xuân

Khơi thông ‘điểm nghẽn’ chính sách, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên

(Chinhphu.vn) – Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Khơi thông ‘điểm nghẽn’ chính sách, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên- Ảnh 1.

Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: VGP/TC

Sáng 21/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, được Chính phủ xác định là năm tăng tốc, bứt phá, tạo tiền đề, động lực cho năm 2025 để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong năm 2024, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khơi thông các điểm nghẽn về chính sách, bảo đảm quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Trong đó, nổi bật là:

Thứ nhất, thể chế, chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý và thực tiễn phát triển của đất nước. Việc tổ chức thực thi chính sách, pháp luật được toàn Ngành triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Thứ hai, hệ thống các quy hoạch ngành quốc gia được xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phân bổ, bố trí, sử dụng hợp lý không gian và nguồn lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương và cả nước.

Thứ ba, công tác quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, đáp ứng nhu cầu phát triển, làm nền tảng thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thứ tư, công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, có chuyển biến tích cực; các chỉ tiêu về môi trường đã trở thành tiêu chí quan trọng đánh giá hiệu quả, tính bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia và từng địa phương. Các giải pháp về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế toàn hoàn, kinh tế các - bon thấp đã đạt được kết quả bước đầu.

Thứ năm, công tác dự báo khí tượng, thủy văn, dự báo, cảnh báo thiên tai luôn chủ động "đi sớm, đi trước", chất lượng được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các biện pháp phòng, chống, qua đó góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Thứ sáu, công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng cho rằng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác quản lý nhà nước ngành Tài nguyên và Môi trường cũng còn những mặt tồn tại, hạn chế, như: một số thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung; chất lượng triển khai chính sách, pháp luật không đồng đều giữa các địa phương.

Nguồn lực tài nguyên ở nhiều nơi chưa được sử dụng hiệu quả, nhất là tài nguyên đất đai, gây nên tình trạng lãng phí; việc vi phạm pháp luật trong hoạt động khoáng sản còn xảy ra ở nhiều nơi.

Tình trạng ô nhiễm môi trường các lưu vực sông, cụm công nghiệp, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các đô thị chưa được quan tâm khắc phục.

Công tác phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính chưa triệt để; công tác chuyển đổi số trong Ngành chưa đáp ứng với yêu cầu quản trị hiện đại.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hội nghị diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường, khi toàn Ngành đang tập trung thực hiện đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả theo đúng chỉ đạo của Trung ương và của Chính phủ về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.

Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy dân chủ, thẳng thắn trao đổi, thảo luận, làm sâu sắc hơn những kết quả đạt được; phân tích, chỉ rõ các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; cùng chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của Ngành.

Khơi thông ‘điểm nghẽn’ chính sách, sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên- Ảnh 2.

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, hội nghị diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường - Ảnh: VGP/TC

 5 giải pháp đột phá để hoàn thành các mục tiêu năm 2025

Ngành TN&MT đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 với tinh thần: "Mục tiêu, nhiệm vụ nào chưa hoàn thành thì phải hoàn thành; mục tiêu, nhiệm vụ nào đã hoàn thành rồi thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả".

Một số lĩnh vực trọng tâm, Bộ đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể.

Với lĩnh vực đất đai, tổ chức thực hiện "Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026 - 2030 cấp quốc gia". Hoàn thành Chiến lược sử dụng đất cấp quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045. Chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong công tác giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án theo quy định.

Tham mưu tổ chức triển khai có hiệu quả Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, nghiên cứu thí điểm việc quản trị tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và Hệ thống hỗ trợ ra quyết định trên các lưu vực sông. Tăng cường giám sát, chỉ đạo việc vận hành các hồ chứa lớn; khẩn trương nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa theo thời gian thực bảo đảm an toàn công trình hạ du, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước cho các mục đích sử dụng.

Triển khai xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng không khí giai đoạn 2026 - 2031. Tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí.

Trong đó, Bộ tập trung thực hiện 5 giải pháp đột phá quan trọng:

Một là, tập trung thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Hai là, tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật để phát huy nguồn lực về tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Ba là, hoàn thiện và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

Bốn là, tạo sự chuyển biến căn bản về tư duy và hành động đối với công tác bảo vệ môi trường. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các lưu vực sông và ô nhiễm không khí tại các đô thị.

Năm là, tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chuyển đổi xanh nhằm hướng tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế các-bon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. 

Thu Cúc

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023Phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hệ thống thông tin là 'chìa khóa' quản trị tài nguyên đất đaiHệ thống thông tin là 'chìa khóa' quản trị tài nguyên đất đai