xuân

Doanh nghiệp TP.HCM tất bật lo hàng Tết, dồn lực chờ bùng nổ mua bán tháng Chạp

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm được doanh nghiệp TP.HCM chuẩn bị tăng 20-30% với giá không tăng so với năm ngoái; tất cả kỳ vọng sức mua sẽ bùng nổ từ tháng Chạp.

Tại các siêu thị, các chợ trên địa bàn TP.HCM, hàng hóa phục vụ Tết Ất đã rực rỡ trên quầy kệ. Các doanh nghiệp bán lẻ và sản xuất lương thực, thực phẩm đang kỳ vọng sức mua Tết này sẽ tốt lên, mua sắm sẽ bùng nổ ngay đầu tháng Chạp, do năm nay Tết Dương lịch rơi vào giữa tuần, lại sát Tết Nguyên đán.

Doanh nghiệp TP.HCM tất bật lo hàng Tết, dồn lực chờ bùng nổ mua bán tháng Chạp- Ảnh 1.

Hàng Tết Ất Tỵ đã được bày bán từ đầu tháng 12 Dương lịch, nhưng sức mua được dự báo sẽ tăng cao khi bước vào tháng Chạp. (Ảnh: T. Tân)

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực – thực phẩm TP.HCM, cho biết thời điểm này chưa vào vụ mua sắm Tết mà mới là lúc doanh nghiệp chuẩn bị, tập kết hàng hóa. 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn thị trường đã làm việc xong với các nhà sản xuất, đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu sản lượng lớn, trong đó hàng bình ổn chiếm khoảng 40% nhu cầu thị trường.

Riêng Hiệp hội lương thực – thực phẩm TP.HCM cũng đã tăng dự trữ hàng cho Tết lên khoảng 20-30% so với Tết năm ngoái, và cố gắng giữ giá.

Cũng theo bà Lý Kim Chi, giá nguyên vật sản xuất bánh kẹo, nước giải khát, bún, mì, phở khô... đều tăng từ giữa năm, nhưng giá hàng hóa Tết này sẽ chỉ ở mức ngang bằng năm ngoái. Thậm chí nhiều nhóm hàng doanh nghiệp giá giảm để kích cầu tiêu dùng, như nhóm thực phẩm tươi sống: thịt heo, trứng, thịt gà, một số sản phẩm chế biến…

“Tôi đánh giá nhu cầu tiêu dùng năm nay sẽ tốt hơn, mua sắm tăng lên bắt đầu từ đầu tháng Chạp và tăng mạnh từ mùng 10, chứ không phải ảm đạm. Chúng tôi cam kết dù nhu cầu tiêu dùng tới đâu cũng không thiếu hàng, không tăng giá” , bà Chi nói.

Một trong những lý do dự báo sức mua tăng lên, doanh nghiệp cho biết ngoài tiêu dùng đang dần phục hồi, thì năm nay Tết Dương lịch rơi vào giữa tuần, lại sát Tết Nguyên đán nên mua sắm dịp này gần như không có, mà sẽ dồn vào dịp Tết Nguyên đán.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cũng cho biết với tình hình hiện tại, ông dự kiến sức mua bằng hoặc tăng nhẹ so với Tết Giáp Thìn chứ không giảm. Doanh nghiệp đã chuẩn bị lượng trứng và các sản phẩm từ trứng tươi, trứng chế biến cho tiêu dùng Tết. Dự báo sức mua sẽ tăng mạnh khoảng ngày mùng 10 tháng Chạp.

Doanh nghiệp TP.HCM tất bật lo hàng Tết, dồn lực chờ bùng nổ mua bán tháng Chạp- Ảnh 2.

Chỉ riêng trứng gia cầm, Vĩnh Thành Đạt dự kiến cung ứng ra thị trường 2-3 triệu trứng mỗi ngày giai đoạn từ sau mùng 10 tháng Chạp. (Ảnh: H. Linh)

“Lượng hàng mà doanh nghiệp chuẩn bị cho Tết Ất Tỵ dự kiến tăng gấp đôi mức bình thường trong thời gian từ mùng 10 đến 15 tháng Chạp, tức khoảng 2 triệu trứng gia cầm tươi mỗi ngày, và tăng gấp 3 – khoảng 3 triệu trứng mỗi ngày, từ 15 tháng Chạp. Nhu cầu trữ hàng Tết của người dân không như xưa, nhưng mua sắm Tết, lo tươm tất cho Tết là văn hóa. Do vậy, doanh nghiệp luôn chủ động lượng hàng dự trữ cho Tết từ sớm, không để bị động khi nhu cầu thị trường tăng đột biến” , ông Thiện nói.

Bên cạnh đó, ông Thiện cũng cho biết doanh nghiệp còn chuẩn bị sẵn nguồn hàng để bán giảm giá trong 2 ngày sát Tết, năm nay là 28 và 29 tháng Chạp, để công nhân, lao động nghèo nhận lương thưởng trễ có thể mua sắm với giá tốt.

Tại Vissan, ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng Giám đốc công ty, cũng chia sẻ đã chuẩn bị 540 tỷ đồng hàng Tết 2025, con số này tăng 8% so với Tết Giáp Thìn. Trong đó, thực phẩm tươi sống dự kiến gần 930 tấn và khoảng 3.700 tấn thực phẩm chế biến. Doanh nghiệp cũng đang thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu đến 30% để kích thích sức mua, chia sẻ với người tiêu dùng. Vissan dự đoán sức mua tăng khoảng 10%.

Trong khi đó, đại diện Bách Hóa Xanh nhận định khả năng tổng nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết có thể yếu hơn năm trước, do Tết Dương lịch quá gần Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, doanh nghiệp xác định làm hết mình để kích cầu mua sắm, và đã tăng hơn 6.000 nhân viên sẵn sàng cho dịp kinh doanh cuối năm và dịp Tết, đồng thời lên kế hoạch bán xuyên Tết ở những điểm có nhu cầu.

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, cho biết Sở đã phối hợp chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho Tết từ tháng 8/2024 đến nay, đảm bảo nguồn hàng tương đối dồi dào. Nguồn vốn doanh nghiệp dành chuẩn bị cho Tết Ất Tỵ khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó có 8.000 tỷ cho lương thực, thực phẩm. Sở Công Thương cũng đã phối hợp tổ chức 11.000 điểm bán để phục vụ chương trình bình ổn.

Chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường Tết 2025 diễn ra từ 10/12/2024 kéo dài đến 5/1/2025. Điểm đặc biệt của chương trình này là hàng hóa có giá thấp, khuyến mãi đến 60% dành cho người lao động.

Chương trình do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng Công ty MVCPRO tổ chức, tại 7 quận, gồm Quận 4, Quận 10, Quận 11, Phú Nhuận, Quận 8, Quận 3 và Tân Bình. Tại mỗi quận, chương trình sẽ diễn ra trong 3 ngày.

Các ngành hàng phục vụ mùa Tết như bánh kẹo, nước giải khát, nước giặt, sữa tắm, dầu gội, trứng gà, yến sào, mì chay, bánh kẹo, nước uống dinh dưỡng, dầu nhớt xe máy, bếp ga… đều được bán giảm giá lên đến 60%, mua 1 tặng 1, mua là có quà… Sở Công Thương dự kiến chương trình sẽ tiếp cận khoảng 500.000 người, thu hút hơn 100.000 lượt khách tham quan và 50.000 lượt mua hàng.