xuân

Sống chung với COVID-19 là sống chung thế nào?

Nhịp Sống Sài Gòn

Virus SARS-CoV-2 đang hiện hữu như mưa gió, bão lũ và các hiện tượng tự nhiên khác, đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đã lây lan vừa rộng, vừa sâu vào cộng đồng - cứ 100 người nhiễm virus thì có đến 80 người tự nhiễm và tự khỏi (có nghiên cứu còn chỉ ra rằng đối với biến chủng Delta, số người tự nhiễm và tự khỏi có thể lên đến 90%), thì truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch là một nhiệm vụ bất khả thi.

Ngoài ra, nếu gần như cả thế giới chấp nhận chung sống với COVID-19, thì một nước hội nhập sâu với thế giới như nước ta sẽ không thể có một lựa chọn khác. Muốn lựa chọn khác, thì bắt buộc phải cô lập đất nước hoàn toàn với thế giới. Đây chưa chắc đã là một sự lựa chọn tối ưu. Hơn thế nữa, đối với nước ta, mọi chuyện đã trở nên quá muộn cho một lựa chọn như vậy.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Thế thì chúng ta cần phải mau chóng “thích ứng” để “sống chung lâu dài” như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định.

Sống chung với COVID-19 không có nghĩa là sống chung với đại dịch. Không ai có thể sống chung với tình trạng dịch bệnh bùng phát; các bệnh viện, các cơ sở y tế đều bị quả tải; các ca tử vong vì dịch bệnh tăng cao.

Sống chung với COVID-19 chỉ có nghĩa là giảm thiểu tác hại của nó và dần biến nó trở thành loại cúm mùa thông thường. Trên thực tế, mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn, nếu không muốn nói là hàng triệu người bị nhiễm cúm. Về cơ bản, mọi người đều tự chữa khỏi cho mình. Số người phải nhập viện là vô cùng ít. Số người tử vong lại còn ít hơn.

Để hành xử như vậy với COVID-19, cơ thể chúng ta phải có đủ sức đề kháng chống lại nó. Với dịch cúm mùa, nhờ trải qua hàng ngàn thế hệ và hàng vạn năm tồn tại, cơ thể chúng ta đã được luyện rèn; hệ thống phòng vệ của cơ thể nhanh chóng nhận biết virus và tìm cách tiêu diệt.

COVID-19 là đại dịch do một loại virus mới, nên cơ thể chúng ta chưa được luyện rèn để chống lại nó. Mặc dù, sẽ có đến 80% số người đủ sức đề kháng để chiến thắng nó một cách dễ dàng, thì tỷ lệ 20% người phát bệnh cũng là quá lớn, nếu dịch bệnh bùng phát. Với dân số trên dưới 100 triệu người như nước ta, tỷ lệ này là trên dưới 20 triệu người! Đây là một con số khổng lồ, vượt tầm tiếp nhận và cứu chữa của bất kỳ một nền y tế nào trên thế giới.

Để sống chung với COVID-19, trước hết, chúng ta phải tập trung nâng cao sức đề kháng cho 20 triệu người có nguy cơ phát bệnh, mà một trong những giải pháp quan trọng nhất là tiêm chủng. Mặc dù nước ta chưa có một công trình nghiên cứu có thể cung cấp các số liệu và chứng cứ chính xác về việc 20 triệu người sẽ phát bệnh là những loại người nào, nhưng kinh nghiệm của thế giới cho thấy họ thường là những người già trên 60 tuổi và những người có bệnh nền. Như vậy, phải tập trung mọi nỗ lực để tiêm chủng cho các đối tượng này một cách nhanh nhất có thể.

Thứ hai, chúng ta phải tìm cách giảm tải nhanh chóng cho hệ thống y tế để hệ thống này có thể vận hành một cách bình thường. Khi những người già, những người có bệnh nền đã được tiêm chủng đầy đủ, thì các ca phát bệnh sẽ được giảm xuống nhanh chóng, cho dù các ca lây nhiễm có thể vẫn tiếp tục tăng lên. Lúc này, nếu chúng ta lựa chọn giải pháp là để các ca dương tính với COVID-19 nhưng không phát bệnh tự điều trị tại nhà như các nước phương Tây, thì các cơ sở y tế của chúng ta sẽ được giảm tải rất cơ bản. Mà như vậy, thì cơ hội và điều kiện để cứu chữa cho những người phát bệnh và phát bệnh nặng sẽ được mở ra nhiều hơn.

