xuân

Cần thay đổi suy nghĩ giáo dục thường xuyên kém hơn giáo dục phổ thông

Nhịp Sống Sài Gòn

Ngày 24-7, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Trường đại học với việc xây dựng và triển khai mô hình công dân học tập tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động trực tiếp đến lực lượng lao động ở tất cả các lĩnh vực. Nếu không kịp thời nắm bắt và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực theo tiêu chí “Công dân học tập” - là con người với những năng lực và phẩm chất cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số, thì sẽ bị tụt hậu.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, năm 2019, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được 3,79 trên thang điểm 10. Đến nay, lực lượng lao động của Việt Nam là khoảng 55,16 triệu người, chiếm gần 59% dân số, song tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ đạt khoảng 50% tổng lực lượng lao động của cả nước, gần 80% số người lao động từ 15 tuổi trở lên chưa có văn bằng, chứng chỉ đào tạo. Nhiều sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động do thiếu năng lực sử dụng ngoại ngữ, thiếu năng động, sáng tạo và kiến thức thực tế.

Các đại biểu dự hội thảo cũng thống nhất với nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, trong đó có trách nhiệm của các trường đại học, trường nghề.

Ban tổ chức đã nhận được 64 bài viết gửi tham luận. Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những điều kiện cần và đủ để trường đại học xây dựng và triển khai mô hình “Công dân học tập”; về việc đào tạo kỹ năng mềm trong mô hình “Công dân học tập”; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình “Công dân học tập” ở một số địa phương và trên thế giới…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam điểm lại chặng đường thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó có sự đổi mới của giáo dục phổ thông, giáo dục đại học…

Tuy nhiên, sự đổi mới trong giáo dục thường xuyên chưa được mạnh mẽ, cần có sự chỉ đạo tập trung quyết liệt hơn, cần thay đổi suy nghĩ cho rằng giáo dục thường xuyên kém hơn giáo dục phổ thông, giáo dục đại học. Muốn vậy, cần tiếp tục đổi mới giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, phát huy sáng tạo của giáo viên, học sinh, từ đó hình thành thói quen học suốt đời, đồng thời, hệ thống giáo dục thường xuyên phải thay đổi không chỉ là nơi bổ túc văn hóa phổ thông mà còn có thể đáp ứng được nhu cầu cho những người muốn học ở trình độ cao hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và một số trường đại học thực hiện thí điểm cơ chế gắn kết với hệ thống trung tâm giáo dục thường xuyên, học tập cộng đồng tại một số địa phương để thay đổi quan niệm giáo dục thường xuyên là trình độ thấp, chất lượng kém thành chất lượng cao từ bậc phổ thông đến đại học.

Theo HNMO