Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương đồng chủ trì Hội thảo.
Hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội tham dự Hội thảo.
Hội thảo được đánh giá có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; nghiên cứu, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới; gợi mở các giải pháp đối với tổ chức Hội LHPN Việt Nam chuẩn bị hành trang cho phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hội thảo đã nghe các tham luận về: Một số nhận thức chung về kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Kỷ nguyên mới và sứ mệnh của phụ nữ Việt Nam. Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của phụ nữ, xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam luôn được ghi nhận và khẳng định trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với truyền thống cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất, đảm đang công việc gia đình, gìn giữ mạch nguồn tinh hoa văn hóa dân tộc và thắp sáng ngọn lửa tinh thần yêu nước, tất cả những phẩm chất tốt đẹp đó đã hun đúc lên phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" và được trao truyền, vun đắp qua các thế hệ.
Với hơn 50,1% dân số, 46,8% tỷ trọng lực lượng lao động trung bình của cả nước, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên bằng tài năng, trí tuệ và trách nhiệm, các tầng lớp phụ nữ khẳng định vai trò to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội và đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ cần tiếp tục quan tâm như đói nghèo, biến đổi khí hậu, thay đổi chức năng gia đình; bạo lực gia đình, tội phạm, nhất là tội phạm mua bán người, lây nhiễm HIV/AIDS, các vụ việc xâm hại, bạo lực với phụ nữ, trẻ em….
Bên cạnh đó, tình trạng định kiến, khuôn mẫu giới còn tồn tại, tác động đến cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội. Các vấn đề như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, nguy cơ tụt hậu của một bộ phận không nhỏ lao động nữ khi công nghệ phát triển như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… có ảnh hưởng nhất định đến phụ nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp còn thấp chưa tương xứng với tiềm năng và số lượng lao động nữ cũng như yêu cầu đặt ra trong thời kỳ mới.
Một số ý kiến khẳng định, bình đẳng giới là yếu tố then chốt để đạt được phát triển bền vững trong bối cảnh kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đánh dấu bước chuyển mình của dân tộc. Trong bối cảnh đất nước đang vươn mình phát triển mạnh mẽ, việc thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là yếu tố mang tính chiến lược giúp tăng cường sức mạnh toàn diện, tạo tiền đề vững chắc để đất nước phát triển bền vững và thịnh vượng.
Đồng thời, bình đẳng giới giúp phát huy tối đa nguồn lực con người, tăng cường sự tham gia, đóng góp của con người vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự hòa nhập của phụ nữ và nam giới trong các vị trí lãnh đạo và ra quyết định giúp xây dựng chính sách công bằng và bền vững hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, bình đẳng giới không chỉ là một mục tiêu xã hội mà còn là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong phát triển bền vững.
Đặt vấn đề bình đẳng giới trong bối cảnh hiện đại giúp chúng ta nhận ra rằng bình đẳng giới không phải chỉ là quyền lợi của phụ nữ mà là quyền lợi của tất cả mọi người, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xã hội. Bình đẳng giới thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của tất cả mọi người trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Cùng với đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa then chốt để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía, bao gồm việc tạo điều kiện xây dựng và thực thi các chính sách, cơ chế của các cơ quan, tổ chức, các hoạt động đào tạo và kết nối của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng như sự chủ động và nỗ lực không ngừng từ bản thân mỗi người phụ nữ.
Việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ không chỉ giúp đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà còn tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ, bao trùm và công bằng hơn. Đây là con đường tất yếu để Việt Nam tiến xa hơn trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế để đất nước đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến, những thông tin, kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ tại Hội thảo là nguồn tư liệu quý để Trung ương Hội LHPN Việt Nam nghiên cứu xây dựng các nội dung cho chương trình công tác trong thời gian tới, đặc biệt là chuẩn bị văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ 14 và xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động trong thời gian tới./.
Nguyễn Hoàng