xuân

Tình hình Ukraine: Nhật Bản không tài trợ vũ khí, nhưng đi ‘nước cờ cao’, Hàn Quốc phá thông lệ

Không trực tiếp gửi vũ khí cho Kiev, nhưng cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều đã có cách hỗ trợ và tái thiết Ukraine bằng cách có lợi nhất.

Tình hình Ukraine: Nhật Bản không tài trợ vũ khí, nhưng đi ‘nước cờ cao’, Hàn Quốc phá thông lệ
Tình hình Ukraine: Nhật Bản không tài trợ vũ khí, nhưng đi ‘nước cờ cao’, Hàn Quốc phá thông lệ. (Nguồn: AFP)

Nhật Bản tìm cách “đi trước một bước”

Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda ngày 2/8 đã đến thăm Ukraine và hội đàm với Bộ trưởng Tài chính nước này - ông Marchenko tại thủ đô Kiev, nhằm thiết lập một cơ chế tham vấn giữa hai cơ quan tài chính cho giai đoạn tái thiết sau này.

Phía Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine khi cần thiết và duy trì chặt chẽ kênh liên lạc song phương.

Mặc dù là một thành viên của Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), nhưng Nhật Bản bị ràng buộc bởi các quy định của luật pháp trong nước nên không thể cung cấp vũ khí cho Ukraine. Do đó, chuyến thăm lần này của quan chức Nhật Bản tập trung thảo luận tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ tái thiết hiệu quả cho Ukraine, nhất là về xây dựng cơ sở hạ tầng, với sự tham gia của cả khu vực công và tư từ phía Nhật Bản.

Sau cuộc hội đàm, ông Kanda cho biết, việc hai nước có thể tổ chức tham vấn tài chính ở thủ đô Kiev lần này đã tái khẳng định cam kết của Nhật Bản về việc hỗ trợ Ukraine, cũng như phản ánh mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đồng thời, ông khẳng định Nhật Bản sẽ phát huy tối đa vai trò Chủ tịch G7 trong việc tăng cường viện trợ cho Ukraine.

Phía Nhật Bản bày tỏ ý định sẽ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp các khoản vay cho Ukraine để phục hồi và tái thiết đất nước, cũng như thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để hỗ trợ y tế, lương thực, nhân đạo.

Theo Viện Kinh tế thế giới Kiel của Đức, Mỹ hiện là quốc gia viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo nhiều nhất cho Ukraine với tổng trị giá hơn 70 tỷ Euro (khoảng 77 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1/2022 đến tháng 5/2023.

Với 6,6 tỷ Euro, Nhật Bản đứng thứ 5 sau Mỹ, các tổ chức thuộc Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Đức. Tuy nhiên, nếu xét về viện trợ liên quan đến lĩnh vực quân sự thì Nhật Bản mới chỉ đóng góp ở mức khiêm tốn với khoảng 30 triệu USD.

Trong khi Mỹ và các nước châu Âu đang thúc đẩy việc cung cấp các loại vũ khí như xe tăng và hệ thống tên lửa đất đối không, Nhật Bản chỉ có thể cung cấp cho Ukraine áo chống đạn và phương tiện vận chuyển như xe tải thuộc sở hữu của Lực lượng phòng vệ. Tuy nhiên, giai đoạn tái thiết mới là cơ hội để Nhật Bản thể hiện là một trong những quốc gia viện trợ lớn cho Ukraine.

Trong chuyến công du đến Kiev lần này, ông Kanda cũng đã gặp Phó Thủ tướng thứ nhất của Ukraine, ông Yulia Svyrydenko. Sau cuộc họp, quan chức Ukraine này đã đăng một dòng trạng thái lên Twitter rằng “Tái thiết Ukraine và hợp tác công-tư là ưu tiên hỗ trợ của Nhật Bản”.

Bất kể cuộc xung đột tại Ukraine kéo dài hay có thể kết thúc trong thời gian ngắn sắp tới, quá trình phục hồi và tái thiết Ukraine đều cần một số tiền rất lớn. WB ước tính, quốc gia Đông Âu này sẽ phải cần tới 411 tỷ USD trong 10 năm tới. Trong đó, giao thông vận tải cần 92 tỷ USD, xây dựng nhà ở cần 69 tỷ USD và 47 tỷ USD để phục hồi ngành năng lượng.

