xuân

Cần cân nhắc kỹ việc thí điểm xe điện 4 bánh ở TP Hồ Chí Minh vì an toàn cho người dân

(Chinhphu.vn) - Việc cho phép xe điện 4 bánh không đạt tiêu chuẩn an toàn tham gia giao thông trong thành phố là một lỗ hổng nghiêm trọng trong quản lý giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây gây cản trở giao thông đô thị, nguy cơ gây tai nạn và vi phạm pháp luật. Nhiều ý kiến của các chuyên gia và người dân gửi đến Báo điện tử Chính phủ và kiến nghị: Cần xem xét và điều chỉnh ngay, cần cân nhắc kỹ việc thí điểm để bảo vệ tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông. An toàn và tính mạng con ng...

Từ tháng 4 năm nay, TPHCM bắt đầu thí điểm xe điện dưới 14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô. Hiện trong giai đoạn từ quý II năm 2024 đến hết năm 2025, có 70 xe điện loại 5-14 chỗ phục vụ hành khách với thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày.

Việc TPHCM thực hiện thí điểm này xuất phát từ đề xuất của Sở GTVT Thành phố sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện (ắc quy) vận chuyển khách tham quan, du lịch trong nội thành.

Theo đó, Sở GTVT TPHCM đề xuất số lượng phương tiện hoạt động tối đa gồm 200 xe 4 bánh sử dụng năng lượng điện từ 5 chỗ đến 14 chỗ. Vị trí đón, trả khách ngoài phạm vi đường giao thông được thỏa thuận với cơ sở lưu trú du lịch, điểm văn hóa, du lịch.

Sở GTVT TPHCM cho rằng đây là giải pháp để 'làm sống lại' hệ thống vận chuyển hành khách công cộng tại TPHCM, trong bối cảnh hoạt động này bắt đầu có xu hướng giảm mạnh từ năm 2014 (năm 2023, vận chuyển hành khách công cộng tại TPHCM chỉ phục vụ trên dưới 400 triệu lượt hành khách, đáp ứng chưa tới 8% nhu cầu, trong khi tỷ lệ này ở các nước phát triển là khoảng hơn 40%).

Theo Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ GTVT hồi tháng 5/2024, hiện cả nước có 35 địa phương cho phép thí điểm hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế.

Cần cân nhắc kỹ việc thí điểm xe điện 4 bánh ở TP Hồ Chí Minh vì an toàn cho người dân- Ảnh 1.

Xe điện chở khách du lịch ở Hội An bị cháy rụi.

Xe không đủ tiêu chuẩn an toàn, tại sao các địa phương "đua nhau" thí điểm?

Theo tìm hiểu của phóng viên, thực chất, ban đầu xe chở người 4 bánh có gắn động cơ là các xe chạy bằng pin ắc quy chì hoạt động trong phạm vi hạn chế tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch (không tham gia giao thông ngoài đường quốc lộ).

Quy định tại Thông tư 86/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải cũng nói rõ, "xe chở người 4 bánh có gắn động cơ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất 4 bánh xe, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ; chỉ được tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế do UBND tỉnh, thành phố quy định". Như vậy, Thông tư 86/2014 không có hướng dẫn cho phép xe chở người 4 bánh có gắn động cơ kinh doanh vận tải hành khách.

Vận tải hành khách là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP, nay là Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Xe chở người 4 bánh có gắn động cơ không đủ điều kiện kinh doanh, không hiểu vì lý do gì mà các địa phương lại "đua nhau" lập đề án thí điểm và đến nay, có hơn 3.488 xe đăng ký lưu hành dưới danh nghĩa xe buýt, xe du lịch, xe hợp đồng.

Do bị giới hạn về tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, xe chở người 4 bánh gắn động cơ có kết cấu mỏng manh, chỉ được thiết kế với vận tốc lớn nhất không quá 30km/h. Nếu chạy quá 30 km/h thì vi phạm tốc độ, nếu chạy dưới 30km/h thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả xe đi sau…

Vì vậy, khi tham gia lưu thông trên đường phố có lưu lượng phương tiện đông sẽ gây cản trở, xung đột với các phương tiện giao thông khác, khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị trở nên trầm trọng hơn. Nhất là TPHCM là minh chứng điển hình cho việc hạn chế, cản trở giao thông công cộng khi đưa loại xe này vào lưu hành.