Ngược lại, nếu chúng ta vẫn tiếp tục đưa tất cả các ca phát hiện dương tính hay còn gọi là F0 vào các cơ sở y tế để điều trị, thì các cơ sở này vẫn tiếp tục bị quá tải. Càng tiến hành xét nghiệm nhiều thì các ca dương tính phải đưa vào điều trị sẽ chỉ càng tăng. Và các cơ sở y tế lại càng bị quá tải. Lúc đó, số ca tử vong có thể vẫn tiếp tục tăng cao vì nhiều bệnh nhân sẽ không được cứu chữa kịp thời. Đó là chưa nói tới hệ lụy là ngành y sẽ ít có điều kiện hơn để cứu chữa cho những bệnh nhân bị các loại bệnh khác.

Thứ ba, nếu các ca F0 không triệu chứng có thể tự điều trị tại nhà, thì các ca F1 cũng không cần phải cách ly tập trung. Điều quan trọng là trang bị cho họ kiến thức, thuốc men và khả năng tiếp cận dịch vụ tư vấn để tự cách ly. Cách ly tập trung các F1 không chỉ gây ra những tốn kém vô kể cho Nhà nước, mà còn có thể để xảy ra lây nhiễm chéo. Đó là chưa nói tới việc sức khỏe về thể chất và tâm lý của những người bị cách ly cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề.

Thứ tư, cần phải duy lý tối đa khi đề ra các giải pháp phòng chống dịch. Một phản ứng chính sách cực đoan sẽ rất giống với sốc phản vệ. Những vấn đề mà nó gây ra thường bao giờ cũng lớn hơn rất nhiều so với vấn đề mà nó hướng tới để giải quyết. Điều đó khiến chúng ta phải đối mặt với rủi ro là chưa chết vì dịch bệnh đã chết vì thiếu đói và vì nền kinh tế bị đổ vỡ. Sự duy lý là rất cần thiết không chỉ để chống dịch, mà còn bảo vệ nền kinh tế. Tất cả các nước phương Tây đều thành công trong việc phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm ở họ vẫn ở mức cao. Lý do là vì họ rất duy lý. Các giải pháp phòng chống dịch của họ không bao giờ vượt quá mức cần thiết. Chúng ta cũng chắc chắn phải làm như vậy. Hơn thế nữa, thời gian đã quá chín muồi để chúng ta khởi động việc phục hồi kinh tế.

Với tỷ lệ tiêm chủng đạt mức cao gần 7,9 triệu mũi/10 triệu dân (thông tin ngày 13/9/2021), thì việc TP.HCM vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thi 16 là chưa thật hợp lý. Thực ra, các Chỉ thị phòng chống dịch 15, 16 được ban hành khi chúng ta đang thực hiện mục tiêu zero COVID-19. Hiện nay, mục tiêu đã thay đổi thì chúng ta cũng cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các văn bản này cho hợp lý. Phải bằng cách gì đó, TP.HCM cần nhanh chóng phục hồi kinh tế trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.

Thực ra, phòng chống dịch COVID-19 là một công việc rất mới và rất khó. Chúng ta cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh các giải pháp của mình cho kịp thời. Để làm được điều này, quan trọng là cần phải tổ chức thu thập dự liệu cho đầy đủ, khách quan. Đồng thời, cần tiếp cận nhanh chóng thông tin, dự liệu và tri thức của thế giới trong phòng chống dịch.

Cuối cùng, để sống chung với COVID-19, cần phải trang bị cho người dân sự hiểu biết chính xác, khách quan và khoa học về COVID và cách thức phòng chống nó. Khi và chỉ khi mỗi người dân đều có thể tự bảo vệ mình thì dịch bệnh mới có thể bị đẩy lùi. Ngoài ra, hiểu biết cũng làm gia tăng sức đề kháng. Tâm lý hoảng loạn và tuyệt vọng có thể là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tử vong vì COVID-19 tăng cao./.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng/Theo VOV