Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Quyết Tiến khẳng định, chuyển đổi sang kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế di sản đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, địa phương trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và bảo đảm an toàn công bằng về xã hội.
Cùng với việc phát huy các di sản văn hóa địa phương, di sản Vịnh Hạ Long giữ vai trò rất quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, là động lực trong phát triển du lịch gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Bên cạnh đó, với các nỗ lực bảo vệ di sản, các sản phẩm du lịch biển đảo trên Vịnh Hạ Long đã được thành phố xây dựng và phát triển dựa trên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, được khai thác ở tầm quốc gia và quốc tế.
Các đại biểu chủ trì Hội thảo. (Nguồn: BQN) |
"Từ chỗ chỉ đón vài chục nghìn khách tham quan trước khi được công nhận di sản, đến nay mỗi năm Vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách tham quan, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, đưa ngành du lịch-dịch vụ có những bước phát triển nhanh chóng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững", ông Vũ Quyết Tiến nói.
Không chỉ thế, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển mạnh kinh tế di sản, tạo ra sự đột phá cho nền kinh tế, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương, từng bước xây dựng Hạ Long trở thành thành phố của hoa và lễ hội, phát triển hệ sinh thái du lịch Hạ Long trở thành điểm đến hấp dẫn.
Ông Vũ Quyết Tiến, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Hạ Long phát biểu chào mừng và khai mạc hội thảo. (Nguồn: BQN) |
Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long Vũ Thị Mai Anh cho rằng, xu hướng chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, lãnh thổ, địa phương trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và bảo đảm an toàn công bằng về xã hội...
Hội thảo khoa học này nhằm mục đích tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, làm cơ sở quan trọng để thành phố hoạch định chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, đồng thời tham vấn ý kiến gợi mở, phân tích, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để giúp cho thành phố có các giải pháp mang tầm chiến lược để thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản trong các năm tiếp theo.
Để thực hiện thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên mới, bên cạnh những thuận lợi, địa phương này cũng nhận diện còn nhiều khó khăn, thách thức như: Thách thức từ biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; Tác động hiện hữu do thiên tai, biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh làm gia tăng nguy cơ ngập lụt...
PGS.TS. Trần Đình Thiên tham luận với chủ đề: “Hạ Long vươn mình từ kinh nghiệm 30 năm phát triển”. (Nguồn: BQN) |
Do đó, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận thấy, trước những thách thức trong việc bảo tồn, phát triển di sản Vịnh Hạ Long hiện nay rất cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của chính quyền, các cấp, các ngành và người dân trong việc phối hợp quản lý, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị của di sản Vịnh Hạ Long một cách bền vững.
Còn GS.TS. Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia khẳng định: "Trong tầm nhìn và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hạ Long, thành phố nên đặt sự nghiệp phát triển văn hóa, phát huy tiềm năng của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong quan hệ mang tính hệ thống của hàng trăm di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh và Hạ Long cần lấy con người là trung tâm của tất cả các mục tiêu phát triển, văn hóa làm điểm tựa khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương đất nước và khát vọng vươn lên của người Quảng Ninh, Kiên trì với định hướng phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế di sản, gia tăng hàm lượng khoa học, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế độ phát thải, bảo vệ môi trường".
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận với chủ đề: “Định vị thành phố Hạ Long trở thành đô thị di sản trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”; Thảo luận, toạ đàm, tham vấn ý kiến của các đại biểu về chủ đề: “Hạ Long nhìn từ cực tăng trưởng kinh tế đến động lực phát triển vùng, quốc gia và toàn cầu”, “Phát huy giá trị ngoại hạng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long cho thúc đẩy kinh tế di sản”.