xuân

Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại

(Chinhphu.vn) - Cho đến nay, đối với văn học nghệ thuật, Hà Nội vẫn còn nguyên sức hút của một thực thể văn hóa sinh động, nó hiện diện trong âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật và cả trong văn chương. Và ở mỗi thời đại, văn chương về Hà Nội sẽ kể về những câu chuyện khác nhau.

Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại- Ảnh 1.

Hình ảnh Hồ Hoàn Kiếm xưa và nay. Ảnh: Báo KTĐT

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo 2024, tọa đàm "Của phố và người-Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại" đã cho thấy sự hiện diện của Hà Nội trong dòng chảy của văn chương đương đại.

Nhà văn Đỗ Phấn cho rằng, đã có rất nhiều đổi thay ở Hà Nội hiện nay từ không gian sống, môi trường sống cho đến nền nếp, cách sinh hoạt của con người. Có những thay đổi nhỏ nhưng cũng có những thay đổi lớn, có những thay đổi có lợi và cũng có nhiều thay đổi không hay, tất cả đều trở thành tiền đề cho những người cầm bút.

Theo nhà văn, tuy Hà Nội thay đổi nhiều nhưng có những thứ không thay đổi, đó là nề nếp, tác phong, cách ứng xử của người Hà Nội. Dù bây giờ, nhiều người Hà Nội cũ đã đi khỏi vùng lõi để sống ở vùng ngoại vi thành phố nhưng tính cách, ứng xử của họ dù nhỏ, dù chỉ như giọt mực nhỏ vào Hồ Tây nhưng lại luôn tồn tại những giọt mực như thế.

Nhà văn Đỗ Phấn nhấn mạnh: "Nó bền bỉ hết năm này đến tháng khác, nó cứ nhỏ vào Hồ Tây như thế và đến một lúc nào đó tính cách ấy sẽ được lan tỏa. Và chúng ta không sợ Hà Nội mất đi đâu cả vì nó vẫn sẽ đọng lại trong mỗi người của chúng ta những tính cách như vậy".

Hà Nội luôn là chủ đề lớn trong văn chương Việt Nam từ những nghiên cứu của Nguyễn Bá Đang, Trần Quốc Vượng, Philippe Papin; những khảo cứu của Doãn Kế Thiện, Nguyễn Văn Uẩn, Chu Thiên, Giang Quân,…; cho đến những truyện ký, tùy bút, tiểu thuyết của Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Thạch Lam, Tô Hoài… Nhưng sự tiếp nối và trình bày những diễn ngôn về Hà Nội có sự thay đổi qua các thế hệ người viết.

PGS. TS Nguyễn Xuân Thạch cho hay, Hà Nội là một thành phố trong số ít thành phố ở Việt Nam có được những tác giả kiên định với nó. Chính vì là một đô thị lâu đời và bền vững, Hà Nội thu hút được sự quan tâm lớn của văn chương và dần dần hình thành nên một yếu tố tích lũy về mặt văn hóa. Và ở mỗi thời đại, văn chương về Hà Nội sẽ kể về những câu chuyện khác nhau.

Cột mốc để đánh dấu văn chương đương đại về Hà Nội là nhà văn Thạch Lam, bởi văn chương của ông cho thấy được ý thức về một đô thị và trong đó chứa đựng những giá trị mà chúng ta sẽ phải tìm lại, ấn định lại trong hiện nay.

Nói về nhận định sự thay đổi là định mệnh của Hà Nội, PGS. TS Phạm Xuân Thạch cho biết, Hà Nội thời mở cửa biến đổi cả về cảnh quan và dân cư. Một dẫn chứng cụ thể là nếu ở những năm 1980, đứng ở trên tầng cao nhất của Cung Thiếu nhi Hà Nội có thể nhìn thấy sông Hồng thì bây giờ là không thể. Học sinh của PGS.TS Phạm Xuân Thạch khi xem bộ phim "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn Trần Văn Thủy có những cảnh quay về Hà Nội xưa lại tưởng rằng, đó là những cảnh quay của nước ngoài. Hà Nội ngày hôm nay đứng trên nóc tòa nhà cao tầng nhìn xuống có thể thấy sự lộn xộn về mặt kiến trúc.

Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại- Ảnh 2.

Một số tác phẩm văn chương viết về Hà Nội. Ảnh: VGP/Diệu Anh

"Hà Nội có những ngôi nhà, công trình khác biệt đứng cạnh nhau và nguyên nhân sự hỗn loạn của Hà Nội là do không quản trị được sự thay đổi của nó, đặc biệt là trong việc quy hoạch và quản lý đô thị", PGS. TS Phạm Xuân Thạch nói.

Tuy nhiên, với một nhà văn chuyên viết về Hà Nội như Trương Quý, anh lại nhìn thấy đầy chất liệu đời sống trong sự lộn xộn, bề bộn của một đô thị đang chuyển mình của thời đổi mới. Bởi Hà Nội cuồn cuộn năng lượng sống, sinh động do dân cư đông đúc. Trong khi đó, có không ít thành phố trên thế giới đang đứng yên bởi tỉ lệ sinh quá thấp, tạo nên một đô thị trầm lắng.

"Hà Nội có thể nhốn nháo, lộn xộn, bề bộn và rất khó có thể nói đây là một thành phố đẹp nhưng đôi khi cái sự lộn xộn lại trở thành nét gợi cảm ở một mặt nào đó, khiến cho nhiều người ở vùng khác đến và thích thú với nó, bên cạnh việc đến đây để lập nghiệp và mưu sinh", nhà văn Nguyễn Trương Quý nhấn mạnh.

Khi phân tích đến danh xưng "người Hà Nội", nhà văn Nguyễn Việt Hà thích cách sử dụng "người ở Hà Nội" hơn, bởi tính chất hội tụ con người bốn phương của mảnh đất Thăng Long. Theo nhà văn "Con giai phố cổ", ngay cả những người ở Hà Nội tới 3 đời cũng rất khó để nhận định đó là người Hà Nội.

Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đôChú trọng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minhThúc đẩy mạnh mẽ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minhXem người Hà Nội xưa gói bánh chưng tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây

Sinh sống nhiều năm trên con phố cổ của Hà Nội, nhà văn Nguyễn Việt Hà nhận thấy lối sống sinh hoạt của người dân vùng lõi đã có sự thay đổi. Điều này có thể do dân cư của khu vực bảo tồn di sản đã thay đổi đáng kể với sự xuất hiện của các cư dân mới. Thị dân cũ dần dịch chuyển về các vùng ven, hoặc tới sinh sống ở các mảnh đất khác nhau trên thế giới và Việt Nam.

Có thể thấy, "Của phố và người - Bóng hình Hà Nội trong dòng chảy văn chương đương đại" đã góp phần kiến giải những vỉa tầng văn hóa Hà Nội trong dòng chảy văn học-nghệ thuật của các tác giả Hà Nội đương đại và giúp khán giả, độc giả có cơ hội tiếp cận với các nhà văn, tác giả tiêu biểu ở những thế hệ có tính tiếp nối và tiếp biến của văn chương về Hà Nội.

Diệu Anh