xuân

Bộ GD&ĐT và CĐGDVN tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu năm 2020

Nhịp Sống Sài Gòn

Sáng nay (15/11), tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam tổ chức Chương trình tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu năm 2020.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch CĐGD Việt Nam Vũ Minh Đức trao Bằng khen cho thầy Thái Thành Thuận (Trường THCS Tam Bình, Cai Lậy, Tiền Giang).Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch CĐGD Việt Nam Vũ Minh Đức trao Bằng khen cho thầy Thái Thành Thuận (Trường THCS Tam Bình, Cai Lậy, Tiền Giang).

Tham dự Chương trình có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; ông Trần Văn Thuật; Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Chủ tịch Công đoàn GD Việt Nam Vũ Minh Đức; 183 nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên khắp mọi miền đất nước.

Tại Chương trình, Chủ tịch CĐGD Việt Nam Vũ Minh Đức nhấn mạnh: 183 nhà giáo được tôn vinh hôm nay là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu cho sự tận tụy, tâm huyết đối với sự nghiệp giáo dục; đã được lựa chọn, giới thiệu từ 63 tỉnh, thành phố và các đại học, trường đại học, cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Các đại biểu tham dự Chương trình Tôn vinh nhà giáo tiêu biểu 2020.

Trong nhiều năm gần đây, vào dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ GD&ĐT phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức tuyên dương, tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu. Đây là hoạt động nhằm biểu dương, tôn vinh và tri ân các thầy, cô giáo có thành tích xuất sắc trong công tác, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đóng góp rất quan trọng để toàn Ngành hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học; qua đó, tuyên truyền, tạo sức lan tỏa tới toàn ngành và xã hội; động viên đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động tiếp tục rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và khẳng định vị thế, vai trò của nhà giáo. 

Chủ tịch Công đoàn Giaó dục Việt Nam Vũ Minh Đức phát biểu tại lễ Tôn vinh.

Chủ tịch CĐGD Việt Nam cho biết: Ở khối Giáo dục phổ thông, đó là những các thầy cô giáo nhiều năm công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…, vượt qua mọi khó khăn mang con chữ đến với trẻ em các dân tộc, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ gìn biên cương của Tổ quốc. Các thầy cô giáo có thành tích cao trong bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế hay đang miệt mài đổi mới phương pháp, cách thức dạy học phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Chương trình GDPT mới. 

Các nhà giáo tham dự Chương trình Tôn vinh.

Ở khối Giáo dục Đại học, đó là giảng viên, cán bộ khoa học có các công trình nghiên cứu xuất sắc, có nhiều bài báo khoa học giá trị, được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín… hoặc các cán bộ quản lý nhà trường năng động, đang toàn tâm, toàn lực thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động sang cơ chế tự chủ; xây dựng trường học thông minh và phấn đấu đưa các trường đại học Việt Nam có tên trong danh sách những trường đại học tốt nhất ở khu vực, châu lục và trên thế giới.  

“Các hoạt động tôn vinh ngày hôm nay thể hiện sự trân trọng, tri ân của ngành Giáo dục đối với các thầy giáo, cô giáo; Đồng thời tin tưởng các thầy giáo, cô giáo tiếp tục phát huy truyền thống với tinh thần sáng tạo, đổi mới, quyết tâm  khắc phục khó khăn, tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu, xứng đáng với vị thế của những người làm nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”- Chủ tịch CĐGD VN Vũ Minh Đức khẳng định.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của mọi người, mọi nhà

Phát biểu tại Chương trình, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: 2020 là một năm hết sức đặc biệt với đất nước, trong đó có ngành Giáo dục. Dịch bệnh Covid-19, rồi mưa lũ ở miền Trung khiến toàn ngành bị ảnh hưởng nặng nề. Trong điều kiện khó khăn như vậy, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân, sự nỗ lực của các thầy cô giáo, ngành Giáo dục vẫn đạt được những kết quả quan trọng và được ghi nhận.

Giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của mọi người, mọi nhà; kỳ vọng của người dân, của xã hội vào giáo dục luôn rất cao và luôn có những thách thức, áp lực giữa kỳ vọng đó với điều kiện, nguồn lực đang có. Chia sẻ điều này, Bộ trưởng cho rằng, việc có suy nghĩ, hành động tích cực là vô cùng quan trọng.

