xuân

Giá xăng dầu hôm nay 5/2: Căng thẳng thuế quan 'phủ bóng' thị trường thế giới

Giá xăng dầu hôm nay 5/2, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/2 ở thế trái chiều trong bối cảnh căng thẳng về thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khôi phục chiến dịch “gây sức ép tối đa” lên Iran nhằm mục đích đưa xuất khẩu dầu của Iran về mức 0.

Giá xăng dầu hôm nay 5/2: Căng thẳng thuế quan 'phủ bóng' thị trường thế giới
Giá xăng dầu hôm nay 5/2, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/2 ở thế trái chiều trong bối cảnh căng thẳng về thuế quan giữa Washington và Bắc Kinh. (Nguồn: CNBC)

Giá xăng dầu hôm nay 5/2

Giá dầu WTI giảm 46 cent, tương đương 0,63%, xuống mức 72,7 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 24 cent, tương đương 0,32%, lên mức 76,2 USD/thùng.

Giá dầu chịu áp lực ngay từ đầu phiên khi mức thuế mới 10% Mỹ áp dụng đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 4/2, thúc đẩy Bắc Kinh áp thuế đáp trả. Đáng chú ý là trong phiên, giá dầu WTI có thời điểm giảm tới hơn 3% xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 12-2024.

Theo Reuters, ông Trump đã ký bản ghi nhớ của tổng thống trước thềm cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, lệnh cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ áp dụng “sức ép kinh tế tối đa” đối với Iran, bao gồm các biện pháp trừng phạt và cơ chế thực thi.

Iran, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khai thác khoảng 3,3 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 3% sản lượng toàn cầu.

Nhà phân tích Phil Flynn tại Price Futures Group cho biết: Lý do khiến giá dầu giảm xuống gần mức thấp nhất của phạm vi giao dịch là do sự trả đũa của Trung Quốc, và giá dầu tăng trở lại vì “áp lực tối đa” đối với Iran.

Ngày 3/2, Tổng thống Mỹ đã đồng ý tạm dừng áp thuế cao đối với Mexico và Canada trong 1 tháng để đổi lấy những nhượng bộ về thực thi biên giới và tội phạm.

Căng thẳng thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu về dầu, gây thêm áp lực lên giá dầu.

Kelvin Wong, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: Các biện pháp trả đũa từ Trung Quốc có thể không chỉ dừng lại ở mức thuế 10% đối với dầu thô từ Mỹ, mà còn có thể là nỗ lực cố ý làm suy yếu đồng nhân dân tệ nếu Mỹ đáp trả bằng cách áp thêm thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang nước này.

Theo nhà phân tích Wong, những hành động như vậy có khả năng khiến đồng USD mạnh hơn, từ đó làm suy yếu giá dầu, vì các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vẫn đang trên đà tăng dần nguồn cung dầu từ tháng 4.

Dữ liệu hải quan cho thấy lượng dầu thô Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ năm 2024 chiếm 1,7% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của nước này.

Về tồn kho xăng dầu của Mỹ, Viện Dầu khí cho biết, trong tuần kết thúc vào ngày 24-1, tồn kho dầu tăng 5,025 triệu thùng, tồn kho xăng cũng tăng mạnh tới 5,426 triệu thùng.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 5/2 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 20.391 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 21.002 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 19.246 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 19.439 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 17.502 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 1/2. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước giảm và những ngày qua giảm nhiều hơn tăng nên giá xăng dầu trong nước đã đồng loạt giảm. Giá xăng E5 RON 92 giảm 201 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 140 đồng/lít, dầu diesel giảm 948 đồng/lít, dầu hỏa giảm 671 đồng/lít, dầu mazut giảm 250 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })