xuân

Nhận diện thủ đoạn mới của tội phạm ma túy quốc tế hoạt động trên biển

(Chinhphu.vn) - Lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện thủ đoạn mới của tội phạm ma túy quốc tế hoạt động trên biển và đề ra những giải pháp để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, kiểm soát tình hình và đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy trên biển.

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, Đại tá Phan Quang Huy, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm ma túy, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) cho biết, trong thời gian qua, tình hình tội phạm ma túy trên biển vẫn diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Các đối tượng phạm tội về ma túy đã triệt để lợi dụng hoạt động thương mại quốc tế, du lịch để đưa ma tuý từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước khác, từ tỉnh này đến tỉnh khác thông qua các tuyến giao thông đường biển và đường thuỷ nội địa.

Trên mỗi vùng biển nổi lên các đường dây, nhóm đối tượng, tàu thuyển có hoạt động khác nhau. Trên vùng biển phía Bắc và Bắc Miền Trung, có các nhóm đối tượng nước ngoài sử dụng các loại tàu đánh cá để vận chuyển, trung chuyển ma túy đi nước thứ ba. Trên vùng biển Tây Nam, nhất là tại các vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Thái Lan, có các nhóm đối tượng người Campuchia, người Thái Lan cấu kết với các đối tượng trong nước sử dụng các tàu cá cải hoán, tàu dịch vụ hậu cần để vận chuyển ma túy từ Campuchia, Thái Lan về Việt Nam và đưa sâu vào nội địa các tỉnh, thành phố phía Nam tiêu thụ.

Đặc biệt gần đây, thông qua việc đấu tranh, bắt giữ, khám xét các tàu nghi vấn liên quan đến ma túy cho thấy, các đối tượng, đường dây tội phạm ma túy nước ngoài thường thuê người, đóng hàng, giao dịch qua mạng xã hội, sử dụng tàu đánh cá xa bờ, không cắm cờ quốc tịch, không bật định vị AIS, để vận chuyển, giao nhận ma túy ở các tọa độ thống nhất trước trên biển. Việc giao nhận ma túy thường được thực hiện vào ban đêm, nửa đêm về sáng, khi thời tiết xấu.

"Đây có thể đánh giá là thủ đoạn mới của tội phạm ma túy quốc tế hoạt động trên biển", Đại tá Phan Quang Huy cho hay.

Bên cạnh đó, các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy quốc tế tổ chức nhiều chuyến tàu không chở hàng hóa, không đánh cá để kiểm tra việc phát hiện của các cơ quan chức năng, nếu an toàn sẽ triển khai việc vận chuyển ma túy.

Tình trạng người nghiện tham gia mua bán nhỏ lẻ và sử dụng trái phép ma túy tổng hợp diễn ra phức tạp tại địa bàn ven biển các tỉnh, thành phố. Trên thị trường xuất hiện nhiều loại ma túy núp bóng khác như: Nước vui, nước biển, nước xoài, nước nho, bánh cần sa, bánh lười...chứa cần sa, tinh dầu thuốc lá điện tử hoặc một số dạng khác là ma túy tổng hợp núp bóng thảo mộc dạng cỏ Mỹ... gây khó khăn cho công tác đấu tranh, bắt giữ của các lực lượng chức năng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, lực lượng Cảnh sát biển đã bám sát sự chỉ đạo của cấp trên; tổ chức quán triệt, chấp hành nghiêm các chỉ thị, chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên biển; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm các nội dung công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm về ma túy; tích cực tổ chức các hoạt động nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, chủ động trao đổi, chia sẻ với các tổ chức quốc tế, các nước có vùng biển giáp ranh về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Đã tập trung phối hợp đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án, vụ án liên tỉnh, liên tuyến, thu được tang vật với số lượng lớn, qua đó góp phần kiểm soát tình hình tội phạm ma túy và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn trên biển.

Đặc biệt, công tác tuyên tuyền về phòng, chống ma túy được đẩy mạnh tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp, nhất là tại các khu vực âu tàu, bến cảng, trường học với nhiều nội dung và hình thức khá phong phú như: Tuyên truyền trực tiếp, phát tờ rơi, xây dựng các tin, bài, tuyên truyền qua đài phát thanh, trang tin điện tử, pa nô, áp phích, tranh cổ động...

