Liên tiếp phát hiện, tạm giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc
Thực hiện cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục QLTT Hà Nội) vừa phối hợp với Đội 7-Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an thành phố Hà Nội phát hiện và thu giữ trên 13 tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm sau quá trình kiểm tra một kho hàng tại xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.
Tại thời điểm kiểm tra kho hàng, toàn bộ thực phẩm không rõ nguồn gốc chủ yếu là xúc xích, thịt bò khô và bánh kẹo các loại được để trà trộn cùng với một số mặt hàng thực phẩm có giấy tờ.
Điều này khiến công tác kiểm đếm, phân loại của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Nhiều sản phẩm đã có hiện tượng chảy nước và xuất hiện mùi hôi nồng.
Chủ kho hàng sinh năm 1990, trú tại huyện Đan Phượng thừa nhận, trên 13 tấn thực phẩm này hoàn toàn không có nguồn gốc xuất xứ, không hoá đơn chứng từ, được thu mua trôi nổi trên thị trường, chủ yếu là từ biên giới, sau đó đưa về Hà Nội và các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Nếu trót lọt, số thực phẩm không rõ nguồn gốc này sau đó sẽ được cung cấp ra các cửa hàng tạp hóa hoặc bán đồ ăn nhanh trên địa bàn thành phố, đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, sinh viên. Điều này có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Hiện lực lượng chức năng đã tiến hành niêm phong, thu giữ toàn bộ số thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ liên quan để tiến hành tiêu hủy theo quy định của pháp luật. Theo niêm yết, lô hàng vi phạm có tổng trị giá gần 1,9 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 8/1/2025, Đội QLTT số 17 cũng phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế công an thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất một kho hàng tại địa chỉ Lô 11 khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện một lượng lớn hàng hóa là thực phẩm đông lạnh đựng trong các thùng carton vẫn nguyên đai, nguyên kiện.
Kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận gần 10 tấn hàng hóa là sách bò, dạ dày bò, dạ dày lợn không có nhãn mác, trên bao bì không thể hiện thông tin về sản phẩm, ngày tháng sản xuất cũng như hạn sử dụng. Trong đó nhiều nhất là sách bò với số lượng khoảng 8 tấn.
Số còn lại là dạ dày bò và lợn. Toàn bộ hàng hóa tại kho hàng này đều là sản phẩm đông lạnh. Theo quan sát, nhiều sản phẩm đã xuất hiện dấu hiệu phân hủy, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối.
Chủ cơ sở được xác định là ông H.V.D (trú quán tại tỉnh Bắc Kạn). Làm việc với đoàn kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Lô hàng có trị giá gần 550 triệu đồng.
Được biết, hàng hóa tại cơ sở được đối tượng thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó sử dụng xe đông lạnh di chuyển vào ban đêm nhằm hạn chế sự kiểm tra của các cơ quan chức năng. Tinh vi hơn, các đối tượng còn liên tục thay đổi biển số xe cũng như phương tiện vận chuyển nhằm che giấu sự phát hiện của các đoàn kiểm tra.
Toàn bộ số hàng hóa này được nhập để phục vụ nhu cầu tăng cao trong dịp Tết nguyên đán sắp tới. Không chỉ được phân phối tại thị trường Hà Nội, các mặt hàng trên còn len lỏi vào nhiều cửa hàng, quán ăn trên cả nước.
Cũng trong ngày 8/1, một tổ công tác khác của Đội QLTT số 17, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm đông lạnh tại địa chỉ ngõ 21 Tựu Liệt, huyện Thanh Trì.
Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác phát hiện hơn 2,1 tấn thực phẩm đông lạnh là nầm lợn, tràng trứng, tràng lợn, kê gà, mề gà... không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm định chất lượng.
Chủ cơ sở là bà P.T.H (SN: 1992), không xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, hoá đơn chứng từ số hàng hoá trên.
Qua điều tra, bà H. khai nhận thu mua số hàng hoá trên trôi nổi trên thị trường và bán lại cho các khách hàng có nhu cầu tại Hà Nội và địa bàn một số tỉnh lân cận. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để xử lý theo quy định của pháp luật.
Nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh
Năm 2025, lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên thương mại điện tử; tập trung với những nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, bảo đảm quyền và lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Hiện, công tác QLTT đang gặp không ít khó khăn, phức tạp khi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng bùng phát và ngày càng tinh vi. Việc xử lý mới chỉ giải quyết được "phần ngọn" của vấn đề, thậm chí không ít người tiêu dùng biết là hàng vi phạm nhưng vẫn tiêu thụ.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục được triển khai theo kế hoạch của Ban chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội với mục tiêu là bảo đảm sự ổn định của thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu dịp lễ, Tết; công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các tin báo về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tuy nhiên, ông Kiên cũng cho rằng, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức và nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc. Chỉ khi đó, thị trường mới thực sự ổn định và lành mạnh trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Theo các chuyên gia, trong thời điểm này, người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng hơn trong việc nhận diện phòng, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của chính mình.
Đặc biệt, không tham gia tiếp tay cho hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả; phản ánh thông tin, dấu hiệu vi phạm pháp luật trên địa bàn dân cư, đến lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng để góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Diệu Anh