xuân

Tâm điểm nóng bỏng trong chiến lược kinh tế của Tổng thống đắc cử Mỹ

Chính sách thuế quan với hàng hóa nhập khẩu của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump làm dấy lên lo ngại về chi phí sản xuất và lạm phát trong nước.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 tại Mỹ ngã ngũ với việc ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng hòa giành chiến thắng. (Nguồn: South China Morning Post)
Thuế quan là mối quan tâm hàng đầu của các tập đoàn sau khi ông Donald Trump đắc cử trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47. (Nguồn: South China Morning Post)

Mối quan tâm hàng đầu

Thuế quan là mối quan tâm hàng đầu của các tập đoàn trong các sự kiện dành cho nhà đầu tư và hội nghị gần đây, sau khi ông Donald Trump đắc cử trở thành Tổng thống Mỹ thứ 47. Báo cáo trong cuộc họp ngày 19/11 cho thấy giá cả sẽ tăng khi thuế tăng. Công ty bán lẻ lớn nhất nước Mỹ Walmart nhấn mạnh: “Chúng tôi lo rằng thuế quan tăng sẽ khiến khách hàng phải trả nhiều hơn, trong khi người dân vẫn cảm nhận được tàn dư của lạm phát”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết đưa thuế quan trở thành trọng tâm của chương trình nghị sự kinh tế. Các giám đốc điều hành tập đoàn cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là tiếp tục nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung ứng nhằm tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn là mục tiêu hàng đầu của ông Trump.

Kể từ đầu tháng 9/2024, đại diện từ gần 200 công ty nằm trong danh sách chỉ số S&P 1500 Composite đã thảo luận về vấn đề thuế quan trong báo cáo lợi nhuận hoặc tại hội nghị nhà đầu tư.

Giám đốc tài chính công ty Lowe’s, ông Brandon Sink cho biết gần 40% chi phí hàng hóa của công ty này có nguồn gốc từ nước ngoài, bao gồm hàng hóa nhập khẩu trực tiếp và các thương hiệu quốc gia do đối tác cung cấp. “Khi nhìn vào tác động tiềm năng từ thuế quan, có thể thấy một cách chắc chắn rằng chi phí sản xuất sẽ tăng”, ông cho biết thêm.

Ông Trump đưa ra ý tưởng đánh thuế 60% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và 10% hoặc hơn 10% thuế quan với các quốc gia còn lại. Tổng thống đắc cử khẳng định, điều này là cần thiết để Mỹ có thể giảm thâm hụt thương mại.

Tổ chức tư vấn kinh tế Oxford Economics ước tính, 60% thuế quan đối với hàng hóa từ Trung Quốc có thể làm lạm phát Mỹ tăng 0,7 điểm phần trăm, trong khi thuế quan nói chung chỉ làm tăng 0,3 điểm phần trăm lạm phát. Các chuyên gia cũng cho biết chính phủ sẽ áp dụng chính sách thuế quan một cách chậm rãi, tuy nhiên một số nhà phân tích lo lắng về các tác động có thể gây sốc với nền kinh tế.

Ông Brian Jacobsen, nhà kinh tế trưởng của công ty Annex Wealth Management nói rằng “Ông Trump nhiệm kỳ thứ 47 không phải ông Trump của nhiệm kỳ 45”, đồng thời nhấn mạnh đề xuất lần này từ Tổng thống đắc cử “dễ thở hơn nhiều”.

Tâm điểm nóng bỏng trong chiến lược kinh tế của Tổng thống đắc cử Mỹ

Các sản phẩm máy tính, điện tử, các thiết bị điện, linh kiện chiếm gần 50% trong tổng số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ. (Nguồn: Fitch)

Học cách thích nghi

Theo Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ, các lĩnh vực nhập khẩu nhiều nhất của Mỹ là sản phẩm điện tử, thiết bị vận tải, hóa chất và khoáng sản. Theo Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ, thuế quan có thể gây tăng giá các sản phẩm quần áo, đồ chơi, nội thất, đồ gia dụng, giày dép, đồ du lịch, đặc biệt là hàng hóa phần lớn do Trung Quốc cung cấp.

Trong hội nghị nhà đầu tư Robert W. Baird diễn ra tuần trước, ông Patrick Hallinan, Giám đốc tài chính công ty Stanley Black & Decker tuyên bố: “Điều này chắc chắn là một trong những điều nhanh nhất có thể xảy ra, chỉ sau một chữ ký”. Ông cũng cho biết thuế quan hiện tại khiến công ty này tiêu tốn 100 triệu USD một năm. Con số này có thể tăng gấp đôi sau khi áp dụng đề xuất thuế quan của Tổng thống đắc cử.

Để chắc chắn, các công ty đã bắt đầu chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong suốt nhiệm kỳ thứ nhất của ông Trump cũng như nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden nhằm thúc đẩy năng lực tự sản xuất của Mỹ.

Dữ liệu của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ cho thấy, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đạt đỉnh 538,5 tỷ USD vào năm 2018 và đạt 433,3 tỷ USD tính theo 12 tháng kết thúc vào tháng 9/2024. Các giám đốc điều hành cho rằng, doanh nghiệp sẽ sẵn sàng ứng phó nhờ thích nghi với những thay đổi từ đại dịch Covid-19, hàng loạt cuộc đình công và gián đoạn tại tuyến đường thủy quan trọng như kênh đào Panama, Suez.

“Việc phải trải qua nhiều gián đoạn và thử thách buộc chúng tôi phải thích nghi. Vì vậy chúng tôi khá thành thạo trong việc quản lý các tình huống như vậy”, ông Scott Roe, giám đốc tài chính công ty Tapestry cho biết.

Như vậy, chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump đang gây ra những lo ngại nhất định cho các doanh nghiệp Mỹ. Tuy nhiên, các công ty đang dần thích nghi để sẵn sàng đối phó với các rủi ro có thể xảy ra.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })