xuân

Phát hiện 112 loài mới, quý hiếm tại Việt Nam

(Chinhphu.vn) – Năm 2023, Việt Nam ghi nhận 112 loài động, thực vật mới được phát hiện, nhiều loài trong số này cực kỳ quý hiếm, đang bị đe doạ tuyệt chủng do các hoạt động của con người.

Phát hiện 112 loài mới, quý hiếm tại Việt Nam- Ảnh 1.

Việt Nam ghi nhận 112 loài động, thực vật mới được phát hiện

Ngày 16/12, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã công bố báo cáo mới liên quan tới điều tra loài tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng năm 2023. Trong đó ghi nhận tổng cộng 234 loài mới tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Riêng tại Việt Nam có 112 loài, với 106 loài đặc hữu.

Báo cáo tập hợp công trình nghiên cứu của hàng trăm nhà khoa học từ các trường đại học, tổ chức bảo tồn và viện nghiên cứu trên khắp thế giới - những người đã phát hiện ra 173 loài thực vật có mạch, 26 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 15 loài cá và ba loài động vật có vú ở Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam. Với 234 loài mới này, tổng số các loài mới được phát hiện tại khu vực kể từ năm 1997 là 3.623 loài.

"Mặc dù mới được các nhà khoa học phát hiện năm ngoái, nhưng những sinh vật này đã tồn tại hàng thiên niên kỷ trong các môi trường sống độc dáo của khu vực", ông Chris Hallam, Quản lý Chương trình các Loài Hoang dã của WW-Châu Á Thái Bình Dương cho biết.

Các loài được phát hiện bằng nhiều cách khác nhau. Một số loài được tìm thấy trong các chuyến khảo sát thực địa, sau đó được lưu giữ tại các bảo tàng lịch sử tự nhiên và vườn bách thảo trong nhiều năm - đôi khi là nhiều thập kỷ - trước khi chúng được phân tích và xác định. Trong khi đó, một số loài khác được phát hiện thông qua hoạt động thương mại, bao gồm nhiều loài phong lan và cá cảnh.

Gernot Vogel, một trong những nhà nghiên cứu tham gia vào các phát hiện được nêu trong báo cáo, nhấn mạnh tầm quan trọng của những khám phá này, ví chúng như "ký ức về sự sống trên hành tinh của chúng ta".

Phát hiện 112 loài mới, quý hiếm tại Việt Nam- Ảnh 2.

Một loài chuột chù chỉ nặng 8gr được phát hiện

Trong đó, một số loài nổi bật được phát hiện, bao gồm: một loài gừng có rễ giống mùi quả xoài; Một loài cá chạch hồng, mới được khoa học mô tả mặc dù chúng rất phổ biến trong ngành thương mại cá cảnh; một loài kỳ nhông cá sấu màu cam sáng, sống ở độ cao từ 1.800m đến 2.300m so với mực nước biển; một loài chuột chù chỉ nặng 8gr - khiến nó lọt vào top 10 loài động vật có vú trên cạn nhẹ nhất trên thế giới; một con nhím lông mềm có răng nanh sắc nhọn.

"Tại Việt Nam, việc bảo vệ những loài mới và môi trường sống của chúng không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức bảo tồn mà còn là trách nhiệm chung để gìn giữ di sản thiên nhiên quốc gia cho các thế hệ mai sau", ông Nguyễn Văn Trí Tín, Quản lý Chương trình Bảo tồn Đa dạng sinh học của WWF-Việt Nam, nhấn mạnh.

Trước đó, Báo cáo Sức sống hành tinh đã chỉ ra đa dạng sinh học tại Tiểu vùng sông Mekong Mở rộng đang đối mặt với áp lực nghiêm trọng do mất và suy thoái sinh cảnh, khai thác quá mức, bao gồm cả nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, các loài xâm lấn và dịch bệnh.

Để ngăn chặn sự suy giảm của các loài hoang dã, cần có sự hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng, chính phủ và các bên liên quan nhằm hiểu rõ hơn về các loài, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn, và giải quyết những mối đe dọa nghiêm trọng như tội phạm liên quan đến động vật hoang dã và khai thác tài nguyên quá mức. 

Thu Cúc

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Ra mắt bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiênRa mắt bảo tàng đa dạng sinh học cấp tỉnh đầu tiên
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Vườn Quốc gia Cúc Phương: Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh họcVườn Quốc gia Cúc Phương: Du lịch sinh thái gắn với bảo tồn đa dạng sinh học