Cần cân nhắc kỹ việc thí điểm xe điện 4 bánh ở TP Hồ Chí Minh vì an toàn cho người dân- Ảnh 2.

PGS.TS Phạm Xuân Mai, Ủy viên Hội đồng tư vấn Sở GTVT TPHCM: Việc cho phép xe chở người 4 bánh có gắn động cơ lưu thông trên làn đường hỗn hợp cùng với nhiều loại phương tiện khác là rất nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn rất cao, xem thường tính mạng của người dân, gây cản trở giao thông đô thị...

Việc cho phép xe chở người 4 bánh có gắn động cơ lưu thông trên làn đường hỗn hợp là rất nguy hiểm

Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, Ủy viên Hội đồng tư vấn Sở GTVT TPHCM, việc cho phép xe chở người 4 bánh có gắn động cơ lưu thông trên làn đường hỗn hợp cùng với nhiều loại phương tiện khác là rất nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn rất cao, xem thường tính mạng của người dân, gây cản trở giao thông đô thị...

Tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật xe chở người 4 bánh có gắn động cơ thực hiện theo văn bản số 24 của Bộ GTVT quá lỏng lẻo so với tiêu chuẩn xe ô tô khách thành phố tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN:10:2015/BGTVT, như: Thân xe không được thiết kế cứng vững, thiết kế không chịu được va đập gây mất an toàn khi chạy trên đường giao thông; không được trang bị cửa và cửa không kín…

Đặc biệt, xe sử dụng ắc quy chì. Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, ắc quy chì không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của pin xe điện và tiêu chuẩn an toàn phòng chống cháy nổ (TCVN 12241-1-2018, TCVN 12773, 12774-2020); không có hệ thống kiểm soát nhiệt độ ắc quy, kiểm soát tình trạng ắc quy, nguy cơ mất an toàn dẫn đến cháy nổ cao.

Ngoài ra, vị trí đặt ắc quy dưới vị trí người ngồi sẽ tác động trực tiếp và nhanh chóng đến hành khách trên xe khi cháy nổ; hơi axit trong ắc quy bay lên ảnh hưởng đến sức khỏe hành khách trên xe; tuổi thọ của ắc quy khá thấp, sau một thời gian sử dụng sẽ sinh ra lượng lớn chất thải độc hại môi trường. Động cơ đặt thấp và dây điện kết nối đơn giản, nguy cơ mất an toàn rò rỉ điện khi bị ngập nước; thiết bị sạc xe điện 4 bánh không có chức năng an toàn (ngắt dòng, nguồn khi có sự cố) nguy cơ cháy nổ cao…

Đặc biệt, khi tham gia lưu thông trên các tuyến đường hỗn hợp có ô tô khác, loại xe này dễ bị tổn thương nghiêm trọng trong các tình huống va chạm. Điều này đặt ra nguy cơ lớn cho hành khách, lái xe và cả người đi đường.

Tại TP. Đà Nẵng, đã xảy ra tình trạng xe chở người 4 bánh có gắn động cơ kinh doanh chở khách du lịch đã biến tướng chạy sai tuyến đường quy định, dừng đậu đón trả khách không đúng quy định, thương lượng giá đón trả khách, chèo kéo khách, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách, hoạt động bát nháo, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và môi trường du lịch…

Tại TPHCM, do hiểu không đúng Thông tư 86/2014 nên đã cấp phép cho Công ty TNHH Saigon Public Transport – Saigon PT) sử dụng xe chở người 4 bánh có gắn động cơ kinh doanh chở khách du lịch chạy ra đường phố Sài Gòn dưới hình thức "thí điểm" (tại Quyết định số 367/QĐ-UBND ngày 30/01/2024). Mặt khác, việc cấp phép kinh doanh vận tải hành khách du lịch bằng ô tô không tuân thủ theo quy định, cho tổ chức bán vé lẻ là trái với Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Vậy mà ngày 10/12 mới đây, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TPHCM cho biết đã đề xuất với Sở GTVT Thành phố tiếp tục mở rộng phương án dùng xe điện du lịch hoạt động ở khu vực trung tâm TPHCM, sân bay Tân Sơn Nhất và kết nối với 3 ga ngầm tuyến Metro số 1.

