![]() |
Kinh tế Anh ‘gặp hạn’… lỗi tại ông Trump? Trong ảnh: Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves đến tham dự cuộc họp nội các hàng tuần ở Phố Downing, London (Anh), ngày 11/3. (Nguồn: Getty Images) |
"Thế giới đã thay đổi và trên toàn cầu, chúng ta đều đang cảm nhận thấy hậu quả", Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves vừa phát biểu, đồng thời tìm cách bác bỏ những lời chỉ trích về cách bà xử lý nền kinh tế.
Thế giới đang cảm nhận được sức nóng từ các mối đe dọa thương mại từ Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông đã áp đặt một số mức thuế đối với các đồng minh và đối tác thương mại và sẽ còn nhiều mức thuế khác vào tháng 4.
Tin liên quan |
![]() |
Ngay cả những lời đe dọa về thuế quan cũng đã có tác động kinh tế ngay lập tức, bằng cách làm giảm lòng tin và thay đổi quá trình ra quyết định của các doanh nghiệp.
Dữ liệu chính thức cho thấy, nền kinh tế Anh đã suy giảm 0,1% vào tháng 1 - tháng mà ông Trump chính thức trở lại nằm quyền lực ở Nhà Trắng.
Văn phòng Thống kê quốc gia Vương quốc Anh cho biết, sự suy yếu này phần lớn là do thời tiết xấu ảnh hưởng đến các ngành sản xuất và xây dựng, mặc dù ngành dịch vụ chiếm tới khoảng 80% nền kinh tế Anh vẫn hoạt động tốt.
Giới quan sát bình luận, chính những thông tin hỗn loạn xung quanh ông Trump đã mang lại "sự bảo vệ hữu ích" cho Bộ trưởng Reeves và chính phủ của bà, bởi vì trên thực tế họ đáng ra phải giải quyết các vấn đề kinh tế của nước Anh từ trước khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng lần thứ hai.
Nhưng tất nhiên, trong những tuần tới, Vương quốc Anh không phải là ngoại lệ của các tác động sâu sắc do những rắc rối thương mại mà người đứng đầu nước Mỹ mang đến. Cho đến nay, Anh có thể đã tránh được đe dọa áp thuế 200% đối với rượu nhập khẩu từ EU, thậm chí là cả các mức thuế quan tiếp theo do không có thặng dư thương mại lớn — nhưng không hoàn toàn miễn nhiễm với động thái bảo hộ của Washington.
Những người chỉ trích cho rằng, bà Reeves phải chịu một phần trách nhiệm cho sự suy thoái kinh tế Anh kể từ khi Đảng Lao động trở lại nắm quyền, vì bà đã chọn các quyết sách kinh tế quá tiêu cực trong khi thực hiện vai trò đứng đầu ngành Tài chính quốc gia - khi quyết định tăng thuế, đặc biệt là thuế đối với các doanh nghiệp.
Sau các số liệu của tháng 1/2025, bà Bộ trưởng Tài Chính hứa hẹn sẽ "xoay chuyển tình trạng kém hiệu quả đã dai dẳng trong nền kinh tế hơn một thập kỷ qua" và rằng, chính phủ sẽ "tiến xa hơn và nhanh hơn" trong việc thúc đẩy các chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng đến nay, bất kỳ kế hoạch nào cũng có khả năng bị gián đoạn phần nào, bởi hành động quyết đoán của Tổng thống Trump.
Tổng thống Mỹ đã quyết đánh thuế 25% vào thép và nhôm của Vương quốc Anh và các đối tác thương mại khác. Ông dường như cũng đang mắc kẹt trong các cuộc chiến thuế quan “ăn miếng, trả miếng” với láng giềng Canada và đồng minh Liên minh châu Âu.
Ông chủ Nhà Trắng cũng đã đe dọa sẽ áp thêm thuế quan từ ngày 2/4 đối với tất cả các đối tác thương mại của Mỹ. Ông Trump cho biết, những biện pháp này sẽ có đi có lại và nhằm mục đích cân bằng thuế quan của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thị trường chứng khoán đang phản ứng tiêu cực với cuộc chiến thương mại của ông Trump. Còn các nhà đầu tư lo ngại rằng, suy thoái kinh tế sẽ theo sau chiến tranh thương mại.
Chỉ số S&P 500 tại New York đã mất giá quá nhiều trong những tuần gần đây, đến mức hiện đang trong vùng điều chỉnh. Trong khi Tổng thống Trump vẫn coi thuế quan là một phương tiện mạnh mẽ để buộc các công ty Mỹ phải có các điều khoản giao dịch tốt hơn hoặc bảo vệ họ khỏi sự cạnh tranh toàn cầu.
Tổng thống Trump đã đe dọa EU bằng mức thuế 200% đối với các sản phẩm có cồn—bao gồm, rượu vang và rượu champagne của Pháp - sau khi khối này trả đũa thuế kim loại của Washington bằng mức thuế 50% đối với rượu whisky của Mỹ.
"Điều này sẽ rất tuyệt đối với các doanh nghiệp rượu vang và rượu champagne tại Mỹ", ông Trump đã viết trên Truth Social khi công bố mức thuế 200% trừ khi EU xóa bỏ mức thuế của mình đối với rượu whisky.
Bộ trưởng Thương mại và kinh doanh Anh Jonathan Reynolds gọi động thái này là "thất vọng" nhưng cho biết, Vương quốc Anh đang thực hiện "một cách tiếp cận thực tế". London đang "nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận kinh tế rộng hơn với Mỹ để loại bỏ các mức thuế quan bổ sung và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Vương quốc Anh và nền kinh tế của chúng tôi", ông Reynolds cho biết.
Nhưng ông cũng không quên cảnh báo rằng, "Chúng tôi sẽ giữ mọi lựa chọn trên bàn và sẽ không ngần ngại phản ứng vì lợi ích quốc gia".
Hậu quả kinh tế của cuộc chiến thương mại này mới chỉ bắt đầu. Nhiều mức thuế quan và nhiều biến động hơn nữa được dự kiến có thể sắp xảy ra, đặc biệt là khi ngày 2/4 đã đến rất gần.
Đây là một viễn cảnh mà Anh có thể không muốn nhắc tới trong bối cảnh các số liệu tăng trưởng kinh tế của Vương quốc Anh vốn rất ảm đạm. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp bắt đầu bán đồng Bảng Anh khi dự đoán rằng Văn phòng trách nhiệm ngân sách (OBR) sẽ hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm nay từ 2% xuống còn khoảng 1%, với những điểm yếu về mặt cấu trúc lâu dài và tranh chấp thương mại với Mỹ.
Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P Global vừa hạ dự báo tăng trưởng của Anh trong năm 2025 từ 1,5% xuống 0,8%. "Giá cả cao và tăng trưởng yếu cho thấy nền kinh tế đã mất một phần khả năng tăng trưởng sau những cú sốc gần đây, như đại dịch Covid-19, Brexit và khủng hoảng năng lượng, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thuộc S&P Global.
Trong khi đó, kể từ khi Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024, Thủ tướng Keir Starmer và bà Reeves luôn thể hiện sự phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng niềm tin của cử tri vào khả năng điều hành kinh tế của chính phủ. Tuy nhiên, công bố ngân sách mùa Xuân do Bộ Tài chính công bố ngày 26/3 vừa qua, với nội dung cắt giảm phúc lợi sâu hơn dự kiến và hạ sâu dự báo tăng trưởng năm 2025, đã làm dấy lên nghi ngờ về sự đồng thuận trong nội bộ lãnh đạo cấp cao của nền kinh tế Anh.