Handico lên kế hoạch thoái vốn khỏi HD6
CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà Số 6 Hà Nội (Handico6 - UPCOM: HD6) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên (AGM) năm tài chính 2022 vào ngày 19/5 với tất cả tờ trình được thông qua.
Tại AGM năm nay, một trong những nội dung đáng chú ý là việc cổ đông Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho biết có kế hoạch thoái toàn bộ vốn khỏi Handico6. Handico tính đến hết năm 2022 nắm gần 2,5 triệu cổ phiếu HD6, tương đương chiếm 17,1% vốn.
Với tờ trình Handico6 chào bán cho cổ đông hiện hữu 14,4 triệu cổ phiếu, Handico cho biết Handico6 không thuộc ngành, lĩnh vực cần tiếp tục đầu tư thêm vốn và phải chuyển nhượng vốn theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp có vốn nhà nước, căn cứ Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp; Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021- 2025.
Bên cạnh đó, ngày 27/3/2023, Handico đã trình UBND TP. Hà Nội Đề án cơ cấu lại sắp xếp và đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển sản xuất kinh doanh của Tổng công ty giai đoạn 2022-2025. Trong đó, Handico6 thuộc danh sách các đơn vị được Tổng công ty đề xuất UBND TP. Hà Nội cho phép tiếp tục thoái toàn bộ vốn trong giai đoạn 2023-2025.
Diễn biến này mở ra cơ hội cho các nhóm cổ đông tại Handico6 có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu. Bên cạnh Handico, cơ cấu cổ đông lớn của Handico 6 ghi nhận thêm Chủ tịch HĐQT Lê Quốc Bình nắm hơn 3,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 23,7%).
Đáng chú ý, dữ liệu của Nhadautu.vn cũng cho thấy có một nhóm cổ đông khác nắm đến hơn 2,46 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 17%), các cổ đông này đã không thông qua tờ trình Nghị quyết và Biên bản họp AGM năm 2023. Theo tìm hiểu, nhiều khả năng họ đã "vào" Handico6 từ cách đây 2 năm. Có thể thấy, AGM giai đoạn 2021-2022 cũng ghi nhận một lượng cổ phiếu xấp xỉ con số kể trên không thông qua các tờ trình Nghị quyết và Biên bản.
Biên bản AGM của Handico6 ngày 28/6/2021 ghi nhận 117 cổ đông nắm giữ 93,75% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Song tỷ lệ này bắt đầu giảm nhanh trong 2 năm gần đây, về còn 70,65% AGM ngày 25/6/2022 và 67,38% tại AGM 2023 vừa qua.
Khoảng thời gian 2021-2022 cũng là giai đoạn thanh khoản của HD6 tăng đột biến, thường xuyên hơn 100.000 đơn vị/ phiên, có những phiên gần 1 triệu đơn vị. Cùng với đó là nhiều nhịp tăng giảm đan xen theo chiều hướng đi xuống, kéo giá HD6 từ vùng 46.000 đồng/CP giữa năm ngoái về còn quanh 20.000 đồng từ tháng 4/2022 tới nay.
Handico6 làm ăn thế nào?
Handico6 tiền thân là Xí nghiệp sửa chữa và xây dựng nhà cửa quận Đống Đa được thành lập ngày 24/3/1993. Sau đó đổi tên thành CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà số 6 Hà Nội vào ngày 31/3/2005 với vốn điều lệ là 20,2 tỷ đồng. Trải qua 3 lần tăng vốn, đến tháng 8/2016 vốn điều lệ tăng lên mức 144 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện nay.
Doanh nghiệp này được biết đến là chủ đầu tư một số dự án ở TP. Hà Nội, tiêu biểu nhất phải kể đến tòa cao ốc Diamond Flower Tower (số 48 Lê Văn Lương). Dù vậy, nhận thấy sự cạnh tranh ở thị trường bất động sản Hà Nội, cũng như nhìn ra tiềm năng phát triển của tỉnh Quảng Ninh, Handico6 đã nhanh chóng bắt tay đầu tư tại địa phương nay với dự án Green Diamond Hạ Long.
Đây là dự án rất thành công của Handico6. Kết thúc năm 2022, công ty đã bàn giao thành công 24/24 căn Shophouse và 27/42 căn liền kề cho khách. Trong khi đó, chung cư cao tầng đã thi công xong, nghiệm thu xong Phòng cháy chữa cháy, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu với Cục Giám định Bộ xây dựng, sẵn sàng cho công tác bàn giao và hoàn thành bàn giao nhà cho khách hàng trong quý II/2023.
Sự thành công của Green Diamond Hạ Long mang về doanh thu và lợi nhuận Handico6 giai đoạn 2021-2022 ở mức rất cao so với giai đoạn trước. Trong đó, năm 2022, doanh thu và lợi nhuận đạt đỉnh lần lượt là 440 tỷ đồng và 81 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận gộp mảng bất động sản công ty năm 2021 và 2022 lần lượt đạt ở mức ấn tượng là 44,7% và 44,3%. Chỉ tiêu này vượt xa so với mảng xây lắp (7,7% năm 2021 và 8,1% năm 2022).
Lưu ý rằng, đây là giai đoạn rất nhiều doanh nghiệp bất động sản lao đao vì ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.
Trong quý I/2023, doanh thu thuần Handico6 tăng mạnh gần 49% đạt 45,8 tỷ đồng. Nhờ giá vốn chỉ tăng 25,6%, nên lợi nhuận gộp công ty lên đến 15,9 tỷ đồng, tăng 130,4%. Sau khi trừ đi các chi phí và thuế, lãi ròng Handico6 đạt 5,9 tỷ đồng, tăng 90%.
Trong năm 2023, Handico6 đặt mục tiêu doanh thu 641,96 tỷ đồng và lãi 98,17 tỷ đồng.
Tình hình tài chính công ty cũng khởi sắc đáng kể với tổng tài sản tại ngày 31/3/2023 đạt gần 1.389 tỷ đồng, chiếm đến gần 66% là tài sản dở dang dài hạn 915 tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cao nhất là Dự án tại TP. Hạ Long (711,5 tỷ đồng). Dù thuyết minh không nêu cụ thể, song nhiều khả năng đây chính là dự án Green Diamond Hạ Long đang trong quá trình thi công và bàn giao (như đã đề cập).
Bên kia bảng cân đối kế toán, khoản mục doanh thu chưa thực hiện đạt gần 725,3 tỷ đồng, và chiếm đến hơn 52% tổng cơ cấu nguồn vốn.
Khác với nhiều doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán, nợ vay tài chính Handico6 ở mức rất thấp. Xét riêng BCTC quý I/2023, vay nợ tài chính ngắn/dài hạn công ty chỉ là 68,8 tỷ đồng, giảm 17,8% so với số đầu kỳ và chỉ chiếm vỏn vẹn gần 5% cơ cấu vốn công ty.
Trong đó, chỉ có khoản 16,3 tỷ đồng là vay ngắn hạn Ngân hàng BIDV Thái Hà, còn lại 14,7 tỷ đồng vay ngắn hạn các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, Handico6 cũng vay dài hạn ông Bùi Long Hải (3 tỷ đồng) và bà Nguyễn Thị Thủy (34,8 tỷ đồng). Đây là 2 hợp đồng vay ký từ năm 2019, thời hạn 24-36 tháng, lãi suất 1-3%/năm. Các khoản vay này không có tài sản đảm bảo và người cho vay được ủy quyền mua căn hộ của dự án.
Tuy vậy, sau thành công của Green Diamond Hạ Long, vấn đề của Handico6 là thiếu vắng những dự án "gối đầu" có tiềm năng. Cái tên đáng chú ý nhất là trong danh mục dự án công ty là Nhà ở xã hội tại Đồi Ngân hàng - TP. Hạ Long quy mô 25.900m2, tổng vốn đầu tư 1.361 tỷ đồng (liên danh cùng CTCP Tư vấn Đầu tư Tài chính Toàn Cầu). Song dự án này mới khởi công từ tháng 10/2022, và khó có thể sớm tạo nguồn thu đột phá cho Handico6.
Còn lại, Handico6 cho biết mới chỉ lên kế hoạch tiếp cận nghiên cứu các dự án tại Hạ Long, Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh), dự án Resort Phú Yên, dự án khu đô thị ở Phong Điền – Huế, và các dự án tại tỉnh Bắc Giang….
