xuân

'Con dao vô hình' của cha mẹ Việt

Nhịp Sống Sài Gòn

(thoibaongaynay.vn) - Cậu bé Ryota người Nhật bị tước đoạt mạng sống bởi chính nhát dao từ người cha của mình. Mâu thuẫn có lẽ đã ươm mầm từ rất lâu khi hai cha con thường xuyên tranh cãi về việc học.

(thoibaongaynay.vn) - Cậu bé Ryota người Nhật bị tước đoạt mạng sống bởi chính nhát dao từ người cha của mình. Mâu thuẫn có lẽ đã ươm mầm từ rất lâu khi hai cha con thường xuyên tranh cãi về việc học.
 
Đỉnh điểm của bi kịch là một nhát dao vào ngực con khi cậu bé lười ôn luyện cho kỳ thi vào trường trung học “top” ở Nhật.
Nhát dao oan nghiệt ấy đã giết chết sinh mạng một con người và treo lơ lửng một án tù lên đầu người cha “cả giận mất khôn”. Bi kịch từ một đất nước xa xôi tưởng như chuyện lạ, sốc, hiếm.
Nhưng có bao giờ bạn nghĩ đến một số cha mẹ Việt vẫn đang lăm lăm “ngọn dao” vô hình trong tay? Căn bệnh cuồng thành tích, sĩ diện hão kia luôn ẩn hiện trong khá nhiều phụ huynh.
Yêu thương con và muốn chu toàn cho con một tương lai vững chắc là nguyện vọng đáng trân quý của bậc cha mẹ. Cuộc sống ổn định mai sau phải được xây dựng từ những “viên gạch” nền móng của sự học hôm nay.
Nhưng đâu phải vì thế mà gò ép con học ngày đêm, nhồi nhét kiến thức từ buổi học chính khóa đến lớp học thêm, học kèm? “Học, học và học”, đó là tất cả cuộc sống của biết bao nhiêu đứa trẻ ngoài kia vẫn đang miệt mài trong guồng quay của áp lực do chính bố mẹ tạo ra.
'Con dao vô hình' của cha mẹ Việt
Cha mẹ vô hình chính là người đã gây sức ép lên những đứa con. Ảnh minh họa.
Tuổi thơ là mảng ký ức lung linh dung dưỡng tâm hồn mỗi người. Vậy mà trang viết ký ức của con trẻ lại là cảm giác mệt nhoài ngồi sau lưng bố mẹ vòng vèo trên các con phố đến lớp học thêm.
Là những công thức, bài văn dài dằng dặc chưa bao giờ có điểm dừng. Là những điểm số đỏ chói và tờ giấy khen lung linh vô tri vô giác… Tuổi thơ bị “bóp nghẹt” chẳng còn vẹn nguyên, tinh khôi mất rồi.
Cuộc chạy đua vào trường điểm, trường “top” ở nước ta cũng rất khốc liệt. Đỗ vào trường có chất lượng là bước đệm đầu tiên và là “tấm vé” bảo đảm cho những thành công tiếp theo.
Mang tâm lý ấy, mỗi mùa tuyển sinh là một mùa nháo nhào lo của phụ huynh và học sinh thì ngày đêm cho kỳ thi tuyển sinh là khoảng thời gian đầy ám ảnh của các sĩ tử. Áp lực từ kiến thức, áp lực từ bố mẹ như một cái gông cùm xiết chặt con trẻ.
Áp lực học hành, thi cử, điểm số, thành tích là một nỗi ám ảnh thật sự mà bố mẹ vô tình dồn ép lên vai con trẻ. Đó là sự nơm nớp lo sợ và tìm mọi cách giấu ghẹm những điểm số không “đẹp”.
Đó là cảm giác run run và hồi hộp, lo lắng mỗi mùa họp phụ huynh diễn ra. Và đó còn là sự bất lực đến tuyệt vọng khi mọi nỗ lực của mình đã không thể làm vừa lòng bố mẹ.
Hẳn là mọi người vẫn chưa quên cái chết đầy ám ảnh của nữ sinh Đ.T.T.T. vào ngày 27/12/2005. Sau cú nhảy sông tìm lối thoát của em, người ta tìm thấy những lá thư tuyệt mệnh và nỗi đau nhức nhối mãi.
Rồi vụ việc em V.N.T.T (học sinh giỏi lớp 11 chuyên Anh, trường THPT chuyên Lê Quí Đôn, Bình Định) tự vẫn như một hồi chuông báo động mãnh liệt nhất về áp lực học hành, thi cử, thành tích…
Hình ảnh người cha Nhật dùng cây dao làm bếp đâm vào ngực con quả là kinh hoàng, đớn đau. Nhưng mong rằng nó sẽ thức tỉnh những cha mẹ Việt đang làm đau con con cái mình một cách vô tình.
 
Theo Mai Lê/Người Lao Động