Ngày 22/6/2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Ban hành VBQPPL, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016. Ngày 18/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021.
Luật năm 2015 và Luật năm 2020 với nhiều quy định mới mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện các mục tiêu cải cách pháp luật: đổi mới quy trình xây dựng VBQPPL nhằm nâng cao chất lượng văn bản, bổ sung quy trình xây dựng chính sách trước khi soạn thảo VBQPPL; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động xây dựng pháp luật; dân chủ hoá quy trình lập pháp; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng minh bạch và dễ tiếp cận hơn, chú trọng đến việc thi hành pháp luật theo hướng gắn kết giữa hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.
Có thể thấy, sau hơn 08 năm thi hành Luật năm 2015, 03 năm thi hành Luật năm 2020 và các nghị định quy định chi tiết, các bộ, ngành, địa phương tuân thủ và thực hiện tương đối nghiêm quy trình xây dựng, ban hành các VBQPPL.
Theo báo cáo của các bộ, cơ quan ngang bộ, tính từ ngày 01/7/2016 đến ngày 31/12/2023, tổng số văn bản do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền là 7.759 văn bản. Trong đó, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 113 luật, 54 nghị quyết; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành 03 pháp lệnh, 32 nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 983 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 353 quyết định; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành 6.184 thông tư và 37 thông tư liên tịch.
Theo báo cáo của các địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành 90.610 VBQPPL. Trong đó, cấp tỉnh ban hành 32.721 VBQPPL (11.398 nghị quyết, 21.323 quyết định); Cấp huyện ban hành 18.006 VBQPPL (5.148 nghị quyết và 12.858 quyết định); Cấp xã ban hành 39.883 VBQPPL (31.917 nghị quyết và 7.966 quyết định).
Chất lượng VBQPPL do Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trình và ban hành theo thẩm quyền ngày càng được nâng cao, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nhiều văn bản có tính đột phá về thể chế cho phát triển ngành, lĩnh vực, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trên thực tiễn; góp phần trước mắt và lâu dài kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 và hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt các yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng; các quy định ngày càng chặt chẽ, bảo đảm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. VBQPPL do chính quyền địa phương ban hành được soạn thảo, ban hành phù hợp với tình hình thực tế địa phương, tạo ra cơ chế thu hút các nguồn lực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. Công tác kiểm tra, xử lý VBQPPL được thực hiện thường xuyên, kịp thời xử lý văn bản trái pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên đến nay, Luật năm 2015 và Luật năm 2020 đã có nội dung, quy định không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật gắn với việc tăng cường thi hành pháp luật. Ngoài ra, bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế cũng đặt ra những đòi hỏi nhất định đối với việc hoàn thiện pháp luật về ban hành VBQPPL.
Do vậy, việc ban hành Luật Ban hành VBQPPL để quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL và tổ chức thi hành pháp luật thay thế Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL năm 2020 là cần thiết.
Nội dung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào 3 chính sách
Chính sách 1: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đúng đắn, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng pháp luật; bổ sung cụ thể hơn các nguyên tắc trong xây dựng, ban hành và thi hành VBQPPL, bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; giảm hình thức VBQPPL; xác định rõ cơ quan có thẩm quyền ban hành VBQPPL.
Chính sách 2: Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng VBQPPL theo hướng xác định rõ và tăng cường vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong xây dựng pháp luật; bảo đảm quy trình chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, hiệu quả.
Chính sách 3: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tổ chức thi hành VBQPPL, gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng với thi hành VBQPPL; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý VBQPPL trái pháp luật; tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Nước Nước