Tập đoàn Hoà Phát vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 1.448 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm trước nhưng cao gấp 3,78 lần so với quý 1/2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.830 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đạt 23% kế hoạch năm.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Hòa Phát cho biết Tập đoàn đã tổ chức sản xuất, chăn nuôi phù hợp với tình hình thị trường có nhiều biến động, nhất là mảng chăn nuôi bò Úc.
Theo nguồn tin chúng tôi có được, hiện nay, Hòa Phát đã thu hẹp mảng bò, tính kế hoạch mới cho một số trang trại.
Hoà Phát kinh doanh bò qua Công ty TNHH Thương mại Hòa Phát. Theo giới thiệu trên website, đây là đơn vị có quy mô lớn nhất trong ngành với nhiều trang trại trên toàn quốc.
Hòa Phát đang có 3 trang trại bò trên khắp cả nước bao gồm: Trang trại bò Việt Hùng Thái Bình tại Hưng Hà, Thái Bình có diện tích 14ha; Trang trại bò Hòa Phát Quảng Bình tại Bố Trạch, Quảng Bình có diện tích 40ha trang trại và 550ha trồng trọt; Trang trại bò Đồng Phát tại Cẩm Mỹ, Đồng Nai có diện tích 21ha.
Báo cáo thường niên năm 2022 của Tập đoàn Hoà Phát cho biết, thị trường bò Úc suy giảm mạnh do Trung Quốc đóng cửa biên giới trong thời gian dài. Bò các loại kể cả bò không chính ngạch (không tuân theo mô hình chăm sóc chuẩn quốc tế, không tiêm phòng, giá rẻ...) quay lại cạnh tranh tại thị trường tiêu thụ ở Việt Nam vốn đã nhỏ, dẫn tới bò Úc ở phân khúc giá trung bình cao gặp nhiều khó khăn. Thực tế, sản lượng bán hàng bò Úc nguyên con chỉ đạt gần 28.000 con, giảm 45% so với 2021.
Mặc dù mới gia nhập nông nghiệp từ năm 2016, nhưng Hòa Phát đã có được vị thế hàng đầu trong ngành khi chiếm thị phần cung cấp bò Úc lớn nhất Việt Nam với trên 50% sản lượng.
Ông Trần Đình Long từng cho biết: “Cứ 2 con bò Úc ở Việt Nam thì có một con của Hòa Phát, đứng đầu cả nước.”
Lĩnh vực nông nghiệp của Hòa Phát bao gồm sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi heo, bò Úc và gia cầm. Hoà Phát cho biết, năm 2022, lợi nhuận lĩnh vực này sụt giảm mạnh so với năm 2021 do ảnh hưởng của suy thoái hậu Covid làm giảm sức tiêu thụ của thị trường.
Trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao do nhiều nguyên nhân, điển hình là nông sản thế giới đã được thiết lập mặt bằng giá mới do xung đột tại Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nguy cơ mất ổn định an ninh năng
lượng, an ninh lương thực cao. Đầu năm 2022, giá heo, trứng và bò
đều giảm mạnh, khôi phục lại trong quý 2 &3, sau đó quay đầu giảm vào quý 4.
Quý 1/2023, Nông nghiệp Hoà Phát đạt doanh thu 1.589 tỷ và lỗ sau thuế 117 tỷ. Hoà Phát cho biết, gần đây, giá bán heo, trứng gà đã có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Trứng gà sạch Hòa Phát hiện nằm trong Top 3 nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam và dẫn đầu tại miền Bắc với khoảng 900.000 quả/ngày.