xuân

Cần có biện pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm

(Chinhphu.vn) - Quá trình khảo sát thực tế cho thấy, các vi chất như: i-ốt, kẽm, sắt, vitamin A vẫn thiếu hụt trong cơ thể người Việt. Tổ chức WHO cũng đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm 26 nước thiếu hụt i-ốt và rất cần biện pháp can thiệp.

Cần có biện pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/HM

Tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm do Bộ Y tế tổ chức ngày 11/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Luật An toàn thực phẩm đã quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, để đảm bảo đầy đủ vi chất dinh dưỡng cho sự phát triển con người.

Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP năm 2016 quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Sau 7 năm thực hiện, trên cơ sở báo cáo kết quả điều tra dinh dưỡng cho thấy, tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng còn cao, nhất là i-ốt, kẽm, sắt, vitamin A.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm 26 nước thiếu hụt i-ốt và rất cần có biện pháp can thiệp trong cộng đồng, đảm bảo người dân Việt Nam không thiếu hụt vi chất này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, để khắc phục tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng theo khuyến cáo của WHO, tại Quyết định 53/2024/QĐ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Y tế nghiên cứu và đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 09/2016/NĐ-CP.

Đến nay, hồ sơ hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này cơ bản đã hoàn thành, đã tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị.

Cần có biện pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm- Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/HM

"Tuy nhiên, Ban soạn thảo vẫn nhận được một số ý kiến của doanh nghiệp kiến nghị theo hướng không bắt buộc đưa chất vi chất dinh dưỡng vào dự thảo. Vì vậy, Bộ Y tế tổ chức hội thảo lần này với mong muốn tiếp thu ý kiến của các chuyên gia trong nước cùng chuyên gia của các tổ chức quốc tế phân tích, làm rõ cơ sở minh chứng khoa học để báo cáo Chính phủ, khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi có đầy đủ cơ sở pháp lý", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh.

Theo TS Loland Kupka, Cố vấn dinh dưỡng khu vực, Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tình trạng thiếu i-ốt, sắt, kẽm… ảnh hưởng nhiều đến sức khoẻ của trẻ em, bà mẹ, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong đó, i-ốt là nguyên nhân gây suy giảm trí tuệ ở trẻ và liên quan đến các nguy cơ sức khỏe khác như thai chết lưu, sảy thai ở phụ nữ. Thiếu sắt khiến thai nhi phát triển kém, thiếu kẽm gây suy yếu sự phát triển và tăng tỷ lệ mắc, nguy cơ mắc tiêu chảy, nhiễm trùng hô hấp cấp tính và tử vong ở trẻ em.

Đề xuất sửa đổi quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm
 15/07/2024 22:08
Bữa ăn hằng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu đến 50% nhu cầu vi chấtCác chuyên gia dinh dưỡng nói gì về bổ sung vi chất cho sữa học đường?Vì sao bổ sung 21 vi chất trong sữa học đường?Quy định hàm lượng 21 vi chất dinh dưỡng trong sữa tươi học đườngHiểu đúng về dinh dưỡng của thực phẩm chế biến sẵnHiểu đúng về dinh dưỡng của thực phẩm chế biến sẵn
 25/07/2024 14:49

TS Loland Kupka cũng cho biết, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia xảy ra tình trạng thiếu i-ốt trong nhóm ưu tiên như phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh sản, trẻ trong độ tuổi đi học. Thống kê cho thấy, mới chỉ có 27% muối ăn sử dụng trong các hộ gia đình tại Việt Nam có sử dụng i-ốt theo khuyến cáo.

"Tại Việt Nam, cần sử dụng toàn bộ công cụ để bổ sung thiếu hụt này bằng việc tăng cường vi chất dinh dưỡng trên diện rộng và quy mô lớn. Chúng tôi khuyến nghị bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào dầu ăn, bột mì và muối, để giải quyết tình trạng thiếu hụt vitamin và khoáng chất hiện đang phổ biến ở Việt Nam", TS Loland Kupka nhấn mạnh.

PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết, sau 7 năm thi hành Nghị định 09/2016/NĐ-CP, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối i-ốt đạt chuẩn đã giảm.

Trong đó, tỷ lệ trẻ em trên cả nước sử dụng i -ốt ở mức nguy cơ dưới khuyến cáo của tổ chức WHO, đặc biệt tỷ lệ này rất thấp ở trẻ em miền núi (không đạt theo khuyến cáo). Tỷ lệ này còn ghi nhận ở nhóm phụ nữ có thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (chỉ đạt gần một nửa) và hộ gia đình chỉ đạt 27%, trong khi khuyến cáo của WHO là 90%.  

Tình trạng thiếu sắt, kẽm, vitamin A, huyết thanh cũng vẫn xảy ra trong cộng đồng, đặc biệt là thiếu các vi chất này ở phụ nữ và trẻ em, đối tượng nhạy cảm và cần được bổ sung nhiều nhất.

Vì vậy, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo mạnh mẽ việc cần tiếp tục thực hiện biện pháp tăng cường i-ốt vào muối để ăn trực tiếp và trong chế biến thực phẩm; tăng cường sắt, kẽm vào bột mì, vitamin A vào dầu ăn, để đảm bảo phòng chống thiếu hụt vi chất dinh dưỡng trong cộng đồng. Đây là biện pháp hiệu quả và bền vững.

TS Trần Anh Dũng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cũng cho biết, một số doanh nghiệp lo ngại tác động về mặt kinh tế khi đưa vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm sẽ làm tăng giá bán, tạo sự canh tranh với những doanh nghiệp không bổ sung vi chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, qua phương pháp điều tra đánh giá tác động về mặt kinh tế, pháp luật cũng như thủ tục hành chính thì phương án bắt buộc tăng cường các vi chất vào muối và bột mì là phương án mang lại nhiều lợi ích hơn phương án khuyến khích, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn giảm nhanh tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng một cách đáng báo động ở nước ta.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước cùng quan điểm và đề xuất giữ nguyên Khoản 1, Điều 6, Nghị định 09//2016/NĐ-CP của Chính phủ về việc bổ sinh vi chất dinh dưỡng vào trong thực phẩm.

HM