Hồi tháng 5, với tư cách là nước Chủ tịch G7 trong năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới dự Hội nghị thượng đỉnh G7 được tổ chức tại thành phố Hiroshima. Hai bên đã có những trao đổi chi tiết cả ở cấp cao và cấp bộ trưởng như các cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Giao thông.

Ở góc độ Nhật Bản, Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) đã thành lập một ủy ban đặc biệt để phối hợp giữa khu vực công và tư nhân trong kế hoạch hỗ trợ Ukraine phục hồi và tái thiết đất nước. Theo đó, Nhật Bản sẽ phát huy thế mạnh của mình về công nghệ và kinh nghiệm ứng phó với thảm họa thiên tai để hỗ trợ quá trình tái thiết các cơ sở hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc và hồi phục đất nông nghiệp cho Ukraine.

Theo dự kiến, đầu năm 2024, Hội nghị xúc tiến tái thiết kinh tế Nhật Bản-Ukraine sẽ được tổ chức tại Tokyo. Thành công hay thất bại của hội nghị sẽ phục thuộc vào mức độ hợp tác giữa khu vực công và tư trong triển khai chương trình tái thiết.

Giới quan sát bình luận, động thái này của Nhật Bản sẽ giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn về vị thế và nỗ lực của một nước công nghiệp phát triển như Nhật Bản trong xung đột Nga-Ukraine.

Hàn Quốc tính việc ngoại lệ

Chính phủ Hàn Quốc cũng đã quyết định cho phép các doanh nhân Hàn Quốc đến thăm Ukraine để đàm phán về việc tham gia các dự án tái thiết.

Như Yonhap đưa tin, quyết định này được đưa ra như một ngoại lệ đối với các quy tắc hiện hành, theo đó công dân Hàn Quốc bị cấm đến các khu vực xung đột vũ trang nếu bị đe dọa trừng phạt. Chính phủ Hàn Quốc đã cấm nhập cảnh vào Ukraine kể từ tháng 2/2022, khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt tại đây.

Nhưng đầu tháng này, các nguồn tin chính thức cho biết, chính phủ Hàn Quốc đang có kế hoạch cho phép các doanh nhân vào Ukraine để chuẩn bị cho các dự án tái thiết.

Theo các kế hoạch chi tiết, chính phủ Hàn Quốc sẽ đặt giới hạn số lượng doanh nhân mỗi đoàn không quá 30 người, với thời gian lưu trú chỉ trong hai tuần cho mỗi chuyến đi. Họ sẽ đến Ukraine theo "hộ chiếu đặc biệt" theo luật pháp Hàn Quốc và Bộ Ngoại giao sẽ nhận đơn đăng ký từ các doanh nhân bắt đầu từ tháng này.

Nếu số lượng người nộp đơn vượt quá giới hạn, họ sẽ được yêu cầu điều chỉnh thời gian khởi hành để giữ số lượng người trong đoàn trong hạn ngạch cho phép.

Theo dự báo, nhiều công ty Hàn Quốc sẽ đến thăm Ukraine để khám phá các cơ hội tham gia vào các dự án tái thiết tiềm năng. Các công ty xây dựng và cơ sở hạ tầng cũng như các công ty trong lĩnh vực tiện ích và năng lượng đã thể hiện rõ sự quan tâm đến việc tái thiết đất nước Đông Âu này.

Ở cấp chính phủ, một phái đoàn do Bộ trưởng Bộ Đất đai Won Hee-ryong dẫn đầu đã lên kế hoạch thăm Ukraine vào cuối tháng này để thảo luận với các quan chức ở Kiev về dự án tái thiết. Bộ công nghiệp Hàn Quốc cũng đang tổ chức một phái đoàn riêng, bao gồm các công ty năng lượng, với kế hoạch thăm và làm việc tại Ukraine vào tháng 10.

Sự quan tâm đặc biệt như vậy rõ ràng cho thấy những nỗ lực tăng tốc của Hàn Quốc sau chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine của Tổng thống Yoon Suk Yeol vào tháng 7 vừa qua và hứa cung cấp gói hỗ trợ an ninh, nhân đạo và tái thiết.

');$('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst'));})