Việc cấp phép cho kinh doanh loại hình xe chở người bốn bánh gắn động cơ tham gia giao thông tràn lan trên đường phố sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như: Xung đột giao thông, ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông…

Phải chăng Thành phố quá coi thường các quy định và coi thường tính mạng của người tham gia giao thông hay có thể thành phố chưa biết các quy định có từ trước đó hoặc quy định có cách hiểu khác để áp dụng?

Về giải pháp, PGS.TS Phạm Xuân Mai cho rằng, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố nên chấm dứt việc thí điểm hoạt động kinh doanh xe chở người 4 bánh gắn động cơ.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cần nhanh chóng ban hành Quy chuẩn thiết kế, đặc biệt chú trọng đến độ an toàn của người và phương tiện khi tham gia giao thông: khung thân xe chịu lực tốt, khả năng chống va chạm, các hệ thống bảo vệ hành khách an toàn…

Ngoài ra, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ cho phép loại xe này hoạt động trong phạm vi hạn chế là các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch, cấm mọi hoạt động trên các tuyến đường giao thông hỗn hợp.

Cần cân nhắc kỹ việc thí điểm xe điện 4 bánh ở TP Hồ Chí Minh vì an toàn cho người dân- Ảnh 3.

Trong điều kiện hạ tầng giao thông còn bất cập, việc cấp phép cho kinh doanh loại hình xe chở người bốn bánh gắn động cơ tham gia giao thông tràn lan trên đường phố sẽ dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như: Xung đột giao thông, ùn tắc giao thông, mất an toàn giao thông…

Cần xây dựng quy chuẩn thiết kế riêng cho xe điện 4 bánh

Theo Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ số 36/2024/QH15, các phương tiện chở khách trong thành phố phải đáp ứng các điều kiện an toàn cho hành khách và người tham gia giao thông khác, phải được kiểm định và chứng nhận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành.

Trong khi đó, Thông tư 86/2014/TT-BGTVT lại cho phép xe điện 4 bánh lưu thông trên làn xe hỗn hợp (mặc dù là khu vực hạn chế). Đặc biệt, mặc dù hoạt động trong phạm vi hạn chế nhưng xe điện lại tham gia giao thông trên các tuyến đường có sự tham gia của các loại phương tiện khác (bao gồm ô tô, xe gắn máy…), như vậy có sự không thống nhất giữa Luật Trật tự, An toàn Giao thông Đường bộ số 36/2024/QH15 và Thông tư 86 bởi xe điện 4 bánh hiện nay không đáp ứng các quy chuẩn bảo vệ an toàn như ô tô buýt thông thường.

Để đảm bảo an toàn giao thông và tránh mâu thuẫn pháp lý, thiết nghĩ cần xây dựng quy chuẩn thiết kế riêng cho xe điện 4 bánh: Yêu cầu khung xe chịu lực tốt hơn, trang bị dây đai an toàn và các hệ thống bảo vệ hành khách cơ bản; Phù hợp với các điều kiện hoạt động trong giao thông đô thị (tốc độ, khả năng chống va chạm…).

Ngoài ra, cần giới hạn phạm vi hoạt động của loại xe này, chỉ được phép hoạt động trong các khu vực hoàn toàn tách biệt (như khu du lịch, resort), tránh tham gia giao thông hỗn hợp với các loại phương tiện khác.

Còn trong trường hợp cần thiết cho phép hoạt động trong phạm vi hạn chế ở thành phố, phải đảm bảo các tuyến đường này được thiết kế an toàn, không có giao cắt phức tạp.

Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cần rà soát lại các thông tư liên quan, đảm bảo phù hợp với Luật Giao thông Đường bộ và các yêu cầu an toàn thực tế.

Việc cho phép xe điện 4 bánh không đạt tiêu chuẩn an toàn tham gia giao thông trong thành phố là một lỗ hổng nghiêm trọng trong quản lý giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn và vi phạm pháp luật. Điều này cần được xem xét và điều chỉnh ngay để bảo vệ tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông./.

Vũ Phong