Một dự án khác là Đồi Cái Dăm mới xong quy hoạch 1/500. Tại AGM năm nay, Đoàn chủ tịch cho biết đang trình tiếp chờ chủ trương của thành phố.
Chưa kể, loạt dự án ở TP. Hà Nội của công ty vẫn gặp khó khăn về thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng như dự án 102 Nguyễn Khuyến, dự án lô C1 khu Trung Hoà Nhân Chính, dự án HH2 Trung Văn Nam Từ Liêm….
Hay dự án Tổ hợp trung tâm thương mại và dịch vụ, trụ sở văn phòng nhà ở chung cư trên lô đất HH2 Khu vực Ngòi – Cầu Trại (TP. Hà Nội) đã kéo dài 13 năm mà chưa thể hoàn thành. Được biết, Handico6 đã rót 34,7 tỷ đồng cùng thực hiện dự án với Công ty TNHH Viễn Tin Hà Nội.
Băn khoăn 45 tỷ đồng trái phiếu liên quan 2 đại án
Handico6 cũng tồn đọng 2 khoản trái phiếu với tổng giá trị 45 tỷ đồng, trong đó 25 tỷ đồng với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh và 20 tỷ đồng với CTCP Đầu tư Tân Thành Long An - pháp nhân liên quan đại án Vạn Thịnh Phát.
Cổ đông lớn Handico tại AGM vừa qua cho rằng Handico6 cần thận trọng trong việc đầu tư trái phiếu phát hành, ưu tiên đầu tư dòng tiền vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính để tạo sản phẩm, giá trị lợi ích, tránh gây mất vốn khi thực hiện hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Về lô trái phiếu 25 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh, Chủ tịch HĐQT Handico6 Lê Quốc Bình cho biết: "Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện cá nhân và tham vấn một số ý kiến, tôi nghĩ Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh đủ khả năng thanh toán phần nợ trái phiếu. Vấn đề ở đây là về quy trình xử lý bất động sản".
Còn đối với trái phiếu của CTCP Đầu tư Tân Thành Long An TVSI, ông nói đây thực chất là khoản đầu tư trái phiếu vào Công ty TNHH Saigon Glory. "Phía tổ chức phát hành vẫn trả lãi 3 tháng/lần, và họ đã cam kết mua lại trái phiếu trước ngày 12/6/2023", Chủ tịch HĐQT Handico6 thông tin.
Điều đáng nói, là hoặc ông Lê Quốc Bình, hoặc BCTC doanh nghiệp các năm 2021 và 2022 được kiểm toán bởi Công ty Kiểm toán CPA Việt Nam đã có sự nhầm lẫn. Bởi, CTCP Đầu tư Tân Thành Long An TVSI (chính xác là trái phiếu CTCP Đầu tư Tân Thành Long An do TVSI thu xếp vốn) và Công ty TNHH Saigon Glory là 2 pháp nhân khác nhau hoàn toàn.
Cụ thể, CTCP Đầu tư Tân Thành Long An hồi tháng 5/2021 phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm, lãi suất 2 kỳ đầu là 10%/năm, các kỳ còn lại bằng lãi tham chiếu cộng biên độ 4,5%, nhưng không thấp hơn 10%/năm.
Đáng chú ý, đây là pháp nhân nằm trong danh sách hơn 700 doanh nghiệp bị cơ quan điều tra phong tỏa do liên quan đến vụ án điều tra Vạn Thịnh Phát.
Còn Saigon Glory thì huy động 10.000 tỷ đồng trái phiếu từ năm 2020. Hồi tháng 10/2022, Saigon Glory đã cam kết với nhà đầu tư sẽ mua lại trái phiếu trước hạn và thanh toán đầy đủ đúng hạn gốc lẫn lãi.
Cụ thể, đối với các gói trái phiếu có mã thứ tự từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.05, Saigon Glory cam kết sẽ mua lại trước hạn khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 12/6/2023. Đối với các gói trái phiếu có thứ tự mã từ SG-2020.06 đến SGL-2020.10, Saigon Glory cam kết mua lại trước hạn ngay khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 12/6/2024. Đồng thời, công ty cam kết sẽ nỗ lực hoàn thành tất cả nghĩa vụ liên quan và thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi cho toàn bộ các gói trái phiếu nêu trên.