xuân

Xuất khẩu ngày 22-26/5: Ngành Ngoại giao 'gỡ khó' cho doanh nghiệp gỗ; thủy hải sản tươi sụt giảm, cá đóng hộp bất ngờ 'lên đời'

Ngành Ngoại giao "gỡ khó" cho doanh nghiệp gỗ; sản phẩm thủy sản chủ lực sụt giảm, cá đóng hộp bất ngờ "lên đời"... là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 22-26/5.

Toàn cảnh buổi giao ban Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế. (Ảnh Quang Hòa)
Toàn cảnh buổi giao ban Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế. (Ảnh: Quang Hòa)

Ngành Ngoại giao "gỡ khó" cho doanh nghiệp gỗ

Ngày 22/5, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã chủ trì cuộc họp giao ban giữa Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm đánh giá những thách thức, cơ hội và tác động của các chính sách, quy định mới của các thị trường tới ngành gỗ và lâm sản, đồng thời và trao đổi về các giải pháp nhằm hỗ trợ ngành gỗ và lâm sản thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Theo ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ đang trong bối cảnh hết sức khó khăn. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm trong 4 tháng đầu năm 2023 sang các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Australia đều giảm mạnh từ 1,5% - 39,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, đối với thị trường châu Âu (EU) đã giảm tới 60%, các đơn hàng mới hiện rất ít, mặt dù hiện đang là mùa hàng của EU. Trước các diễn biến xấu đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đề xuất tập trung vào 3 thị trường chính là Bắc Mỹ; Anh và châu Âu (EU); thị trường Đông Bắc Á.

Không chỉ suy giảm về kim ngạch xuất khẩu, mà hiện ngành gỗ đang đối diện với 2 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan tới mặt hàng gỗ dán và tủ bếp do Mỹ khởi xướng điều tra, vụ việc đã kéo dài quá lâu.

"Vụ việc điều tra mặt hàng gỗ dán đã gia hạn ra quyết định tới lần thứ 7, và đã kéo dài 3 năm, tác động nghiêm trọng tới các doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, các nhà mua hàng Mỹ chuyển dịch sang mua hàng tại các thị trường khác. Do đó, cần có sự can thiệp, vận động hành lang để giải quyết các vụ kiện một cách công bằng", ông Đỗ Xuân Lập kiến nghị.

Lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng đối với ngành gỗ, tranh chấp thương mại xảy ra chủ yếu liên quan đến lẩn tránh xuất xứ - chuyển khẩu. Vì vậy, Chính phủ, Bộ Ngoại giao có giải pháp cụ thể để ngăn chặn xu thế sẽ bị khởi kiện khi có sự dịch chuyển của chuỗi cung về Việt Nam đối với các sản phẩm đã bị áp thuế chống trợ cấp, chống bán phá giá. Đồng thời, kiểm soát việc lẩn tránh xuất xứ, hạn chế các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào sản xuất các sản phẩm đã bị áp thuế chống bán phá giá.

Các doanh nghiệp ngành gỗ đề nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chuyển tải tới các đối tác quốc tế thông điệp về các nỗ lực, cam kết của Việt Nam trong việc bảo đảm nguồn gốc xuất xứ và sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường của các thị trường, góp phần phát triển ngành công nghiệp gỗ bền vững

Cùng với đó, cập nhật thông tin thị trường, cảnh báo thay đổi chính sách có tác động trực tiếp đến ngành gỗ và tham mưu biện pháp ứng xử phù hợp; vận động các nước giải quyết các vụ việc điều tra, phòng vệ thương mại công bằng đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp cung cấp cho các cơ quan đại diện những thông tin chuyên ngành, các hội chợ quy mô về gỗ để kết nối doanh nghiệp quốc tế.

Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực, nhạy bén trong hỗ trợ ngành gỗ mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường tiềm năng và còn dư địa như Ấn Độ, Đông Âu, Trung Đông; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả phòng ngừa, tận dụng quan hệ chính trị - ngoại giao để hỗ trợ giải quyết thỏa đáng các tranh chấp và phòng vệ thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tổ chức các cuộc họp giao ban ngoại giao kinh tế với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác thông tin hai chiều và kịp thời hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn của các ngành, lĩnh vực trọng điểm, triển khai hiệu quả Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030 và Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW.

