xuân

Bộ tứ trụ cột chiến lược: Chắp cánh kinh tế tư nhân

Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên phát triển mới, với khát vọng vươn mình, đạt tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, thậm chí kỳ vọng tăng trưởng hai con số.

Bộ tứ trụ cột” đã tạo thành một hệ thống chiến lược thống nhất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. (Nguồn: VGP)
“Bộ tứ trụ cột” tạo thành một hệ thống chiến lược thống nhất, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. (Nguồn: VGP)

Để hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng này, Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành nhiều chủ trương lớn, nổi bật là “bộ tứ trụ cột” gồm Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Giải bài toán khó

Bối cảnh kinh tế thế giới nửa đầu năm 2025 tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, với nhiều yếu tố rủi ro. Các vấn đề này đã gây nên những thách thức chưa từng có tiền lệ cho nền kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực trong năm 2024 và quý I/2025. Dù vậy, đất nước vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức nội tại. Đơn cử như Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để duy trì xuất siêu, trong khi doanh nghiệp trong nước nhập siêu.

Chỉ số PMI sản xuất của Việt Nam giảm mạnh xuống 45,6 điểm trong tháng 4/2025, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Các doanh nghiệp trong nước đang đối mặt nhiều khó khăn, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đạt mức kỷ lục 197.900 năm 2024 (tăng 14,7%) và tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm 2025 (96.500 doanh nghiệp, tăng 12,2%). Điều này cho thấy sức chống chịu và quy mô của khu vực doanh nghiệp còn yếu, đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và chính sách hỗ trợ, tỷ giá.

Bên cạnh đó, với những rủi ro tiềm ẩn từ bên ngoài, Việt Nam đối mặt với nguy cơ mất đơn hàng và thu hẹp dư địa tăng trưởng từ các thị trường lớn. Việc phụ thuộc lớn vào FDI để duy trì xuất siêu và tỷ lệ nội địa hóa còn thấp trong nhiều ngành công nghiệp là những hạn chế cần được giải quyết. Từ thực tế hiện nay, đất nước rất cần các chính sách mới nhằm tái định vị các doanh nghiệp tư nhân trong chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, cần các động lực chính sách để khuyến khích liên kết dọc giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa để chuyển giao công nghệ, lan tỏa kiến thức và hội nhập sâu hơn doanh nghiệp địa phương vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm thiểu “hiệu ứng lấn át” tiêu cực. “Bộ tứ trụ cột” đã góp phần giải bài toán khó đó.

Cụ thể, Nghị quyết 57 ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao và chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn, vật liệu và năng lượng mới. Trong khi đó, Nghị quyết 68 khuyến khích Nhà nước đặt hàng, đấu thầu hoặc chỉ định thầu cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án quốc gia quan trọng và có tầm chiến lược như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, công nghiệp quốc phòng và an ninh.

Tinh thần cải cách xuyên suốt Nghị quyết 66 là chuyển đổi căn bản tư duy xây dựng pháp luật từ “quản lý” sang “phục vụ”, từ bị động sang chủ động, kiến tạo. Phân cấp, phân quyền phải rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế “xin-cho” và lợi ích cục bộ.

Nghị quyết 59 đề ra định hướng lớn: Phát triển kinh tế số, xanh, tuần hoàn, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng KHCN; giữ vững chủ quyền, ổn định, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược; tận dụng hội nhập để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bốn Nghị quyết đã tạo thành một hệ thống chiến lược thống nhất, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Chính sách nhất quán, nuôi dưỡng tư nhân

Các khu công nghiệp được được xem là trụ cột trung tâm của chính sách công nghiệp Việt Nam, có tác động tích cực đến năng suất doanh nghiệp thông qua lan tỏa công nghệ, giảm chi phí giao dịch và cải thiện tiếp cận thị trường. Việc khuyến khích vào hoạt động đổi mới sáng tạo hoặc ứng dụng KHCN, các chính sách mới sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển từ gia công lắp ráp sang các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn như nghiên cứu và phát triển (R&D), thiết kế, tiếp thị, logistics.

