xuân

Ô nhiễm khó gỡ nếu không chuyển đổi phương tiện

(Chinhphu.vn) – Xây dựng hệ thống trạm sạc, dịch vụ đồng bộ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch; bảo đảm an toàn cháy nổ; hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng… là những giải pháp được các nhà quản lý, chuyên gia đưa ra tại toạ đàm: Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau.

Ô nhiễm khó gỡ nếu không chuyển đổi phương tiện- Ảnh 1.

35% nguồn ô nhiễm không khí của Hà Nội là từ giao thông

Ngày 21/7, báo Tiền Phong tổ chức toạ đàm Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau. Theo các nhà quản lý và chuyên gia tham gia tọa đàm, việc thúc đẩy chuyển đổi xe xăng sang xe điện là một chủ trương nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí từ một trong những nguồn phát thải lớn nhất là phương tiện giao thông. Tuy nhiên, đây là một chủ trương có tác động rất sâu rộng đến người dân Thủ đô, trước mắt là những người sống và làm việc trong khu vực vành đai 1.

35% nguồn ô nhiễm từ giao thông

Bà Nguyễn Hoàng Ánh - Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong báo cáo của Hà Nội về ô nhiễm không khí thì ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chiếm trên 60%. Tuy nhiên theo nhận định của Bộ thì nguồn ô nhiễm từ giao thông là khoảng 35%, trong đó khí thải phương tiện giao thông chiếm khoảng 12% và bụi hoạt động giao thông là 23%. Đây là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất.

"Đó là những số liệu đã được cân đong, đo đếm từ nhiều nguồn. Tuy nhiên cũng phải khẳng định, để xác định nguyên nhân ô nhiễm chuẩn xác thì phải có hoạt động kiểm kê khí thải. Tuy nhiên, thực tế các nguồn khí thải của chúng ta là nguồn động, linh hoạt, thay đổi liên hoạt; kinh phí kiểm kê chưa có và phương pháp kiểm kê chưa chuẩn. Có thể thấy nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm môi trường là khí thải phương tiện giao thông, đi kèm khí hậu và thời tiết", bà Nguyễn Hoàng Ánh phân tích.

Đồng tình với quan điểm này ông Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cũng cho rằng ô nhiễm khó gỡ nếu không chuyển đổi phương tiện.

Ông Hoàng Dương Tùng cho rằng, việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn song bên cạnh đó cũng có rất nhiều cơ hội. Hà Nội có đủ điều kiện và giải pháp để hiện thực hoá việc chuyển đổi và đi đầu trong công tác chuyển đổi, nhất là khi có lợi thế về Luật Thủ đô. Bởi vậy, Hà Nội phải dẫn đầu, đi trước để làm hình mẫu cho các địa phương khác.

"Để hiện thực hoá chủ trương, việc tuyên truyền là cực kỳ quan trọng để người dân hiểu được vấn đề. Nhiều chính sách người dân chưa nắm được và hiểu sao cho đủ, cho đúng", ông Hoàng Dương Tùng nhận định.

Hướng đến sự an toàn và thuận tiện của người dân

Theo ông Phan Trường Thành - Trưởng Phòng Tài chính đầu tư, Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay số xe máy ở Hà Nội ước lượng 6,9 triệu phương tiện, trong đó khoảng 95% là xe sử dụng xăng. Khi triển khai lộ trình chuyển đổi xe điện trong vành đai 1 sẽ có 9 phường bị tác động trong đó có 6 phường nằm trọn trong vành đai 1.

Theo điều tra sơ bộ, trong vành đai 1 có lượng dân cư ổn định khoảng 600.000 dân, với tổng số xe máy tại chỗ khoảng 450.000 phương tiện. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khảo sát sơ bộ số lượng cố định bên trong vành đai 1, chưa kể nhiều đối tượng đi từ bên ngoài vào vành đai 1. Để thực hiện chuyển đổi, Hà Nội sẽ triển khai theo lộ trình, kế hoạch cụ thể:

Đầu tiên là khảo sát đánh giá, người dân, đối tượng chịu ảnh hưởng. "Chúng ta phải có số liệu đầu vào mới làm được. Hiện đã có chính quyền địa phương 2 cấp, là nơi sâu sát nhất, gần dân nhất, tất cả số liệu điều tra là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Số liệu này cấp bách, cần thiết", ông Phan Trường Thành khẳng định.

Thứ hai, sau khi có số liệu đầu vào, chúng ta cần hoàn thiện thể chế chính sách. Chúng ta đã có Luật Thủ đô, gắn nội dung này với đề án vùng phát thải thấp đã được Hà Nội đưa ra trước đó.

Thứ ba, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Hạ tầng ở đây có 2 nhóm là giao thông vận tải nói chung và giao thông công cộng. Đây là yếu tố cốt lõi.

Thứ tư, xây dựng tiêu chuẩn khí thải cho xe máy và xác định có kiểm định khí thải xe máy hay không.

Đối với câu hỏi về trạm sạc điện khi chuyển hết từ xe xăng sang xe điện, ông Phan Trường Thành chia sẻ, hiện Hà Nội có khoảng 1.000 trụ sạc các loại, trong đó có 3 loại: Trụ sạc cho xe công cộng; trụ sạc cho ô tô; trụ sạc của xe máy, xe đạp điện. Mới đây, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu rà soát, quy hoạch trạm sạc điện rõ ràng. Hà Nội đang rà soát tổng thể các vị trí bến bãi đỗ xe trong vành đai 1 để lắp các trụ sạc. Người dân từ nơi khác đến có thể gửi xe, sạc, di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Đề xuất thêm giải pháp, PGS, TS. Hoàng Anh Lê - Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để thực hiện chuyển đổi hiệu quả, không chỉ cần các chính sách hành chính mà còn phải tính đến những yếu tố kỹ thuật và xã hội, đặc biệt là sự an toàn và thuận tiện trong sử dụng của người dân.

PGS. TS Hoàng Anh Lê đề xuất nên thúc đẩy mô hình đổi pin, trong đó các hãng sản xuất có thể điều chỉnh thiết kế pin sao cho việc thay pin diễn ra nhanh chóng và thuận tiện, tương tự như việc đổ xăng hiện nay.

Cùng với đó, cần tận dụng hệ thống cây xăng hiện hữu - phối hợp với các chủ sở hữu trạm xăng để chuyển đổi công năng thành điểm sạc hoặc đổi pin cho xe điện, góp phần giảm thiểu đầu tư hạ tầng mới và quản lý an toàn tốt hơn. Cuối cùng, cần phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị.

"Nếu người dân hiểu rõ mục tiêu, kế hoạch, và cảm nhận được rằng chính sách là vì họ, thì họ sẽ tự nguyện thay đổi và ủng hộ. Khi đó, vai trò của chính quyền sẽ không còn là quản lý thô cứng nữa mà chuyển sang hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để cộng đồng tự quản lý vấn đề môi trường", PGS.TS Hoàng Anh Lê khẳng định. 

Thu Cúc

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Giải pháp tổng thể cho bài toán ô nhiễm môi trường đô thịGiải pháp tổng thể cho bài toán ô nhiễm môi trường đô thị
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu 5 năm tới chỉ số ô nhiễm không khí ở ngưỡng an toànHà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu 5 năm tới chỉ số ô nhiễm không khí ở ngưỡng an toàn