Sản phẩm thủy sản chủ lực sụt giảm, cá đóng hộp bất ngờ "lên đời"

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường chủ lực tiếp tục giảm sâu trong tháng 4/2023 đã phản ánh sự tác động của lạm phát và suy giảm kinh tế ở các nước với nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ thủy sản.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 4/2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh nhất, 53%, sang EU giảm 40%, Trung Quốc giảm 40%, Hàn Quốc giảm 30% và Nhật Bản giảm 15%. Chỉ có một số ít thị trường có tín hiệu tốt trong tháng 4. Trong đó, xuất khẩu sang Anh tăng nhẹ 1%, sang Nga tăng 25%, Israel tăng 21%, Brazil tăng 5%, đặc biệt sang Saudi Arabia tăng 67%.

VASEP đánh giá, các mặt hàng xuất khẩu chính vẫn trong tình trạng tăng trưởng âm trong tháng 4, trong đó xuất khẩu cá tra giảm mạnh nhất, âm 52%, tôm sụt giảm 35%, cá ngừ giảm 38% và mực bạch tuộc giảm 11%.

Các sản phẩm từ cá biển khác có xu hướng khả quan hơn vì chỉ giảm nhẹ 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu thủy sản sụt giảm thì sản phẩm cá khô, cá đóng hộp trở thành điểm sáng và ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ.

Số liệu từ VASEP cho thấy, riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá biển khô các loại tăng 65% đạt gần 26 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản phẩm này đã thu về gần 78 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai loại cá khô Việt Nam được ưa chuộng nhất hiện nay là cá cơm và cá chỉ vàng. Trong đó, cá cơm chiếm 66%, cá chỉ vàng chiếm 14%.

5 thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá khô của Việt Nam là Trung Quốc chiếm 56%, Nga chiếm 17%, Malaysia chiếm 8%, Hong Kong (Trung Quốc) chiếm 4% và Hàn Quốc chiếm 3%. Kết quả 4 tháng đầu năm nay cho thấy, chỉ có Malaysia giảm nhu cầu cá khô Việt Nam, 4 thị trường còn lại đều tăng nhập khẩu, trong đó Trung Quốc tăng tới 72%, Hong Kong (Trung Quốc) tăng 59%.

Ngoài ra nhiều thị trường khác cũng tăng nhập khẩu cá khô của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm: cụ thể Đài Loan (Trung Quốc) tăng 45%, Romania tăng 90%, Australia tăng 10%, Lithuana tăng 61%.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, diễn biến xuất khẩu sản phẩm cá khô của Việt Nam đã cho thấy, rõ ràng là trong môi trường lạm phát, người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, khi mà giá cả chi phối hành vi mua bán của họ.

Theo đó, sản phẩm tươi/sống đang dần dần bị thay thế bằng hàng khô và đóng hộp. Do vậy, các nhà cung cấp thủy sản bây giờ ngoài áp lực phải điều chỉnh giá sao cho hấp dẫn thì còn phải quan tâm đến gia tăng dịch vụ cho sản phẩm để kích thích nhu cầu. Ví dụ, với sản phẩm cá, nhiều nhà phân phối trên thế giới đang chú trọng cung cấp cá đã cắt khúc, ướp sẵn gia vị, chế biến ăn liền hoặc đóng gói sẵn kèm gia vị và hướng dẫn chế biến…

Thêm 47 mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp phép

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, Cục đã nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) thông báo kết quả xét duyệt hồ sơ khắc phục của các mã số vùng trồng, cơ sở sầu riêng không đạt ở lần kiểm tra trực tuyến tháng 1/2023.

Xuất khẩu ngày 22-26/5: Ngành Ngoại giao 'gỡ khó' cho doanh nghiệp gỗ; thủy hải sản tươi sụt giảm, cá đóng hộp bất ngờ 'lên đời'
Đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường Trung Quốc. (Nguồn: Báo Hải quan)

Kết quả có 47/51 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số. Hồ sơ khắc phục của 4 vùng trồng chưa đạt yêu cầu là do hồ sơ gửi chưa đủ thông tin, hình ảnh không rõ nét nên phía bạn không đánh giá được sự cải thiện, tải tiến.

Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính thức sang thị trường này.

Hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đang làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thống nhất lịch kiểm tra trực tuyến đợt tiếp theo cho khoảng 400 vùng trồng và 60 cơ sở đóng gói sầu riêng đã gửi cho phía bạn.

Sau khi thống nhất được lịch trình và nội dung kiểm tra, Cục sẽ thông báo cho các địa phương để chủ động chuẩn bị, phối hợp với Cục và Tổng cục Hải quan Trung Quốc triển khai theo kế hoạch của phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

');$('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst'));})