xuân

Việt Nam đã nhập khẩu 67.131 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn

Nhịp Sống Sài Gòn

Đây là thông tin tại hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả chăn nuôi năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 do Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tổ chức vào chiều 3-1-2020.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, năm 2019, do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, sản lượng thịt lợn trong quý IV-2019 giảm mạnh, đặc biệt tháng 5 và tháng 6-2019 là cao điểm của bệnh dịch, lợn bị tiêu hủy nhiều dẫn đến nguồn cung cuối quý IV thiếu hụt, cùng diễn biến thị trường quốc tế phức tạp khiến giá thịt lợn tăng cao. 

Trong bối cảnh đó, có nhiều mô hình chăn nuôi sinh học vẫn giữ được an toàn cho đàn lợn, như: Các mô hình của tập đoàn Quế Lâm (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Công ty Hà Long (tỉnh Hưng Yên), Hợp tác xã Hoàng Long (Hà Nội), Công ty Amafarm (các tỉnh Hưng Yên và Hải Dương); nhiều cơ sở chăn nuôi ở Bắc Giang... Nhiều tỉnh, thành phố chủ động tái đàn lợn rất tốt như: Hà Nội đã tái đàn được 50% số lợn đã tiêu hủy, Bắc Giang tái đàn trên 60%...

Ảnh minh họa: Internet

Đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu 280.474 tấn thịt gia súc, gia cầm (tăng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2018). Với thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, chúng ta đã nhập 67.131 tấn (tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó chủ yếu nhập khẩu từ các nước: Đức (24,92%), Ba Lan (17,31%), Brazil (13,82%), Canada (7,86%), Mỹ (6,68%) và một số nước khác như: Italia, Bỉ, Tây Ban Nha.

Với thịt trâu và sản phẩm thịt trâu, chúng ta nhập 45.176 tấn (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2018), trong đó, 99,8% được nhập khẩu từ Ấn Độ. Hơn 550.000 trâu bò sống, gần 60.000 tấn thịt bò và sản phẩm thịt bò (có xương và không xương) chủ yếu được nhập khẩu từ các quốc gia: Australia 43%, Mỹ 32%, Anh 11%, Canada 5%, Nga 3% và một tỷ lệ nhỏ từ các nước khác.

Cùng với nhập khẩu, năm 2019, Việt Nam cũng xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 638 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cả nước xuất khẩu khoảng 11.500 tấn thịt lợn các loại, kim ngạch đạt trên 55,3 triệu USD; hơn 23.300 tấn thịt gà, kim ngạch, đạt gần 22,2 triệu USD; trên 30.000 tấn mật ong; khoảng 2 triệu con gà giống; gần 22 triệu USD thịt chế biến...

Năm 2020, tình hình sản xuất chăn nuôi được dự báo còn nhiều khó khăn, nhất là bệnh Dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục gây khó khăn cho sản xuất chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, ngành chăn nuôi phải đạt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân khoảng 4%; sản lượng thịt các loại đạt 5,5 triệu tấn, trong đó, thịt lợn chiếm 64-67%, thịt gia cầm khoảng 25-27%, thịt gia súc ăn cỏ khoảng 9-11%.

NGỌC QUỲNH

[email protected]