xuân

Việt Nam và "bài toán" nguồn vốn trung dài hạn lên đến hàng trăm tỷ USD: Chuyên gia chỉ ra những “điểm huyệt” then chốt thu hút NĐT ngoại

Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đại diện Bamboo Capital nói.

“Thị trường vốn Việt Nam phát triển và thu hút vốn ngoại, song thách thức đi cùng lớn nhất hiện nay cũng là niềm tin”, chia sẻ đáng chú ý tại Hội nghị thường niên năm 2024 của Hiệp hội các tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Châu Á (Association of Credit Rading Agencies in Asia – ACRAA). Đây là hội nghị có tính luân phiên, trong năm 2023 đã tổ chức tại Thái Lan và năm 2024 là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam với sự tham gia của đại diện nhiều quốc gia. Trong đó, Saigon Ratings cũng là thành viên đầu tiên từ Việt Nam của ACRAA.

Chia sẻ về Việt Nam, ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings cho biết: “ Việt Nam hôm nay đang đứng trước một giai đoạn mới để phát triển kinh tế, đi cùng sự phát triển của thị trường vốn. Về vĩ mô, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu trong giai đoạn 2026-2023 là tăng trưởng GDP bình quân 7,5–8,5%, GDP bình quân đầu người đạt 7.400–7.600 USD.

Mục tiêu năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Quy mô nền kinh tế đạt khoảng 780–800 tỷ USD và trở thành quốc gia trong nhóm 30 nền kinh tế có quy mô GDP lớn hàng đầu thế giới ”.

Để thực hiện mục tiêu này, nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển trung và dài hạn của nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam là rất lớn, ông Minh khẳng định.

Đơn cử, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chỉ đạo triển khai các dự án trọng điểm quốc gia đầu tư mới và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông như: Cao tốc Bắc – Nam (hơn 2000km); sân bay quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), công suất 100 triệu hành khách/năm; cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Tp.HCM) và cảng quốc tế Liên Chiểu (Đà Nẵng). Đặc biệt, Quốc Hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam tốc độ cao theo thiết kế 350 km/h, điện khí hóa và tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD.

Đối với nguồn vốn để thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông, cảng biển, nhà máy điện hạt nhân, công nghệ cao… Chính phủ xác định phải huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, hạn chế vay nước ngoài.

3 mấu chốt để khôi phục và gia tăng niềm tin trên thị trường vốn, đặc biệt là trái phiếu

Để huy động vốn được cho nhu cầu trên, việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư cần nhiều giải pháp. Theo ông Phùng Xuân Minh, hiện Việt Nam cũng đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển thị trường vốn gồm cả thị trường chứng khoán lẫn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên do những vấn đề của giai đoạn vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng đã gặp khủng hoảng. Vì vậy, vực lại và củng cố niềm tin của nhà đầu tư là "chìa khóa" then chốt để thị trường trái phiếu đáp ứng được nhu cầu vốn lớn của nền kinh tế, là kênh vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp.

Việt Nam và "bài toán" nguồn vốn trung dài hạn lên đến hàng trăm tỷ USD: Chuyên gia chỉ ra những “điểm huyệt” then chốt thu hút NĐT ngoại- Ảnh 1.

Ảnh: ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch Saigon Ratings.

Vị này cũng chỉ ra 3 vấn đề lấy lại niềm tin nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu, bao gồm:

+ Thứ nhất là việc cơ quan quản lý xử lý các vụ việc tiêu cực đang dần lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

+ Thứ hai, niềm tin này còn phục thuộc lớn vào tổ chức phát hành, phải có phương án kinh doanh, hiệu quả trong công tác quản lý, quản trị, bằng mọi cách giữ chữ tín, trả nợ đầy đủ và đúng hạn theo cam kết.

+ Thứ ba, các đơn vị tư vấn cần hướng dẫn, tư vấn rõ cho nhà đầu tư hiểu về khẩu vị rủi ro, bởi mỗi trái phiếu sẽ mức độ rủi ro cũng như sinh lời khác nhau.

Ở diễn biến khác, yếu tố phát triển bền vững, không chỉ quan tâm lợi nhuận mà phải quan tâm đến tác động môi trường, xã hội cũng đang là một trong những tiêu chí quan trọng khi gọi vốn.