Các khuyến nghị chính sách của Nghị quyết 68 kêu gọi chuyển dịch chiến lược thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, tập trung vào các dự án mang lại công nghệ tiên tiến, sản xuất hàng hóa công nghiệp kỹ năng cao và có tiềm năng thay thế nhập khẩu. Trong khi, các giải pháp tại Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 đều tập trung phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ngay trong các khu công nghiệp để cung cấp nguyên vật liệu và linh kiện trung gian cho các doanh nghiệp FDI lớn, từ đó tăng cường liên kết ngược, tăng giá trị gia tăng nội địa trong chuỗi cung ứng.

Song song với đó, “bộ tứ trụ cột” tái khẳng định chính sách nhất quán trong nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân và coi họ là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”. Việt Nam đặt ra mục tiêu cụ thể có hai triệu doanh nghiệp hoạt động (20 doanh nghiệp/nghìn dân), ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Để đạt được mục tiêu như vậy, cần có những lộ trình cụ thể, rõ ràng để áp dụng chính sách khác biệt cho các nhóm doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa hiệu quả.

Doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng trong dẫn dắt sự phát triển của các ngành công nghiệp chiến lược và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các chính sách mới cho phép doanh nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển, được trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và trích tối đa 20% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KHCN. Điều này tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp lớn đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chiến lược.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp xuất khẩu có mức tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (total factor productivity - TFP) lớn hơn đáng kể so với doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ.

Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp này mở rộng quy mô là rất quan trọng. Nghị quyết 68 đã quy định các địa phương phải dành ít nhất 5% quỹ đất sạch trong các khu công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và giảm 30% tiền thuê đất trong năm năm cho các đối tượng này. Các chính sách mới cũng hỗ trợ việc đa dạng hóa kênh huy động vốn và phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp.

Doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, và chi phí tuân cũng rất thủ cao. Do vậy, đây là nhóm có tỷ lệ rút lui khỏi thị trường cao theo các con số thống kê. Vì vậy, Nghị quyết 68 chủ trương bãi bỏ lệ phí môn bài và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu tiên đối với các doanh nghiệp mới thành lập, cùng với miễn tiền thuê nhà xưởng trong ba năm đầu.

Đối với hộ kinh doanh, các chính sách mới đề xuất xóa bỏ hình thức thuế khoán chậm nhất vào năm 2026 và tối giản hóa các quy định về tài chính, kế toán để khuyến khích chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng kênh tín dụng thương mại dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp và các lĩnh vực ưu tiên (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh), với cơ chế hỗ trợ lãi suất và các hình thức bảo đảm linh hoạt. Bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng và tiếp cận công bằng các nguồn lực (vốn, đất đai, công nghệ, nhân lực, dữ liệu) cũng vô cùng quan trọng để các doanh nghiệp siêu nhỏ có thể tồn tại và phát triển.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để bứt phá, nhưng cũng đối mặt nhiều rủi ro từ bối cảnh kinh tế toàn cầu và những hạn chế nội tại. “Bộ tứ trụ cột” đã cung cấp một khung khổ pháp lý và chính sách mạnh mẽ, mang tính đột phá để thúc đẩy KHCN, đổi mới sáng tạo và “chắp cánh” cho khu vực kinh tế tư nhân.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững, việc thực thi các chính sách này cần đồng bộ, quyết liệt và đặc biệt là có sự phân loại trọng tâm, trọng điểm và theo từng nhóm đối tượng doanh nghiệp. Bên cạnh đó là thay đổi các chính sách hỗ trợ xuất khẩu và phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng cường nguồn cung trong nước là yếu tố cốt lõi.

Tin rằng Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, khơi thông tiềm năng của toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân, từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đạt được khát vọng tăng trưởng thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })