xuân

Từng được Shark Hưng đổ tiền nhiều nhất sau Shark Tank, đặt tham vọng xây 2.000 trạm sạc, startup pin điện đa năng Mopo giờ ra sao?

Startup Mopo giờ đây đang âm thầm chuyển mình với loạt sản phẩm mới sau thời gian dài "im hơi lặng tiếng" trên truyền thông.

Màn ra quân rầm rộ

Vào cuối tháng 9/2018, tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa 2, dự án pin thông minh Mopo đã thành công kêu gọi đầu tư 1 triệu USD từ Shark Hưng cho 25% cổ phần.

Đây là khoản đầu tư lớn nhất trong Shark Tank Việt Nam mùa 2 và cũng là thương vụ Shark Hưng (Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CenGroup) thực rót với số vốn lớn nhất sau nhiều lần ngồi "ghế nóng" chương trình cho tới nay.

Mopo là một giải pháp năng lượng di động do Công ty Powercentric phát triển, sử dụng nền tảng pin Lithium-ion thế hệ mới tích hợp với công nghệ quản lý pin độc quyền mang tên Mopo.

Theo nhà sáng lập Nguyễn Ngọc Minh, bình trữ điện đa năng MoPo có thể thay thế cho các loại ắc quy chì - axit truyền thống, vốn đang được sử dụng rộng rãi trong xe điện và các hệ thống lưu trữ năng lượng hiện nay.

So với các loại bình ắc quy thông thường, MoPo có kích thước nhỏ gọn và trọng lượng chỉ bằng khoảng 1/4 nhưng tuổi thọ gấp 5-7 lần ắc quy chì. Đáng chú ý, khi kết hợp với bộ chuyển đổi điện, thiết bị này có thể trở thành một máy phát điện di động linh hoạt, dễ dàng kết nối và nâng cấp công suất sử dụng.

Ở thời điểm lên Shark Tank gọi vốn, ông Minh cho biết sản phẩm đã hoàn tất giai đoạn nghiên cứu và chính thức thương mại hóa, đạt doanh thu hơn 500 triệu đồng chỉ sau 2 tháng vận hành thử nghiệm. Powercentric đã đầu tư xây dựng nhà xưởng cùng dây chuyền sản xuất với công suất thiết kế lên tới 60.000 sản phẩm/năm.

Tháng 7/2019, CenGroup của Shark Hưng chính thức rót 1 triệu USD cho startup này. Thời điểm đó, ông Hưng từng chia sẻ rằng khoản đầu tư này nhắm đến mô hình kinh doanh kết hợp giữa B2B và B2C, trong đó hướng B2B – cung cấp pin cho các hãng sản xuất xe điện, ô tô điện theo hình thức ODM – sẽ là trọng tâm chiến lược.

"Tôi đã làm việc với hầu hết các hãng xe lớn ở Việt Nam. Với VinFast, tôi cũng đã gặp CEO VinFast và đàm phán ở mức độ nhất định để làm sao có thể hợp tác được với nhau", Shark Hưng từng chia sẻ.

Bên cạnh đó, startup này còn định hướng biến tiệm tạp hóa thành trạm sạc theo mô hình "Grab năng lượng". Cụ thể, bất kỳ ai đang kinh doanh tạp hóa, bán nước, báo chí... đều có thể trở thành đối tác trạm sạc/đổi pin với khoản đầu tư chỉ khoảng 100 triệu đồng. Người dùng có thể kiểm tra tình trạng pin, tìm kiếm trạm sạc/ đổi pin gần nhất trên app của Mopo. Thời điểm đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu xây dựng 2.000 trạm sạc/đổi trên toàn quốc, ưu tiên tại các đô thị lớn.

Quý 3/2019, MoPo ra mắt 4 sản phẩm chủ đạo gồm: Pin lithium-ion Mopo cùng phụ kiện như bộ chuyển điện, bộ sạc, app quản lý trạng thái pin; Tủ và trạm sạc đổi pin; Xe điện Xyndi; Tấm thu năng lượng dùng trong gia đình và di động.