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, công tác kiểm soát các phương tiện tàu thuyền trên biển, nhất là các phương tiện nước ngoài nghi vấn có liên quan đến hoạt động ma túy có những khó khăn, hạn chế nhất định; lực lượng chuyên trách còn mỏng so với địa bàn quản lý; điều kiện thời tiết trên biển phức tạp, không theo quy luật, thường xuyên xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan với sóng to, gió lớn, mưa giông dẫn việc việc tổ chức lực lượng, phương tiện, triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh gặp nhiều khó khăn, gây nguy hiểm và có thời điểm không triển khai được.

Hơn nữa, phương thức thủ đoạn đối phó của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyết, triệt để lợi dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại để thực hiện hành vi phạm tội…

Giám sát chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển trọng điểm

"Các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế kết nối với các đường dây trong nước triệt để lợi dụng tuyến đường biển để buôn bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn, khiến cho tình hình tội phạm ma túy sẽ tiếp tục gia tăng và tiềm ẩn nhiều phức tạp trong thời gian tới. Chúng tôi xác định phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa, kiểm soát tốt tình hình và đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy trên biển", Đại tá Phan Quang Huy nhấn mạnh.

Vì vậy, trong thời gian tới, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy Cảnh sát biển tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển về công tác phòng, chống tội phạm ma túy trên biển. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; Chỉ thị số 36- CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về "Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy"; Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy. Đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các cơ đơn vị thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phòng, chống ma túy trên các vùng biển và địa bàn được giao quản lý.

Bên cạnh đó, tích cực tổ chức các đợt tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật phòng, chống ma túy cho nhân dân, nhất là ngư dân làm ăn, sinh sống trên biển; chú trọng tuyên truyền phòng ngừa về ma túy tổng hợp và các chất hướng thần mới. Đặc biệt, tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân, ngư dân về các quy định Luật Phòng, chống ma túy năm 2021.

Chú trọng xây dựng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phòng, chống ma túy phong phú, sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng. Tiếp tục lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống ma túy trong chương trình công tác dân vận "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân", "Em yêu biển đảo quê hương".

Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, cảnh sát biển sẽ tăng cường công tác trinh sát nắm tình hình; phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và quản lý, giám sát chặt chẽ các phương tiện tàu, thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển trọng điểm (Đông Bắc, Bắc miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nam) và các tuyến vận tải quốc tế (Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc, Nam Mỹ) có điều kiện, khả năng liên quan đến tội phạm về ma tuý.

Triển khai thực hiện tốt, nền nếp công tác nghiệp vụ cơ bản, kế hoạch khảo sát các tuyến, địa bàn, vùng biển trọng điểm, phức tạp; thu thập đầy đủ, kịp thời các thông tin, tài liệu có liên quan đến tội phạm ma tuý; tập trung điều tra, đấu tranh có hiệu quả các chuyên án, vụ án về ma túy trên biển.

Đặc biệt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng và Hải quan thông qua việc triển khai thực hiện các kế hoạch khảo sát, tuần tra, kiểm soát trên biển; trao đổi, chia sẻ các thông tin, giám sát các phương tiện tàu, thuyền, các đối tượng nghi vấn liên quan đến tội phạm ma túy; xác lập các chuyên án đấu tranh, triệt phá các tổ chức, đường dây tội phạm ma túy lớn hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.

Thực hiện tốt các cam kết quốc tế về phòng, chống ma túy, nhất là với các nước có vùng biển tiếp giáp, các nước có ký kết các hiệp định, biên bản ghi nhớ liên quan đến ma túy. Tăng cường các hoạt động trao đổi, chia sẻ thông tin, tuần tra chung với Cảnh sát biển các nước trong khu vực.

"Cần nâng tầm mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng chức năng đấu tranh phòng chống ma tuý trong nước với các cơ quan, tổ chức phòng chống tội phạm ma tuý nước ngoài và các tổ chức quốc tế như: UNODC, DEA… Bởi mỗi lực lượng, cơ quan có một mặt mạnh riêng, khi phối hợp với nhau sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp", Đại tá Phan Quang Huy nói.

Hoàng Giang