xuân

Tìm ra giải pháp ngăn ngừa phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo

(Chinhphu.vn) - Cơ quan chức năng đã có giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sử dụng các trạm thu phát sóng giả mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng... để lừa đảo người dùng.

Hiện nay, các trạm BTS (trạm thu phát sóng di động) giả có thể nhắn với tần suất hàng nghìn tin nhắn/phút với các nội dung, như đường link giả mạo, trang cờ bạc trực tuyến, website lừa đảo...

Theo Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) Trần Mạnh Tuấn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trạm BTS giả có thể nhắn tin lừa đảo là do lỗ hổng bảo mật của mạng GSM 2G, chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng, chứ không yêu cầu người dùng xác thực nhà mạng. Kẻ xấu đã lợi dụng kẽ hở này để phát tán tin nhắn giả mạo.

Nhiều quốc gia đang dùng GSM 2G cũng gặp vấn đề này và hiện chưa có giải pháp triệt để xử lý.

Theo ông Tuấn, hiện các thiết bị BTS nhỏ gọn bị nhập lậu theo đường tiểu ngạch. Các đối tượng có thể đặt thiết bị BTS này trên các phương tiện cơ động, như ô tô, xe máy, vận chuyển nhanh, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thanh tra, phát hiện.

Mới đây Bộ TT&TT đã tìm được giải pháp hiệu quả giải quyết vấn đề này nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa nhà mạng và lực lượng công an. 

Khi BTS giả hoạt động, nhà mạng phát hiện, khoanh vùng, đội ngũ chuyên gia kỹ thuật của Cục Tần số có thể định vị chính xác BTS giả đang ở đâu, phối hợp cùng lực lượng công an chặn bắt ngay.

Ông Tuấn cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Tần số vô tuyến điện đã phối hợp với các doanh nghiệp di động, Bộ Công an phát hiện và xử lý 24 vụ BTS giả mạo phát tán tin nhắn rác và lừa đảo. 

Trong đó, năm 2022 có 9 vụ: Cục Tần số vô tuyến điện trực tiếp phát hiện 5 vụ, cơ quan công an mở rộng vụ án và phát hiện thêm 4 vụ. Trong năm 2023 đã phát hiện được 15 vụ, trong đó có 12 vụ do Cục Tần số vô tuyến điện trực tiếp thực hiện.

Phương Liên