Trang bị kỹ năng cho tất cả các cấp học
Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ (PCCC, CNCH) vào chương trình giảng dạy, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục.
Mục đích nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên các quy định phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời hình thành và rèn luyện cho học sinh, sinh viên, học viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, viên chức, nhân viên trong các cơ sở giáo dục các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Dự thảo đề ra thời lượng giáo dục kiến thức và kỹ năng về PCCC, CNCH đối với học sinh từ bậc mầm non đến sinh viên đại học, cao đẳng. Đặc biệt, từ lứa tuổi mầm non, trẻ được dạy chủ yếu cách nhận biết nguồn nguy hiểm; một số tai nạn thương tích do nguồn điện, nguồn nhiệt gây ra; cách thoát thân và báo cho người lớn khi xảy ra sự cố cháy, nổ.
Ở bậc tiểu học và THCS, học sinh sẽ tiếp tục được học kỹ hơn về một số nguyên nhân cháy thường gặp, cách thoát hiểm, cách phòng cháy, cách xử lý các đám cháy vừa bùng phát. Với bậc THPT và tương đương, học sinh sẽ được học một số cách kiểm soát an toàn khi chữa cháy; kỹ năng cơ bản tìm kiếm và sơ cứu nạn nhân; sử dụng được các vật dụng chữa cháy.
Riêng với bậc cao đẳng, đại học sẽ được dạy cách kiểm soát an toàn khi chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; cách thoát hiểm từ trên cao, dưới nước, từ phương tiện giao thông. Đặc biệt là nắm bắt cách sử dụng các phương tiện chữa cháy khác nhau, sẵn có tại hiện trường để xử lý ngọn lửa.
Để đảm bảo lượng kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, thoát hiểm được truyền tải tốt đến HSSV, thông tư cũng đề ra các phương pháp giảng dạy lồng ghép với các hoạt động hằng ngày của trẻ (lứa tuổi mầm non). Hoặc lồng ghép trong nội dung các bài của môn học chính khóa, qua các hoạt động trải nghiệm, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống (lứa tuổi tiểu học, THCS, THPT và tương đương).
Đặc biệt, với bậc trung cấp, cao đẳng, đại học sẽ lồng ghép trong các môn học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa; phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức hoạt động đào tạo, thực hành phù hợp với nội dung chương trình đào tạo của các trường.
Đảm bảo an toàn trong hoạt động thực nghiệm
Cho rằng việc ban hành thông tư là cần thiết, TS Vũ Thu Hương – ĐH Sư phạm Hà Nội - nhận định: Trẻ em cần sống trước khi cần học, cho nên chương trình PCCC, CNCH cần học đầu tiên. Nếu chỉ dạy qua chương trình ngoại khóa, chương trình học thêm thì các thầy cô nếu cần thì sẽ dạy, còn nếu không cần hoặc gặp áp lực bởi các bài học khác thì sẽ bỏ qua. Điều này sẽ dẫn đến nguy hiểm.
Bà Đỗ Thị Bảy- Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) cho biết: Trên địa bàn Hà Nội còn nhiều trường học, cơ sở giáo dục không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy. Bởi vậy, việc chủ động phòng ngừa, không chủ quan ngay tại nhà trường là điều cần làm để ngăn chặn các sự cố cháy nổ có thể xảy ra, gây nguy hiểm cho học sinh.
Chương trình PCCC, CNCH được đưa vào chương trình học chính khóa là cần thiết. Đối với bậc học THPT, học sinh sẽ có 15 tiết học mỗi năm, gồm 10 tiết lí thuyết và 5 tiết thực hành. Nhà trường dự kiến sẽ lồng ghép nội dung này trong chuyên đề hướng nghiệp, chuyên đề dưới sân trường hoặc hoạt động ngoại khóa, các chuyên đề CLB cho phù hợp hơn.
Cụ thể, học sinh lớp 10 sẽ được học một số kiến thức cơ bản về PCCC, CNCH. Hướng dẫn sử dụng một số phương tiện chữa cháy ban đầu, thao tác một số nội dung sơ cấp cứu ban đầu (ga rô cầm máu, băng bó vết thương).
Học sinh lớp 11 sẽ được giới thiệu một số chất chữa cháy; hướng dẫn sử dụng một số phương tiện chữa cháy, CNCH ban đầu; một số kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu người bị nạn; khái niệm, mục đích, nguyên tắc của sơ cấp cứu, một số kiến thức sơ cấp cứu: Hô hấp nhân tạo, ga rô cầm máu, băng bó vết thương, sơ cứu người bị bỏng.
Học sinh lớp 12 sẽ được giới thiệu một số văn bản pháp luật quy định về PCCC và CNCH; trách nhiệm PCCC và CNCH; giới thiệu và hướng dẫn sử dụng một số phương tiện chữa cháy, CNCH ban đầu; một số kiến thức sơ cấp cứu như hô hấp nhân tạo, ga rô cầm máu, băng bó vết thương, sơ cứu người bị bỏng.
Bày tỏ sự đồng tình với việc cần trang bị kỹ năng PCCC, CNCH như một kỹ năng sống cho HSSV, ông Phan Huy Chính- Hiệu trưởng trường THPT Vạn Xuân (Hà Nội) cho biết: Việc đưa chương trình PCCC, CNCH lồng ghép vào giảng dạy, hoạt động giáo dục của nhà trường sẽ giúp trang bị cho HSSV kỹ năng mềm về PCCC và thoát hiểm khi gặp các sự cố cháy, nổ xảy ra.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo an toàn khi hướng dẫn, dạy kỹ năng phòng cháy, thoát hiểm cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tai nạn đáng tiếc tại một trường mầm non tại tỉnh Hà Nam khi cô giáo dạy học sinh về PCCC nhưng lại để ngọn lửa cháy bùng khiến 3 trẻ nhập viện là bài học đắt giá khi tổ chức các hoạt động này.
Do đó, nhiều thầy cô giáo đề xuất, khi dạy kỹ năng phòng cháy cho học sinh nhỏ tuổi cấp mầm non và tiểu học, chỉ nên dùng mô hình, thiết bị mô phỏng. Hoặc trong những giờ thực hành dù có hay không ngọn lửa thật, cũng nên phối hợp với công an địa phương cử cán bộ chuyên môn xuống hướng dẫn để đảm bảo an toàn.
Theo Báo Giáo Dục Và Thời Đại