“Tôi mong rằng, 183 thầy cô ngồi đây sẽ là những người truyền cảm hứng cho các đồng nghiệp của mình. Chúng ta hãy cứ làm tốt với tất cả tâm huyết, trách nhiệm, cùng với suy nghĩ tích cực, sự quyết tâm, kiên định, kiên trì để thực hiện từng bước, thì sự nghiệp đổi mới giáo dục chắc chắn sẽ thành công” – Bộ trưởng chia sẻ.

Cùng với sự kiên trì, niềm tin và suy nghĩ tích cực vào đổi mới, Bộ trưởng cũng gửi gắm đến đội ngũ vai trò quan trọng của tinh thần đoàn kết, cùng nhìn về một hướng. “Muốn nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa phải đi cùng nhau”, Bộ trưởng cho rằng câu nói này rất đúng và càng đúng với Giáo dục, ngành có số lượng đội ngũ vô cùng lớn. “Nội bộ chưa hiểu, chưa thông thì khó mà thuyết minh được với xã hội. Nhân dịp này, tôi mong muốn các thầy cô giáo có mặt tại đây có thể dẫn dắt cho đồng nghiệp của mình; Đồng thời cùng chung tay, góp sức với Bộ GD&ĐT để cùng nhau tin đi được xa hơn, vững hơn, chắc hơn” – Bộ trưởng gửi gắm.

Cũng theo Bộ trưởng, phía trước sẽ còn nhiều khó khăn và áp lực, Bộ trưởng mong muốn 183 thầy cô giáo tiêu biểu, với kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm sẽ hỗ trợ việc dự báo những vấn đề của ngành, đặc biệt vấn đề trong cấp bậc học của mình; cùng huy động tài năng, trí tuệ, kinh nghiệm cho triển khai công cuộc đổi mới giáo dục.

Bộ trưởng tri ân, ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, công sức của các thầy cô giáo tiêu biểu và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cả nước; đồng thời mong muốn các thầy cô tiếp tục vượt qua khó khăn, đóng góp tâm sức, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục.

Cô giáo Lê Si Na – Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị)

Chia sẻ tại buổi lễ, cô giáo Lê Si Na – Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quảng Trị) khẳng định đội ngũ nhà giáo sẽ nỗ lực hơn nữa để xứng đáng với niềm tin và sự giao phó của Nhà nước, nhân dân trong sự nghiệp trồng người

Nhà giáo Lê Si Na bày tỏ đây là một sự kiện hết sức có ý nghĩa trong dịp Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đây là niềm vinh hạnh, tự hào trong cuộc đời dạy học không chỉ của riêng bản thân cô mà của những thầy giáo, cô giáo có mặt trong buổi lễ trang trọng này.

Cô Lê Si Na bày tỏ: Năm 2020 là một năm đầy biến cố của thế giới và của Việt Nam. Đại dịch Covid-19 khiến cho mọi lĩnh vực đời sống xã hội gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có ngành Giáo dục.

Hàng trăm trường học, cơ sở giáo dục phải đóng cửa, hàng nghìn giáo viên mất việc làm; nhiều học sinh, sinh viên phải dừng việc học. Bên cạnh dịch bệnh là thiên tai. Trong những ngày tháng 10 và 11, các tỉnh miền Trung lại đối mặt với 5 trận lũ lụt và 3 cơn bão lớn với những thiệt hại quá đỗi thương tâm về người, về của.

Tại Quảng Trị, người dân và các thầy cô giáo, các em học sinh vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi của thầy giáo Nguyễn Văn Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Avao, huyện Đakrong. Ngày 13/10 trên đường từ đồng bằng trở lại vùng núi cho kịp lễ chào cờ đầu tuần, thầy Hoàng bị lũ dữ cuốn trôi. Không ai ngờ đó là lần cuối cùng đến trường và người thầy ấy đã không còn có thêm một buổi sáng chào cờ nào nữa…

Câu chuyện của thầy Hoàng cũng khiến cô giáo  Lê Si Na nghĩ đến hành trình gian khó của sự nghiệp trồng người. Biết bao nhiêu thầm lặng, cống hiến và hi sinh của các thế hệ thầy giáo, cô giáo hôm qua, hôm nay đã và đang nhọc nhằn “cõng chữ lên non”, đem tri thức đến với con em trên mọi miền Tổ quốc vì ngày mai tươi sáng.

