Học lái xe, khâu vá online nhờ sóng điện thoại
Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội Viettel khai trương Trạm phát sóng di động YBI0617, tại bản Háng Á, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải. Từ sáng sớm, nhiều bà con tụ tập ngay ngã 3 đầu bản, chờ đợi sự kiện trọng đại này.
Với chiếc smartphone mới tinh, trị giá hơn 3 triệu đồng trên tay, bà Cứ Thị Cu cho biết, mình mua điện thoại này gần 1 tháng- ngay sau khi thấy trạm phát sóng di động YBI0617 sắp sửa được đưa vào sử dụng.
"Trước đây, mỗi lần có phiên chợ, chúng tôi xuống trung tâm xã mới dùng được điện thoại. Cả tuần nay, chúng tôi ngồi tại nhà nhưng vẫn liên lạc được với người thân và bạn bè. Tôi thích xem các clip, đã lập Zalo và có cả Facebook", bà Cứ Thị Cu cho biết.
Giàng Thị Bầu năm nay 20 tuổi nhưng đã có hai con. Bầu mua điện thoại 4 năm nay nhưng chỉ sử dụng mỗi khi xuống trung tâm xã- cách nhà khoảng 15km hoặc chạy ra hai đầu bản để "hứng sóng".
Bầu cho biết, mình thích lên Facebook xem các video ca nhạc. Đặc biệt, Bầu học được rất nhiều mẹo vặt khâu vá nhờ xem thông tin qua điện thoại.
Trong số các bà con đang phấn khởi tìm hiểu, cài đặt điện thoại từ nhà mạng, ông Vàng A Lầu, Bí thư Chi bộ thôn Háng Á thích thú lướt mạng học lý thuyết lái xe ô tô online. Xung quanh ông, một số thanh niên cũng say sưa tìm hiểu.
Ông Vàng A Lầu cho biết, trước đây mình mua quyển sách dạy lý thuyết, đi đâu cũng mang theo khá bất tiện. Nay có sóng điện thoại, chỉ cần mang theo chiếc smartphone, ông có thể học mọi lúc mọi nơi.
"Trước đây, mỗi khi cần liên lạc với ai, chúng tôi phải đi xe máy đến tận nơi. Đường rừng, điện chưa có, việc đi lại thường xuyên như vậy vô cùng nguy hiểm, chưa kể mất quá nhiều thời gian.
Thế nhưng một tuần nay, chỉ cần ngồi ở nhà, chúng tôi có thể gọi cho nhau. Tôi có thể xem các video, tải một số văn bản pháp luật phục vụ công việc. Đặc biệt, nhờ có sóng, tôi tìm được một số đồng nghiệp và người quen cách xa hàng trăm km", ông Lầu nói.
Cũng theo Bí thư Chi bộ thôn Háng Á, anh học lý thuyết lái xe ô tô online vì dự tính mua một xe tải nhỏ vận chuyển vật liệu: "Có đường, có sóng điện thoại, tôi nghĩ mình nên vay mượn để mua chiếc xe nhằm kinh doanh vật liệu xây dựng cho bà con trong thôn, hy vọng cuộc sống sẽ thay đổi nhiều hơn", Vàng A Lầu cho hay.
Theo ông Sùng A Bình, Chủ tịch UBND xã Hồ Bốn, đây là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Bản có 114 hộ dân, 618 nhân khẩu, trong đó 78 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo.
Nơi đây chưa có điện lưới quốc gia, mới có sóng điện thoại Viettel được một tuần. Vì vậy, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, phát triển kinh tế xã hội.
Việc đưa trạm phát sóng di động Háng Á vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang lợi ích kết nối thông tin, kết nối Internet, giúp người dân nâng cao khả năng nhận thức, tiếp cận thông tin, giao thương và học tập, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống nơi đây.
Biến ước mơ của đồng bào thành hiện thực
Trung tá Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Viettel Yên Bái cho biết, dự án Trạm phát sóng tại bản Háng Á có mức đầu tư trên 3 tỷ đồng. Trạm hoạt động độc lập, không cần điện lưới. Trạm phát sóng tại bản Háng Á không chỉ mang ý nghĩa về mặt kỹ thuật mà còn là biểu tượng của ý chí, nỗ lực và trách nhiệm xã hội của Viettel. Trong quá trình triển khai thi công xây dựng trạm, các đơn vị thi công cũng gặp nhiều khó khăn do địa hình đồi núi hiểm trở.
"Từ trung tâm huyện vào đến điểm xây dựng trạm thu phát sóng YBI0617 khoảng 40km đường rừng, đi lại khó khăn. Để xây dựng trạm thu phát sóng này, Viettel phải dùng xe công nông hoặc xe tải nhỏ chở vật liệu đổ cách điểm xây dựng khoảng 1km.
Từ đó, bà con dùng xe máy đưa vật liệu ngược lên đồi. Từ chân đồi, bà con tiếp tục gùi vật liệu lên điểm xây dựng trạm thu phát sóng. Ròng rã 3 tháng, chúng tôi mới xây dựng xong trạm", lãnh đạo Viettel Yên Bái cho biết.
Trạm phát sóng di động tại bản Háng Á đã hoàn thành và đi vào hoạt động, đảm bảo kết nối 2G và 4G cho 114 hộ dân tại thôn Háng Á và các thôn lân cận, mở ra cơ hội tiếp cận Internet cho người dân vùng cao gặp nhiều khó khăn kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đây cũng là trạm phát sóng di động thứ 2 của Viettel đưa sóng đi động đến những thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải sau Trạm phát sóng di động tại xã Chế Tạo.
Trạm phát sóng đưa vào hoạt động mang tinh thần "Nơi nào khó, có Viettel", thể hiện niềm tự hào của các cán bộ, nhân viên Viettel Yên Bái trên mỗi hành trình mang sóng đến với bà con. Với trạm phát sóng này, Viettel không chỉ dừng lại ở việc mang sóng di động đến những vùng khó khăn mà còn cam kết đồng hành lâu dài cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã bày tỏ cảm ơn chân thành tới Tập đoàn Viettel vì đã biến ước mơ của người dân bản Háng Á thành hiện thực để thu hẹp khoảng cách, chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng cao.
"Từ nay, bà con có thể dễ dàng tìm hiểu các kỹ thuật canh tác, trồng trọt, theo dõi thông tin dự báo thời tiết, liên lạc với người thân, qua đó giúp người dân từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống và tự tin vươn lên thoát nghèo", Bí thư tỉnh ủy nói.
Tỉnh Yên Bái luôn xác định phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi là nhiệm vụ quan trọng. Đến nay, tỷ lệ thôn, bản, tổ dân phố được phủ sóng băng rộng di động đã đạt trên 99%, có Internet băng rộng cố định đạt 95%.
Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trên địa bàn tỉnh vẫn còn thôn, bản trắng chưa có điện với trên 3.500 hộ dân chưa được sử dụng điện, 28 thôn bản tại 12 xã, thuộc 4 huyện chưa có sóng di động.
Do vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là giành nguồn lực kéo điện lưới quốc gia và phủ sóng di động, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông theo hướng đồng bộ, từng bước, hiện đại.
HM