Hình ảnh mô phỏng điểm kết nối và lắp ghép của tàu chở hàng Thiên Châu-8 với tổ hợp trạm vũ trụ. (Nguồn: Xinhua) |
Ngày 15/11, Trung Quốc đã phóng tàu chở hàng Thiên Châu-8 để cung cấp trang thiết bị cho trạm vũ trụ Thiên Cung.
Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc, tên lửa Trường Chinh-7, mang theo tàu Thiên Châu-8, đã rời bệ phóng từ bãi phóng tàu vũ trụ Văn Xương (Wenchang), tỉnh Hải Nam, miền Nam nước này. Sau khoảng 10 phút, tàu Thiên Châu-8 đã tách khỏi tên lửa, đi vào quy đạo đã định. Các tấm pin mặt trời của tàu đã mở ra. Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc tuyên bố vụ phóng diễn ra thành công.
Tin liên quan |
Mỹ-Trung Quốc: Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc nguyên tắc tối thượng và 4 lằn ranh đỏ; lần đầu nhất trí một điều liên quan vũ khí hạt nhân |
Tàu Thiên Châu-8 sẽ tự động đáp và kết nối với cổng sau của module chính Thiên Hà của trạm vũ trụ Thiên Cung trong khoảng 3 giờ sau khi phóng. Tàu chở hàng Thiên Châu của Trung Quốc có chiều dài 10,6 m và đường kính tối đa 3,35 m, gồm 1 module hàng hóa và 1 module nhiên liệu, chủ yếu có nhiệm vụ vận chuyển vật tư và nhiên liệu đến trạm vũ trụ Thiên Cung và đưa chất thải từ trạm vũ trụ trở lại khí quyển để đốt và xử lý.
Trong sứ mệnh lần này, tàu Thiên Châu-8 mang theo các vật tư thiết yếu cho phi hành gia trên quỹ đạo, trong đó có nhu yếu phẩm sinh hoạt, vật tư y tế và vật liệu hỗ trợ cho các chuyến đi bộ ngoài không gian của các nhà du hành vũ trụ. Các vật tư này chủ yếu nhằm hỗ trợ các phi hành gia Thần Châu-19 (Shenzhou-19) và Thần Châu-20 (Shenzhou-20) trong tương lai.
Đáng chú ý, tàu Thiên Châu-8 còn mang theo “gạch Mặt Trăng”, do các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung (HUST) tạo ra. Các nhà khoa học đã sử dụng vật liệu mô phỏng đất trên Mặt trăng được tàu vũ trụ Thường Nga 5 mang về để tạo ra những viên gạch có độ bền gấp 3 lần so với gạch đỏ hoặc gạch bê tông thông thường.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn phát triển một phương án xây dựng bằng công nghệ chế tạo đắp lớp, hay còn gọi là công nghệ in 3D - một quá trình tạo ra vật thể trong không gian 3 chiều, theo đó, vật liệu sẽ được đắp lên và hình thành dưới sự điều khiển của máy tính.
Mục đích của lần đưa “gạch Mặt trăng” lên vũ trụ nhằm kiểm tra hiệu suất cơ học và khả năng chịu nhiệt, cũng như khả năng chịu được bức xạ vũ trụ của gạch để xem liệu có thể sử dụng loại gạch này xây nhà trên Mặt trăng hay không. Dự kiến, sau thí nghiệm không gian, “gạch Mặt trăng” sẽ trở về Trái đất vào cuối năm 2025.
Ngoài ra, tàu Thiên Châu-8 còn mang theo ruồi giấm để tiến hành thí nghiệm khoa học trong môi trường hỗn hợp vi trọng lực.