Tính đến tháng 9/2019, Shark Hưng tiết lộ doanh thu của Mopo đã tăng gấp 20 lần so với thời điểm trước khi xuất hiện trên Shark Tank. Đến quý I/2020, Mopo đã phát triển thành công mạng lưới gồm 500 trạm sạc và đổi pin trải dài trên toàn quốc.

Dần vắng bóng trên truyền thông

Từng được Shark Hưng đổ tiền nhiều nhất sau Shark Tank, đặt tham vọng xây 2.000 trạm sạc, startup pin điện đa năng Mopo giờ ra sao?- Ảnh 1.

Từng được Shark Hưng đổ tiền nhiều nhất sau Shark Tank, đặt tham vọng xây 2.000 trạm sạc, startup pin điện đa năng Mopo giờ ra sao?- Ảnh 2.

Một số sản phẩm nổi bật của Mopo

Theo tìm hiểu, Công ty PowerCentric được thành lập 2016 theo hình thức công ty TNHH. Vài tháng sau khi thành lập, vốn điều lệ của công ty tăng vọt từ 1 tỷ lên 110 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ở thời điểm nhận vốn từ Cenland, ngày 15/08/2019, PowerCentric đã điều chỉnh vốn điều lệ về 11 tỷ đồng.

Đến ngày 14/07/2020, PowerCentric chuyển đổi từ công ty TNHH sang mô hình công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ lên 111 tỷ đồng.

Trong đó Nguyễn Ngọc Minh chiếm 72,28% vốn góp; Nguyễn Đức Nam chiếm 1,5% vốn góp và cổ đông còn lại là Công ty TNHH Powernheat chiếm 26,18% vốn góp.

Mặc dù trước đó Mopo từng đưa ra nhiều chiến lược phát triển mạnh mẽ nhưng kể từ năm 2021 trở đi, các thông tin về startup trên truyền thông dần vắng bóng. Từ kế hoạch biến các tạp hóa thành trạm sạc cho đến bắt tay với công ty xe điện như Vinfast… đều không được nhắc đến. Fanpage của hãng cũng không cập nhật thông tin mới. Bài đăng gần nhất là vào tháng 7/2021.

Theo thông tin hiện tại trên website mopolife.xvnet.vn đã đăng kí với Bộ Công thương, Mopo hiện đã có thêm nhiều dòng sản phẩm.

Sản phẩm bán chạy nhất của hãng là Pin Lithium Mopo Max, có giá khoảng 9,7 triệu đồng. Dòng pin này có thể sử dụng cho cả xe máy điện, xe đạp điện. Ngoài ra, khi kết hợp với sản phẩm Bộ chuyển đổi điện Mopo Inverter sẽ cung cấp điện ngoài lưới 220V cho nhiều thiết bị khác nhau.

Sản phẩm pin lithium chuyên sử dụng cho các loại xe golf, xe điện du lịch, các loại xe chuyên chở tải trọng lớn thường sử dụng trong các khu du lịch, khu Resort,.. có giá từ 40 -60 triệu đồng.

Các sản phẩm tấm pin năng lượng mặt trời có thể gấp gọn, mang theo ra ngoài có giá 5 -10 triệu đồng.

Mopo cũng phát triển sản phẩm mới như hệ thống lưu trữ năng lượng container Mopo Cbess M. Đây là hệ thống bao gồm thiết bị chuyển đổi điện PCS hoặc HPS kết hợp với hệ thống pin lithium MOPO để lưu trữ năng lượng và hệ thống làm mát, hệ thống phòng cháy chữa cháy được lắp đặt trong một container.

Hệ thống hoạt động với nguyên lý lưu điện từ lưới điện hoặc các nguồn năng lượng tái tạo như hệ thống điện mặt trời, điện gió sau đó phóng điện ra phụ tải hoặc hòa lưới của khách hàng theo khung giờ khách hàng đặt ra.

Công ty hiện vẫn duy trì sản phẩm trạm sạc pin Mopo Recharge và Mopo Swapping Station.