Theo cô Lê Si Na, ở bất kì giai đoạn lịch sử nào, GD&ĐT luôn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc và cả nhân loại.

Hiện nay toàn ngành có hơn một triệu nhà giáo và gần 23 triệu học sinh, sinh viên và người học thì nghề dạy học và các thầy giáo, cô giáo ngày càng được xã hội quan tâm, coi trọng và tôn vinh.

Để những người làm công tác giảng dạy được học tập, được cống hiến và phát triển nghề nghiệp, không thể không kể đến sự quan tâm đầu tư cho Giáo dục của Đảng và Nhà nước; sự chăm lo của các cấp chính quyền và nhân dân, đặc biệt là của lãnh đạo ngành Giáo dục. Mặc dù tình hình kinh tế của đất nước còn nhiều thiếu khó nhưng vẫn có những cơ chế động viên, những quyết sách ưu tiên khuyến khích...

TS Nguyễn Phú Hùng- ĐHKH, ĐH Thái Nguyên

Tham luận tại Chương trình, TS Nguyễn Phú Hùng- ĐHKH, ĐH Thái Nguyên chia sẻ: Sau nhiều năm được Bộ GD& ĐT cử đi học tập nghiên cứu tiến sĩ, sau tiến sĩ ở nước ngoài, bản thân đã cố gắng đem những kiến thức, kinh nghiệm để phát triển hướng nghiên cứu về y sinh phục vụ trực tiếp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo cũng như ứng dụng thực tiễn trong đời sống. TS Hùng cùng đồng nghiệp tập trung vào nghiên cứu về phát triển các thuốc chống ung thư dạ dày cũng như phát triển các bộ sinh phẩm phát hiện một số bệnh liên quan tới di truyền và vô sinh ở người.

Là người làm công tác nghiên cứu, bằng những kiến thức chuyên môn gắn liền với lĩnh vực sức khỏe, TS Hùng cùng nhóm nghiên cứu đã mạnh dạn đề xuất và đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển bộ sinh phẩm phát hiện Virus Sars-CoV-2 gây bệnh Covid-19 bằng Realtime PCR để góp phần vào công cuộc phòng chống dịch bệnh.

TS Hùng chia sẻ: Sau 3 tháng làm việc liên tục, tôi cùng các đồng nghiệp của mình đã rất vui mừng cùng với niềm vui của lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thái Nguyên khi công việc đã đạt được kết quả như mong đợi. Đó là một bộ sinh phẩm phát hiện virus SARS-CoV-2 được kiểm nghiệm bởi Viện kiểm định Quốc gia Vắc xin và sinh phẩm Bộ Y tế có độ nhạy và độ chính xác cao, chi phí sản xuất và thời gian chẩn đoán của bộ kít đã giảm đáng kể so với các bộ sinh phẩm cùng loại.

TS bộc bạch, niềm vui rất lớn của chúng tôi đến từ sự ghi nhận của đồng nghiệp, của lãnh đạo Đại học, lãnh đạo địa phương, xong điều làm chúng tôi hạnh phúc hơn cả là công việc ấy đã thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho những người xung quanh. Thành công ấy thực sự đã khích lệ và làm cho tôi cùng các đồng nghiệp của mình ý thức được sứ mệnh vẻ vang của con đường mình đã chọn. Chúng tôi thêm yêu, thêm tự hào về con đường vinh quang ấy.

Nhân dịp này, 183 thầy, cô giáo và cán bộ quản lý được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen. Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng tặng quà cho các nhà giáo nhân sự kiện trọng đại này.

Dưới đây là một số hình ảnh trao bằng khen cho các giáo viên, cán bộ quản lý GD tiêu biểu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao bằng khen tới nhà giáo tiêu biểu.

 

Tại lễ tôn vinh, Công ty cổ phần Giáo dục -Đào tạo IMAP trao 183 suất học bổng tiếng Anh cho các thầy cô. 

Hãng hàng không Vietjet trao 366 vé máy bay khứ hồi nội địa cho 183 thầy cô.