pháp luật. 

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận sự chỉ đạo linh hoạt, bám cơ sở của tỉnh Thừa Thiên Huế. Có những tư duy mới, cách làm khoa học. Vừa làm vừa tổng kết thực tiễn, vừa rút kinh nghiệm, báo cáo kịp thời.  

"Tỉnh lấy giảm nghèo làm trung tâm, đây là định hướng đúng và sáng tạo. Để đạt được mục tiêu, tỉnh sẵn sàng làm thay huyện, huyện sẵn sàng làm thay xã. Đó cũng là cách làm hay”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên Huế cần tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát hơn nữa, phát huy, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả đối với việc triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, sở, ngành và trong tổ chức triển khai các chương trình.

Tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương còn vướng mắc để có kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Rà soát, đánh giá lại dự kiến mức độ thực hiện và khả năng hoàn thành của từng chương trình tính đến các mốc hết năm 2023, 2024 và 2025, cụ thể đối với từng dự án, nội dung thành phần. Xác định các nguyên nhân, các yếu tố tác động để có biện pháp cụ thể thực hiện việc giải ngân nguồn vốn Trung ương đã phân bổ năm 2021, 2022, 2023.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế cần đánh giá kết quả việc thực hiện các nguyên tắc, giải pháp, cơ chế quản lý thực hiện chương trình; thực hiện tốt các giải pháp tỉnh đã đề ra để nâng cao hiệu quả thực hiện các chương trình trong thời gian tới. 

Về các kiến nghị của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, tiếp thu và sẽ có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, giúp tỉnh đạt được những mục tiêu đã đề ra. 

Sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và đoàn công tác đã khảo sát thực địa và làm việc với huyện A Lưới về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về 3 chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.

Thế Phong