Giá heo hơi hôm nay 21/11: Miền Nam bất ngờ tăng, cuộc đại di dời của ngành chăn nuôi để hoàn tất không đơn giản. (Nguồn: Ausfarm) |
Giá heo hơi hôm nay 21/11
*Giá heo hơi miền Bắc:
Giá heo hơi tại khu miền Bắc không đổi trong phiên sáng nay, giữ giao dịch trong khoảng 61.000 - 63.000 đồng/kg.
Trong đó, Ninh Bình và Lào Cai là hai tỉnh có giá 61.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Các địa phương còn lại trong vùng thu mua từ 62.000 - 63.000 đồng/kg.
*Giá heo hơi tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên giảm một giá tại Thừa Thiên Huế, về mức 60.000 đồng/kg.
Hiện tại, giá giao dịch tại các địa phương trong khu vực này hiện không có chênh lệch lớn, dao động từ 60.000 - 61.000 đồng/kg, với mức 61.000 đồng/kg xuất hiện tại các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và Lâm Đồng.
*Giá heo hơi tại khu vực miền Nam
Thị trường miền Nam ngược chiều tăng 1.000 đồng/kg, lên giá 61.000 đồng/kg tại Đồng Nai, Bình Dương và Bạc Liêu; Vĩnh Long và Hậu Giang cùng đạt 62.000 đồng/kg.
Heo hơi phía Nam đang được bán ra trong khoảng 60.000 - 63.000 đồng/kg với duy nhất tỉnh Trà Vinh ghi nhận mức 60.000 đồng/kg.
*Kể từ 1/1/2025, Luật Chăn nuôi mới chính thức có hiệu lực, mở ra một cuộc đại di dời khi hàng chục ngàn cơ sở chăn nuôi trên cả nước có thể phải ngừng hoạt động. Cùng với đó, nhóm doanh nghiệp chăn nuôi heo công nghiệp có cơ hội để bước vào cuộc chiến lớn giành thị phần. Chỉ là, cuộc chiến ấy dành riêng cho những bên đã có sự chuẩn bị kỹ càng.
Thực tế, từ đầu năm 2024, một số tỉnh thành đã đón đầu câu chuyện một cách quyết liệt. Đơn cử, tỉnh Đồng Nai đã đẩy mạnh di dời với số lượng khoảng 3,000 trang trại, trong đó gần 1.6 ngàn cơ sở đã di dời tính đến tháng 7/2024. Tương tự, Hà Nội với gần 2.6 ngàn hộ chăn nuôi nằm trong diện di dời cũng đang phải thực hiện mạnh mẽ, theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Tuy nhiên, để hoàn tất câu chuyện này không đơn giản. Việc bố trí quỹ đất và thủ tục liên quan đến chính sách di dời được đánh giá là khó triển khai vì nhiều vướng mắc trong thủ tục, xa nơi ở của người chăn nuôi. Đặc biệt, nhiều trường hợp chưa thể đi vì nguồn đất không còn. Trong bối cảnh chỉ còn gần 2 tháng trước “giờ G”, nhiều nông hộ đối mặt với rủi ro buộc phải ngừng hoạt động.
Nguồn cung giảm đi dưới tác động của thiên tai, dịch bệnh, cùng khoảng trống thị trường mà nhóm chăn nuôi nhỏ lẻ để lại trong cuộc “đại di dời” cũng tạo ra cơ hội để ngành chăn nuôi heo công nghiệp bứt phá. Các doanh nghiệp chăn nuôi đang bước vào cuộc chiến giành thị phần; tuy nhiên, chỉ dành cho những bên đã có sự chuẩn bị.
Sự chuẩn bị bao gồm nhiều yếu tố, gồm tổng đàn, mô hình chăn nuôi khép kín đảm bảo an toàn sinh học, chuồng trại tuân thủ phát triển bền vững... Nhưng quan trọng hơn cả là phải sở hữu công nghệ đủ để đáp ứng các tiêu chuẩn mới. Trên thị trường, một số cái tên nổi bật trong câu chuyện này có thể kể đến như Dabaco, Greenfeed (CTCP GREENFEED Việt Nam) hay BAF.