Theo đó, về đường sắt đô thị , các đơn vị tư vấn đề xuất bổ sung ba tuyến đường sắt đô thị mới và các tuyến nối các tuyến đường sắt đô thị đã được quy hoạch hiện nay.
Cụ thể, bổ sung tuyến đường sắt đô thị có tính chất “Airport Link” kết nối qua các nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để về đến trung tâm TPHCM và Thủ Thiêm, đồng thời kết nối đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành (theo đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành).
Đồng thời, bổ sung tuyến đường sắt đô thị vượt sông Soài Rạp sang Cần Giờ, kết nối đến Khu đô thị du lịch 2.870 ha lấn biển Cần Giờ.
Cuối cùng, bổ sung tuyến đường sắt (tính chất vận chuyển khách) kết nối giữa 2 ga đầu mối đường sắt quốc gia về phía Bắc (ga Thủ Thiêm) và về phía Tây (ga Tân Kiên), chiều dài khoảng 28 km.
Ngoài ra, các đơn vị đang nghiên cứu nối dài tuyến đường sắt đô thị số 6 thêm khoảng 7 km đến đường Nguyễn Văn Linh. Đồng thời, đề xuất nối tuyến đường sắt đô thị số 2 – giai đoạn 2 (Bến Thành - Thủ Thiêm) tại ga Thủ Thiêm với đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tạo thành một hành lang đường sắt thông suốt từ Đô thị Tây Bắc TPHCM - Bến Thành - Thủ Thiêm - Long Thành trong tương lai, dài hơn 80 km.
Bên cạnh đó, định hướng kết nối các tuyến đường sắt đô thị số 3b và số 4 của TPHCM với các tuyến đường sắt đô thị đang được nghiên cứu của tỉnh Bình Dương.
Về đường sắt quốc gia, các đơn vị thống nhất với đề xuất chuyển ga đầu mối hành khách được quy hoạch cho đường sắt quốc gia hiện hữu (Hà Nội - TPHCM) từ ga Bình Triệu (TPHCM) về ga An Bình mới (thuộc tỉnh Bình Dương).
Từ đó, có thể nghiên cứu chuyển đoạn tuyến đường sắt quốc gia từ sau ga An Bình về ga Sài Gòn thành đường sắt đô thị. Cùng đó, giải phóng quỹ đất tại các trạm đầu mối kỹ thuật (Bình Triệu, Chí Hòa,…) của đường sắt quốc gia hiện hữu trên đoạn này cho phát triển mô hình TOD hiệu quả.
Về hệ thống các đường trên cao, cần thiết kéo dài các đường trên cao đã được quy hoạch trước đây để hình thành các trục xuyên tâm Bắc - Nam, Đông - Tây TP.HCM kết nối theo các tuyến giao thông đối ngoại đến các tỉnh lân cận.
Cụ thể gồm: Trục Bắc - Nam phía Tây (Bắc Nam 1) từ Vành đai 3 TPHCM đến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Trục Bắc - Nam phía Đông (Bắc Nam 2) từ nút giao Quốc lộ 13 với đường Vành đai 3 TPHCM (trên địa bàn Bình Dương) đến đường Nguyễn Văn Linh (nút giao đầu cầu Phú Mỹ); Trục Đông - Tây phía Bắc (Đông Tây 2) từ đường Vành đai 3 – nhánh phía Tây (trên địa bàn TPHCM) kéo dài kết nối với Quốc lộ 1K đến giao với đường Vành đai 3 (nhánh trên địa bàn Bình Dương).
Bên cạnh đó là tuyến trên cao dọc đường Vành đai 2 TPHCM ; Tuyến kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đoạn trên cao từ đường Nguyễn Hữu Thọ - Hoàng Quốc Việt - cầu Phú Mỹ 2 và kết nối vào Tỉnh lộ 25C (trên địa bàn Đồng Nai); Bổ sung tuyến trên cao từ nút giao đường cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác đến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.
Đối với các đường ven sông Sài Gòn, chủ trương nghiên cứu thực hiện các đường ven sông Sài Gòn đã được lãnh đạo TPHCM và tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm, đặt ra yêu cầu sớm triển khai thực hiện để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo cảnh quan, phát triển du lịch, dịch vụ ven sông.
Hiện nay Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đang triển khai Đề án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn theo định hướng khai thác hiệu quả giá trị sinh thái sông nước tự nhiên, tạo hành lang cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông.
Sở GTVT TPHCM cho rằng các đơn vị tư vấn cần tiếp tục cập nhật quy hoạch phát triển giao thông vận tải từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh để mở rộng phạm vi nghiên cứu, xác định quy mô mặt cắt ngang và vị trí hướng tuyến phù hợp trên từng đoạn…