Dưới góc nhìn của bên kết nối đầu tư, ông Vũ Quang Thịnh - Giám đốc điều hành, Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital, nhấn mạnh trên thế giới các nhà đầu tư họ đang quan tâm nhiều hơn vào việc đầu tư có trách nhiệm. Theo một nghiên cứu, quy mô thị trường kinh doanh có trách nhiệm hiện vào mức hàng trăm ngàn tỷ USD – gấp hàng trăm lần GDP Việt Nam. Thế giới cũng chứng kiến nhóm các nhà đầu tư trách nhiệm gia tăng mạnh.

Bổ sung, Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC – ông Trịnh Hoài Giang – cho rằng đúng là các nhà đầu tư ngày nay thay vì quan tâm nhiều về tài chính, thì họ quan tâm nhiều hơn về mặt phi tài chính. “Chủ doanh nghiệp phải có cái nhìn toàn diện nhiều khía cạnh, không chỉ lợi nhuận, lợi ích cho cổ đông mà phải bao gồm cả tác động đến môi trường, tác động xã hội…. ”, ông Giang nhấn mạnh.

Doanh nghiệp chủ động “có trách nhiệm”

Việt Nam và "bài toán" nguồn vốn trung dài hạn lên đến hàng trăm tỷ USD: Chuyên gia chỉ ra những “điểm huyệt” then chốt thu hút NĐT ngoại- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tùng Lâm – Tổng giám đốc BCG.

Trên vai trò một DNNY, trong trao đổi với ông Vinnie Lauria – Founding Partner của Golden Gate Ventures và ông Sam Van – Managing Partner của SRO Partners, đại diện Tập đoàn Bamboo Capital (mã chứng khoán BCG) cũng nhấn mạnh yếu tố bền vững để ghi điểm trong mắt nhà đầu tư ngoại.

Ông Nguyễn Tùng Lâm – Tổng giám đốc BCG – cho biết: “ Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trên toàn cầu trong suốt 20 năm qua nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và sự phong phú trong lựa chọn nguồn vốn. Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, hướng tới sự phát triển bền vững, vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu để tạo nên sự hợp tác hiệu quả ”.

Vị này nói thêm, về xu hướng toàn cầu, yếu tố ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đang ngày càng trở nên quan trọng, ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư. Do đó, BCG đã và đang ưu tiên phát triển danh mục điện mặt trời, điện gió và điện rác. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các sáng kiến năng lượng mang tính đột phá trong khu vực Đông Nam Á.

“Việt Nam, với vị trí chiến lược, vừa có văn hóa tương đồng với Đông Nam Á và Đông Á, có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất năng lượng gió ngoài khơi, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể cung ứng điện cho Singapore – quốc gia đang tìm kiếm sự đa dạng hóa nguồn năng lượng ”, đại diện BCG nói.

Ở nhóm xuất khẩu, báo cáo mới nhất của Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM (Hawa) cho thấy các DN trong ngành đã chủ động giảm phát thải tại các nơi sản xuất, nhà máy. Từ kinh nghiệm kiểm kê khí nhà kính cho các DN ngành gỗ, bà Nguyễn Thị Truyền - Chuyên gia cao cấp Tổ chức lao động quốc tế (ILO) - chỉ ra rằng, có tới 90% lượng phát thải tại DN đến từ tiêu thụ điện năng và 10% đến từ phát thải trực tiếp. Như vậy, tối ưu hóa năng lượng chính là dư địa để cắt giảm khí nhà kính tại các DN.

Mặc dù các DN ngành gỗ đã có nhiều cải tiến như thay thế đèn huỳnh quang T8 bằng đèn LED, tận dụng chiếu sáng tự nhiên… nhưng theo bà Truyền, vẫn còn nhiều giải pháp tiềm năng cho DN giảm phát thải như lắp đặt đồng hồ giám sát năng lượng; thay đổi hệ thống máy nén khí, hệ thống lọc bụi, hệ thống máy lạnh, đầu tư lò sấy gỗ năng lượng mặt trời, đầu tư máy CNC tự động, lắp hệ thống điện mặt trời…

Dù vậy, có thể thấy, tín hiệu tích cực trong ngành gỗ hiện nay là nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai kiểm kê khí nhà kính để sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường trong ESG. Không chỉ riêng doanh nghiệp lớn mà đã có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ nhỏ. Ngoài chuyển đổi xanh, nhiều đơn vị còn đẩy mạnh chuyển đổi số - một mô hình chuyển đổi kép để nâng cao hiệu quả trong tiến trình giảm phát thải trong tương lai.